Trong đó, thị trường xuất khẩu sang Mỹ lớn nhất, chiếm 42% so với tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may, ước đạt 5,18 tỷ USD (tăng 11,01% so với cùng kỳ năm 2014). Xuất khẩu dệt may Việt Nam sang EU ước đạt 1,45 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Nhằm đón đầu cơ hội lớn từ các FTA mang lại, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã chú trọng nâng cao chất lượng chuỗi liên kết nội tại giữa các doanh nghiệp, chủ động chuyển từ hình thức gia công xuất khẩu (CMT) như trước đây sang làm hàng mua nguyên liệu bán thành phẩm (FOB), tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm cho khách hàng (ODM) để gia tăng thị phần và kim ngạch xuất khẩu.
Trao đổi về kinh nghiệm của Tổng công ty May 10 nhằm tận dụng cơ hội lớn từ FTA Việt Nam - EU, Phó Tổng giám đốc Thân Đức Việt cho biết, May 10 đang xây dựng chiến lược đầu tư để mở rộng năng lực sản xuất, đón nhận lượng hàng tăng lên từ các khách hàng nhập khẩu từ châu Âu.
"Để có thể cung cấp sản phẩm trọn gói cho các khách hàng, chúng tôi đang liên lạc, giao lưu với các đối tác để kêu gọi cùng May 10 đầu tư đáp ứng được xuất xứ nguyên liệu, sản phẩm trọn gói từ nguyên liệu cho đến thành phẩm cuối cùng ở tại Việt Nam mà không nhờ vào yếu tố bên ngoài", ông Việt nói. PV