Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa cũng như sự cần thiết của việc tổ chức Hội thảo này?
Hội thảo lần này có ý nghĩa rất quan trọng, vì đây là Hội thảo ở tầm quốc gia lần đầu tiên quy tụ các nhà ngoại giao lão thành, các nhà văn hoá có uy tín của Việt Nam và rất đông đại diện các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và báo chí, để bàn về chủ đề Ngoại giao Văn hóa.
Trước hết, Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của chính quyền ở các cấp Bộ, Ban, ngành, địa phương, trước tiên là trong ngành ngoại giao và văn hóa, về công tác văn hoá đối ngoại và ngoại giao văn hoá. Đồng thời, đây cũng là dịp trao đổi, thảo luận nhằm xác định rõ hơn vai trò, nội hàm và phương hướng của Ngoại giao Văn hoá trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam, đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm triển khai mạnh mẽ công tác Ngoại giao Văn hoá trong tình hình mới, để Ngoại giao Văn hoá, cùng với Ngoại giao Chính trị và Ngoại giao Kinh tế, tạo thành 3 trụ cột vững chắc của nền Ngoại giao Việt Nam hiện đại.
Bộ Ngoại giao phát động toàn Ngành, lấy năm 2009 là Năm Ngoại giao Văn hoá. Những ý kiến và đề xuất đưa ra tại Hội thảo sẽ là cơ sở cho các cuộc thảo luận tiếp tục về Ngoại giao Văn hoá tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 26 vào cuối năm nay. Trên cơ sở đó, Bộ Ngoại giao sẽ xây dựng chính sách tổng quan về Ngoại giao Văn hoá và đề ra các chương trình hành động cụ thể để các đơn vị trong Bộ và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng cường công tác này trong năm 2009 và những năm tiếp theo.
Ngoại giao Văn hoá có vai trò quan trọng đối với công cuộc phát triển của Việt Nam, nhưng dường như Ngoại giao Văn hoá chưa được quan tâm nhiều. Thứ trưởng đánh giá thế nào về công tác này trong thời gian qua và kế hoạch trong những năm tới?
Ngoại giao Văn hoá luôn đóng vai trò quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử của Việt Nam, nhất là trong sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa về độc lập dân tộc của nhân dân ta. Cha ông chúng ta đã để lại biết bao bài học kinh nghiệm quý báu về Ngoại giao Văn hoá, “lấy chính nghĩa để thắng hung tàn, lấy trí nhân để thay cường bạo”...
Đúng là có thời kỳ hoạt động Ngoại giao Văn hoá bị trầm lắng, nhất là khi đất nước ta bị bao vây, cấm vận. Tuy nhiên, cùng với quá trình Đổi mới, thế và lực của nước ta không ngừng được nâng cao, chúng ta có thêm những điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh công tác này. Có thể coi Nghị quyết Trung ương 5 Khoá VIII về Xây dựng một nền văn hoá tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc (2003) là “kim chỉ nam” cho công tác Ngoại giao Văn hoá trong thời kỳ mới.
Với việc phát động Năm Ngoại giao Văn hoá 2009, chúng ta muốn tạo ra một luồng sinh khí mới, một “cú hích” để đưa công tác Ngoại giao Văn hoá trong năm 2009 và những năm tiếp theo lên một bình diện mới, để 3 trụ cột ngoại giao thực sự là “kiềng ba chân” của nền Ngoại giao Việt Nam hiện đại.
Theo Thứ trưởng, Việt Nam nên xây dựng thông điệp Ngoại giao Văn hoá như thế nào?
Đây là một câu hỏi thú vị. Nhiều nước cũng đã và đang xây dựng thông điệp Ngoại giao Văn hoá, thương hiệu quốc gia cho riêng mình. Phải chăng Việt Nam ta cũng nên xây dựng một thông điệp, một thương hiệu quốc gia riêng? Tại sao lại không, bởi vì đây là một cách hữu hiệu để tạo dựng và quảng bá hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam, nền văn hoá có bề dày lịch sử hàng nghìn năm và các sản phẩm văn hoá khác của Việt Nam ra thế giới.
Tôi nghĩ, việc xây dựng “thương hiệu quốc gia” là một việc lớn, cần có sự đóng góp trí tuệ của các chuyên gia, các nhà văn hoá, sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành và địa phương… Càng có nhiều ý kiến đóng góp càng tốt. Vì lẽ đó, tôi xin gợi ý Báo TG&VN mở một chuyên mục lấy ý kiến của bạn đọc về “thương hiệu Việt Nam”.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Ngọc Mai(thực hiện) “NGVH là dòng sông đẩy thuyền trôi” Đó là ví von của một đại biểu tham dự Hội thảo, đã được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm nhắc lại trong lễ bế mạc Hội thảo Ngoại giao văn hóa vì một bản sắc VN trên trường quốc tế, phục vụ hòa bình, hội nhập và phát triển bền vững. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã tóm lược tổng kết những ý kiến xoay quanh 6 vấn đề đã được trình bày tại HT. Thứ nhất, việc mở ra hội thảo hôm nay không phải vì bây giờ chúng ta mới có NGVH mà vì cho đến nay chúng ta vẫn chưa hiểu rõ và đầy đủ về nó. VN đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia và cũng đã gia nhập nhiều tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, việc VN gia nhập với thế giới cũng giống như đưa con thuyền VN ra đại dương. Có ý kiến nói rằng: Ngoại giao Chính trị và Ngoại giao Kinh tế là những con thuyền, còn NGVH là dòng sông đẩy con thuyền trôi. Theo Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, khái niệm NGVH được hiểu theo hai khía cạnh là thông qua văn hóa làm tốt công tác ngoại giao và ngược lại, thông qua ngoại giao để thúc đẩy phát triển văn hóa, thúc đẩy giao lưu văn hóa để nâng cao hình ảnh, đất nước VN trên trường quốc tế. Chúng ta phải tiến tới làm rõ hơn nội hàm của NGVH và phải phân công được từng vai diễn cụ thể. Song, để hiểu tường tận về khái niệm này, câu hỏi còn đang để ngỏ. Thứ hai là việc ai sẽ làm chủ đạo trong các hoạt động NGVH? Qua các ý kiến, làm NGVH không phải chỉ có Bộ Ngoại giao hay Bộ VH-TT-DL. Các doanh nhân cũng làm văn hóa. Mọi người dân đều làm văn hóa. Thứ ba là về mô hình NGVH. Có rất nhiều mô hình đã được đưa ra, như thông qua Ngày VN ở nước ngoài, qua kênh truyền hình đối ngoại, các triển lãm hội họa, lịch sử VN hay biểu diễn nghệ thuật… Có ý kiến nêu cần phải “chuẩn hóa”. Vậy chúng ta chọn mô hình nào là tiêu biểu?... Thứ tư là về thông điệp văn hóa. BNG đưa ra 4 thông điệp chung: Đất nước tươi đẹp, Con người thân thiện, Văn hóa độc đáo và Lịch sử huyền thoại. Thứ năm là văn hóa được coi là sản phẩm độc đáo, là thương hiệu. Có ý kiến nói rằng chỉ thông qua bóng đá mà người ta nhìn quốc kỳ là biết Croatia, Doremon là nói đến Nhật Bản. Vậy sản phẩm gì là của VN? Chúng ta có phở, nem, cà phê hay áo dài... Áo dài VN rất đẹp, được thế giới rất thích. Nói đến chuẩn hóa, VN thực tế cũng chưa có “quốc phục”. Cuối cùng là vấn đề cơ chế chính sách, cần phải có hành lang pháp lý; Cơ chế tài chính. Chúng ta có quỹ Ngoại giao Kinh tế, có quỹ hoạt động văn hóa, tại sao không xây dựng quỹ NGVH? Đặc biệt, vấn đề cán bộ là cái gốc của mọi vấn đề. Người làm NGVH vừa phải giỏi ngoại giao vừa phải giỏi văn hóa. Vì vậy, BNG đã giao Học viện Ngoại giao phối hợp với Bộ VH-TT-DL lên kế hoạch mở khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại từ năm tới…
Vài định nghĩa về Ngoại giao văn hóa - Là tổng hòa của quan hệ văn hóa đối ngoại mà Chính phủ một nước theo đuổi. Hàm nghĩa cụ thể của NGVH là hoạt động của ngoại giao quốc gia có chủ quyền lấy việc duy trì lợi ích văn hóa nước mình và thực thi mục tiêu chiến lược văn hóa đối ngoại quốc gia làm mục đích, dưới sự chỉ đạo của một chính sách đối ngoại nhất định, triển khai dựa vào thủ đoạn hòa bình bao gồm cả thủ đoạn văn hóa. (Bành Tân Lang, Ngoại giao văn hóa và sức mạnh mềm - Trung Quốc). - Là sự giao lưu về tư tưởng, thông tin, nghệ thuật và các hình thức văn hóa khác được tiến hành nhằm thúc đẩy sự hiểu biết hai bên giữa các quốc gia và dân tộc. (Milton Kamins, Đại học Hopskin, Mỹ). - Là sự đầu tư mang tính lâu dài, được tiến hành nhằm thúc đẩy quan hệ giữa chúng ta với nhân dân các nước trên thế giới... để thúc đẩy hiểu biết hai bên, để nhân dân các nước khác hiểu biết tốt hơn về lợi ích và chính sách quốc gia của chúng ta. (Zhulite Sarborosi, ĐH Georetown, Mỹ). - Là một trong những thành tố chính trong quan hệ ngoại giao của thế kỷ XXI, bởi nó có khả năng giải quyết những thách thức lớn của thời đại theo hướng bền vững, đó là những thách thức về sự bất bình đẳng, bất công bằng, nghèo đói và xung đột... NGVH có thể được nhìn nhận dựa trên việc chuyển đổi những định kiến truyền thống về các nền văn hóa thành sự hiểu biết và hợp tác. Văn hóa là cái phân biệt các quốc gia và các nhóm dân tộc với nhau, nhưng cũng nhờ văn hóa mà chúng ta có thể hiểu biết nhau hơn. (Vibeka Jensen, Trưởng đại diện VP UNESCO tại Việt Nam) |