📞

Dệt tương lai từ nghề truyền thống

07:30 | 25/12/2016
Một buổi chiều cuối năm, gió bấc se lạnh nơi miền biên ải, đoàn chúng tôi vượt hàng trăm cây số đến thăm làng dệt thổ cẩm Lùng Tám ở huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

Làng Lùng Tám của người Mông ở Hà Giang nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm. Những sản phẩm ở đây được phụ nữ trong làng làm thủ công và đều có một vẻ đẹp rất độc đáo.

Trong những căn nhà vách gỗ, mái lợp tôn xi măng đơn sơ, các bà, các chị người Mông đầu đội khăn thêu xanh, đỏ đang miệt mài bên khung dệt.

Thành công từ một dự án

Chị Vàng Thị Mai, người phụ trách Hợp tác xã thổ cẩm Lùng Tám cho biết, làng dệt thổ cẩm Lùng Tám được hình thành từ năm 2001 ban đầu chỉ có 10 người. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, làng ngày càng phát triển với số hội viên đã lên đến 150 người và đang tiếp tục tăng. Làng liên tục mở rộng sản xuất với nhiều sản phẩm đa dạng như áo quần, ví, túi xách, khăn, gối.

Dệt thổ cẩm ở làng Lùng Tám.(Ảnh: Trung Hiếu)

Được thành lập từ dự án hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Điển năm 1999 thuộc chương trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, làng dệt truyền thống xã Lùng Tám bắt đầu từ việc canh tác trồng đay lấy sợi dệt vải.

Theo chị Mai, giống cây này chỉ trồng được mỗi năm một vụ, trồng từ tháng 3, thu hoạch vào tháng 6, sau đó, bà con phơi khô rồi tước lấy sợi, nối các sợi lại với nhau, quay sợi, nấu và giặt lần thứ nhất. Tiếp đến là các công đoạn tháo sợi, dựng khung, dệt vải, giặt lần hai (tẩy trắng) rồi nhuộm các màu sắc khác nhau.

Chị Mai cho biết, từ năm 2001 đến năm 2007, làng chỉ làm theo đơn đặt hàng của một số khách sạn lớn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Mãi đến đầu năm 2008, làng mới triển khai sản xuất các sản phẩm thủ công đa dạng như khăn trải bàn, khăn quàng cổ, ví, túi xách.

Bên cạnh công việc làm nương, nghề dệt truyền thống giúp bà con người Mông tại Lùng Tám có thêm thu nhập từ chính những kỹ năng của dân tộc mình.

Đậm chất cao nguyên đá

Chúng tôi cầm từng món sản phẩm lên ngắm kỹ và nhận ra mỗi sản phẩm đều mang những nét hoa văn truyền thống cũng như hình ảnh đậm chất cuộc sống trên cao nguyên đá. Chị Mai giải thích điểm đặc biệt của các sản phẩm này là được làm thủ công với các họa tiết trang trí truyền thống mang ý nghĩa đặc biệt của dân tộc Mông, thể hiện tinh thần đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, chia sẻ, nương tựa vào nhau. 

Hơn 150 thành viên của làng dệt là các chị em người dân tộc Mông thuộc các xã Lùng Tám, Cán Tỷ và Đông Hà. Công việc chính của họ vẫn là làm nông. Họ chỉ có thời gian làm thổ cẩm vào các buổi nghỉ trưa hoặc buổi tối.

Nói tới sự phát triển của làng dệt, chị Mai chia sẻ: Hiện họ sản xuất cho các khách sạn lớn tại Hà Nội và gửi hàng bán lẻ vào thành phố Hồ Chí Minh.

Các chị còn mở lớp dạy nghề cho lớp trẻ trong làng. Từ năm 2005 đến nay, khoảng 300 học viên đã được đào tạo để tiếp tục phát triển và giữ gìn nghề dệt, thêu truyền thống. Theo chị Mai, một số hội viên đã được đi dự và giới thiệu các sản phẩm dệt Lùng Tám tới bạn bè quốc tế tại các hội chợ trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống ở một số nước. Sản phẩm thổ cẩm Lùng Tám đã được đưa đến khắp các nước khu vực Đông Nam Á, nhiều nước châu Á và châu Âu. Nhiều sản phẩm đã nhận được những phản hồi tích cực cũng như được khách hàng ưa thích bởi nét độc đáo và chất liệu tự nhiên.

Hội nhập và phát triển

Lang thang trong làng, chúng tôi đã gặp và trò chuyện với một nhóm du khách phương Tây đang thích thú chỉ trỏ, chọn mua đồ thổ cẩm. “Tôi thích những hoa văn, họa tiết đặc trưng, thể hiện nét văn hóa dân tộc Việt Nam. Những sản phẩm này mang vẻ tự nhiên, do làm thủ công khéo léo nên bền, đẹp và lạ mắt” – anh Terry, một du khách đến từ Australia nhận xét.

Các thành viên Hợp tác xã thổ cẩm Lùng Tám rất vui khi thấy các sản phẩm truyền thống của họ phát triển mạnh và hơn nữa mang lại thu nhập khá. "Làm việc trong hợp tác xã, tôi có thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, cuộc sống ổn định và các con tôi đều được đi học", chị Sùng Thị Mi nói.

Nỗ lực của chị Vàng Thị Mai giúp bà con thoát nghèo từ nghề dệt đã đưa chị thành “người nổi tiếng” trong vùng. Chị Hà Thị Pa vui vẻ nói, "chị Mai rất tốt, giúp chúng tôi có thêm việc làm và thu nhập. Các gia đình bây giờ không còn phải lo đói nghèo nữa".

Lùng Tám đã có tên trên bản đồ du lịch tỉnh Hà Giang, điểm đến ưa thích của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Trong số những món quà miền biên viễn mà chúng tôi muốn mang về, những sản phẩm thổ cẩm Lùng Tám được nhiều người lựa chọn nhất.

"Người Mông trong làng rất vui bởi nghề truyền thống của chúng tôi đã được phục hồi và phát triển thành công. Chúng tôi còn có thể giới thiệu nét văn hóa của dân tộc mình tới bạn bè trong nước và quốc tế", chị Mai hồ hởi nói.