📞

Di sản văn hóa của Ukraine được bảo vệ như thế nào?

Hà Anh 20:26 | 20/02/2023
Bảo vệ di sản văn hóa ở Ukraine không chỉ là trăn trở của những người làm văn hoá ở quốc gia này mà còn là mối quan tâm chung của Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cùng với nhiều tổ chức trên thế giới.

Chung tay cứu di sản

Ngay từ những ngày đầu tiên diễn ra xung đột Nga-Ukraine, một tập thể nghệ sĩ (gọi là Asortymentna kimnata) tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Ivano-Frankivsk ở miền tây Ukraine, đã cố gắng di tản và bảo tồn các tác phẩm nghệ thuật ở địa phương.

Họ đã tạo ra một số cơ sở bí mật để lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật và nhận được yêu cầu hỗ trợ từ các phòng trưng bày ở Kiev, Mariupol, Odessa...

Người Ukraine bảo vệ các bức tượng ở thủ đô Kiev khi chiến sự nổ ra. (Nguồn: AA)

Bên cạnh đó, Quỹ Nghệ thuật khẩn cấp tại Ukraine cũng đang giúp quốc gia này gìn giữ bản sắc văn hóa. Với các khoản tài trợ khẩn cấp, các nghệ sĩ Ukraine có thể tiếp tục công việc làm nghệ thuật trong hoàn cảnh chiến sự.

Ở Ba Lan, nhiều đơn vị, tổ chức văn hóa đã cùng nhau bảo vệ di sản văn hóa ở quốc gia láng giềng bằng việc sáng lập Ủy ban viện trợ bảo tàng Ukraine.

Chia sẻ với DW, ông Pawel Ukielski - Phó Giám đốc Bảo tàng Warsaw Rising, cho biết Ủy ban này hỗ trợ tất cả các viện bảo tàng và tổ chức văn hóa ở Ukraine trong việc di dời các bộ sưu tập của họ. Ủy ban cũng hỗ trợ về tài liệu, số hóa và kiểm kê các bộ sưu tập, đồng thời hoan nghênh các đối tác quốc tế tham gia vào nỗ lực này.

Một nỗ lực khác để bảo vệ di sản văn hóa của Ukraine là ứng dụng Backup Ukraine (Sao lưu Ukraine) do Polycam và Virtue hợp tác với Blue Shield Đan Mạch và Ủy ban quốc gia UNESCO Đan Mạch sản xuất.

Tại đây, ứng dụng Polycam cho phép quét 3D bằng điện thoại di động, máy ảnh DSLR... để tạo mô hình các tòa nhà và tượng đài trong trường hợp nó bị hư hỏng hoặc phá hủy. Các bản quét sau đó được tải lên và lưu trữ trực tuyến trong một kho lưu trữ kỹ thuật số vĩnh viễn.

Đặc biệt, ứng dụng này cho phép tất cả người Ukraine có quyền truy cập miễn phí vào công nghệ quét mà không cần đào tạo. Trước đây, quét 3D chỉ có thể được thực hiện bởi các chuyên gia có kiến thức và thiết bị chuyên dụng.

Bà Elsebeth Gerner Nielsen, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO của Đan Mạch, chia sẻ: “Trong chiến sự, các phương pháp bảo tồn văn hóa truyền thống đang chịu áp lực. Đây là lý do tại sao Ủy ban quốc gia UNESCO Đan Mạch ủng hộ mạnh mẽ Backup Ukraine. Chúng tôi hy vọng rằng nó sẽ giúp bảo tồn di sản văn hóa của Ukraine cho hậu thế”.

Nhân viên tại Bảo tàng quốc gia Andrey Sheptytsky ở Lviv di chuyển các bản thảo và sách quý khi chiến sự xảy ra. (Nguồn: AP)

Sự đồng hành tích cực của UNESCO

Ngay sau khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra, UNESCO đã hành động trong khuôn khổ nhiệm vụ của mình với một loạt các biện pháp khẩn cấp như tư vấn kỹ thuật để bảo vệ các tòa nhà, kiểm kê và di chuyển các đồ vật quý giá đến nơi trú ẩn và các biện pháp chữa cháy.

Bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO, nhấn mạnh trong một tuyên bố: “Chúng ta phải bảo vệ di sản văn hóa ở Ukraine, như một chứng tích của quá khứ nhưng cũng là chất xúc tác cho hòa bình và sự gắn kết cho tương lai, mà cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ bảo vệ và gìn giữ”.

Bởi vậy, UNESCO liên lạc thường xuyên với tất cả các tổ chức có liên quan, cũng như với các chuyên gia văn hóa Ukraine để đánh giá tình hình và chung tay bảo vệ các tài sản văn hóa.

Chính quyền Ukraine cũng được hỗ trợ để đánh dấu các địa điểm văn hóa bằng biểu tượng chiếc khiên màu xanh. Điều này cho thấy nó được bảo vệ bởi Công ước Hague năm 1954 về bảo vệ tài sản văn hóa trong trường hợp xung đột vũ trang.

UNESCO đã cùng với đối tác UNITAR (Viện Đào tạo và Nghiên cứu của Liên hợp quốc), phân tích hình ảnh vệ tinh cho các địa điểm ưu tiên, đang bị đe dọa hoặc đã bị ảnh hưởng, để đánh giá thiệt hại. Theo đó, hàng chục địa điểm ưu tiên đã được bao phủ bởi hệ thống giám sát này, bao gồm cả các di sản thế giới tại Ukraine.

Đặc biệt, để hỗ trợ nghệ sĩ tại Ukraine, UNESCO và Bảo tàng Nghệ thuật đương đại phi chính phủ Ukraine (MOCA) đã cùng nhau hỗ trợ 7 dự án nhằm khuyến khích việc tiếp tục sáng tạo nghệ thuật và tiếp cận đời sống văn hóa ở Ukraine.

Được MOCA lựa chọn, các dự án sẽ được hưởng lợi từ tổng số tiền tài trợ là 100.000 USD từ Quỹ Khẩn cấp di sản của UNESCO. Các dự án, bao gồm hoạt hình, tạo không gian văn hóa mở, sắp đặt nghe nhìn và triển lãm, nhằm mục đích kết nối lại các nghệ sĩ với khán giả của họ trong thời chiến.

Ông Ernesto Ottone R-Trợ lý văn hoá của Tổng giám đốc UNESCO, cho rằng: “Hỗ trợ các nghệ sĩ và chuyên gia văn hóa ngày nay có nghĩa là hỗ trợ các xã hội của ngày mai.

Văn hóa là một lợi ích công cộng thiết yếu cho xã hội, và tiếp cận với đời sống văn hóa là một quyền phổ quát cơ bản của con người. Do đó, chúng ta phải hỗ trợ các nghệ sĩ và nhận ra vai trò thiết yếu của họ trong cuộc sống của chúng ta, trong thời bình cũng như thời chiến”.

Đặc biệt, mới đây, thành phố Odessa, nằm dọc theo bờ biển phía Nam của Ukraine, cũng đã được UNESCO thêm vào danh sách "Di sản thế giới đang gặp nguy hiểm".

Theo UNESCO, thành phố Odessa giờ đây sẽ nhận được sự hỗ trợ quốc tế về tài chính và kỹ thuật sau khi được xác định là đang gặp nguy hiểm.

Ukraine có thể yêu cầu hỗ trợ để giúp bảo vệ di sản và thậm chí giúp phục hồi tài sản. Odessa cùng với một số địa điểm và thành phố khác ở Ukraine được công nhận là di sản thế giới.

Nhà thờ Saint Sophia của Kiev là một trong bảy di sản thế giới được UNESCO công nhận ở Ukraine. (Nguồn: Unsplash/voj)

Trong một tuyên bố, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho biết: "Odessa, một thành phố tự do, một hải cảng huyền thoại đã để lại dấu ấn trong điện ảnh, văn học và nghệ thuật, do đó cần được đặt dưới sự bảo vệ chặt chẽ của cộng đồng quốc tế.

Thông báo này thể hiện quyết tâm chung của chúng tôi nhằm đảm bảo rằng thành phố vượt qua những biến động toàn cầu và được bảo tồn khỏi những sự tàn phá".

Mới đây, UNESCO cũng đã lập hồ sơ về các di sản văn hóa bị hư hại ở Ukraine. Theo đó, vào tháng 1/2023, UNESCO đã xác minh thiệt hại đối với 235 địa điểm có tầm quan trọng về văn hóa kể từ cuộc xung đột Nga-Ukraine diễn ra bao gồm 104 địa điểm tôn giáo, 18 viện bảo tàng, 83 tòa nhà mang tính lịch sử/nghệ thuật, 19 tượng đài và 11 thư viện.

(theo UNESCO, DW, Weforum, AA)