📞

Dệt may Việt Nam trước cơ hội từ các FTA

11:36 | 20/12/2017
Là ngành hội nhập sớm, các doanh nghiệp dệt may đã và đang tranh thủ tận dụng những cơ hội về mở rộng thị trường thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang và sẽ tham gia.

Việc Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đã đem đến các cơ hội phát triển thị trường, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị cho các doanh nghiệp, trong đó, ngành dệt may đang đứng trước nhiều cơ hội lớn.

Ngành xuất khẩu chủ lực

Dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hằng năm của ngành có mức tăng bình quân 14,59%.

Dệt may Việt Nam đứng nhiều cơ hội và thách thức trước các FTAs. (Nguồn: CafeF)

Năm 2016 là một năm khá khó khăn với ngành dệt may do tác động của một số thay đổi về chính trị, kinh tế thế giới, do đó, ngành đã không đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra. Tuy nhiên tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 28,3 tỷ USD, tăng gấp 1,2 lần so với năm 2010. Kết quả này đưa ngành dệt may trở thành ngành có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2 cả nước, đưa Việt Nam thuộc top 5 nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới.

Năm 2017, mặc dù vẫn còn khó khăn trong những tháng đầu năm, nhưng từ quý II trở đi, tình hình xuất khẩu dệt may có nhiều dấu hiệu khả quan hơn. Kết quả, thống kê đến hết tháng 11/2017, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đã đạt 28,5 tỷ USD, tăng trên 11% so với cùng kỳ năm 2016.

Bên cạnh những thị trường xuất khẩu chính (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc) vẫn đạt mức tăng trưởng tốt, một số thị trường cũng có sự bứt phá như: Trung Quốc, Nga, Campuchia… Ngoài mặt hàng dệt may truyền thống thì các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như vải, xơ sợi, vải địa kỹ thuật, phụ liệu dệt may cũng có tăng trưởng rất tốt. Dự kiến, xuất khẩu cả năm sẽ đạt 31 tỷ USD.

Không chỉ ở phương diện xuất khẩu, vai trò của ngành dệt may được khẳng định thông qua những đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội. Dệt may cũng là một trong những lĩnh vực thu hút lượng đầu tư FDI lớn.

Đặc biệt, trong 2 năm 2014 và 2015, tỷ lệ vốn FDI vào dệt may tăng đột biến. Nếu giai đoạn 2000 - 2013, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào dệt may chỉ đạt 8,2 tỷ USD thì 2 năm sau đó, con số này đã tăng thêm 6 tỷ USD. Nguyên nhân chính, theo các chuyên gia, là do các nhà đầu tư đang chủ động đón đầu các FTA sắp có hiệu lực tại Việt Nam. Ngoài ra, sự phát triển của ngành còn có sức lan tỏa đối với nhiều ngành nghề khác với tư cách là các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ cho ngành dệt may.

Mặc dù vậy, dệt may Việt Nam cũng đang tồn tại nhiều khó khăn như: chuỗi cung ứng dệt may chưa thực sự phát triển, sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp vẫn gia công, nguyên phụ liệu nhập khẩu nhiều; sơ sợi nhuộm còn thiếu, chỉ đáp ứng 30% nhu cầu vải sản xuất; công tác marketing và xúc tiến thương mại còn hạn chế; thiết kế thời trang và xây dựng thương hiệu chưa được chú trọng, kém cạnh tranh về giá thành, thời hạn giao hàng.

Tận dụng cơ hội mở rộng thị trường

Việc Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đã đem đến các cơ hội phát triển thị trường, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, ngành dệt may được đánh giá là ngành sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ các FTA mà Việt Nam đang và sắp tham gia.

Theo dự kiến, đến năm 2019, Việt Nam sẽ có khoảng 19 hiệp định thương mại có hiệu lực và những hiệp định này đều có cơ hội đưa thuế suất về 0%. Ước tính xuất khẩu dệt may của Việt Nam có thể tăng gấp đôi vào năm 2025.

Để hưởng lợi từ các FTA, các chuyên gia cho biết, ngành dệt may Việt Nam cần phải cân đối, cấu trúc lại sản xuất sao cho phù hợp với mô hình phát triển dệt may toàn cầu theo hướng phải có chỗ đứng trong chuỗi cung ứng khép kín của các nhà đặt hàng quốc tế. (Nguồn: VietnamBiz)

Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra áp lực cạnh tranh được dự báo sẽ gay gắt hơn trong bối cảnh tiến bộ khoa học công nghệ và công nghệ thông tin đang tạo ra những thay đổi nhanh chóng về phương thức sản xuất và cung ứng sản phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng.

Để khắc phục những tồn tại của ngành và tranh thủ cơ hội từ các FTA, ngành dệt may đã đưa ra nhiều giải pháp. Cụ thể như, để hưởng lợi từ các FTA, các chuyên gia kinh tế cho biết, ngành dệt may Việt Nam cần phải cân đối, cấu trúc lại sản xuất sao cho phù hợp với mô hình phát triển dệt may toàn cầu theo hướng phải có chỗ đứng trong chuỗi cung ứng khép kín của các nhà đặt hàng quốc tế.

Để giải bài toán về nguyên liệu, đáp ứng các quy định về xuất xứ, các doanh nghiệp trong ngành cần phối hợp với nhau tạo thành chuỗi cung ứng hoàn thiện. Doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu phải chủ động tìm đến doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu (sợi, vải) nhằm giảm tối đa nhập khẩu. Đồng thời, cần tăng cường đầu tư vốn, công nghệ phát triển những mảng còn thiếu. Ngoài ra, cần chú trọng đào tạo nhân lực, cải thiện công nghệ nhằm tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, nâng sức cạnh tranh trên thị trường.

Bên cạnh khắc phục những hạn chế về khâu sản xuất, giới chuyên môn cho biết, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin thị trường, quy định của các FTA để xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp; tham gia sâu hơn vào khâu bán hàng và phân phối trong chuỗi giá trị ngành (đây là khâu mang lại giá trị gia tăng nhiều nhất), đặc biệt cần làm chủ thiết kế thời trang để xây dựng thương hiệu sản phẩm dệt may Việt Nam.

Được biết, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo đề án “Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến 2035”. Theo đó, sẽ xây dựng và phát triển ngành công nghiệp dệt may thành ngành kinh tế quan trọng, một trong những ngành chủ lực về xuất khẩu, có nhiều sản phẩm chất lượng cao.

Tới đây, Bộ Công Thương sẽ xây dựng và ban hành tiêu chuẩn chất lượng, quy hoạch sản xuất đối với các sản phẩm dệt may theo thông lệ quốc tế để làm cơ sở cho việc giám sát, kiểm tra các sản phẩm của ngành; nghiên cứu thành lập trung tâm kiểm định chất lượng sản phẩm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành hội nhập khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, các hiệp hội dệt may cũng cần tăng cường vai trò của mình trong việc tham mưu cho Bộ Công Thương xây dựng chính sách phát triển ngành và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng.

(theo TTXVN, Bộ Công Thương)