Trong nửa đầu năm 2022, nền kinh tế toàn cầu bị phủ bóng bởi nỗi lo suy thoái, lạm phát gia tăng và sự gián đoạn do căng thẳng địa chính trị đang diễn ra. Trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới, đáng chú ý nhất là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), đã thắt chặt chính sách và tăng lãi suất trong suốt quý II/2022. Tuy nhiên, Trung Quốc là một ngoại lệ.
Bất chấp những khó khăn thách thức đang hiện hữu, vẫn có sự lạc quan thận trọng về triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian còn lại của năm. (Nguồn: China Focus) |
Nguy cơ bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng
Nền kinh tế Trung Quốc đã gặp phải không ít vấn đề kể từ năm 2022. Trong khi phần còn lại của thế giới đã chấp nhận sống chung với đại dịch Covid-19 như bệnh đặc hữu, Bắc Kinh vẫn kiên quyết duy trì chính sách Zero Covid nghiêm ngặt.
Mặc dù chính sách này đã giữ cho số ca lây nhiễm ở mức thấp, nhưng các đợt đóng cửa đã làm đình trệ tất cả các hoạt động kinh tế ở các khu vực bị ảnh hưởng.
Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm xuống chỉ còn 0,4% trong quý II/2022 và ngày càng có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng chính thức là 5,5%. Khủng hoảng kinh tế ngày càng gia tăng do các biện pháp kiểm soát thắt chặt đối với khu vực tư nhân và quan trọng hơn là cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng khiến nợ xấu tăng cao.
Khu vực bất động sản của Trung Quốc vốn là động lực chính cho sự bùng nổ kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, những nỗ lực của chính phủ nước này nhằm giảm bong bóng thị trường nhà ở và đảm bảo rằng những ngôi nhà là “để ở, không phải để đầu cơ” đã khiến các chủ đầu tư lớn đang nợ nần không thể vay thêm, dẫn đến tình trạng khan hiếm tiền mặt, vỡ nợ và việc hoàn thành các dự án bị trì hoãn. Kết cục là thị trường bất động sản nếu sụp đổ sẽ gây nguy hiểm cho triển vọng kinh tế chung.
Lạc quan thận trọng
Bất chấp tất cả những điều này, vẫn có sự lạc quan thận trọng về triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian còn lại của năm. Chìa khóa cho sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc là cách các nhà chức trách xử lý làn sóng bùng phát dịch Covid-19 tiếp theo và các vấn đề trong thị trường nhà ở.
Trước hết, Chính phủ Trung Quốc hầu như luôn đóng vai trò tích cực trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, kết hợp chính sách tài khóa và tiền tệ bất cứ khi nào cần thiết để ngăn chặn sự sụp đổ hoàn toàn của nền kinh tế.
Khi các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới tăng lãi suất, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã đi theo hướng khác, cắt giảm lãi suất cho vay để nỗ lực kích thích nhu cầu tiêu dùng và kinh doanh.
Trong lần giảm lãi suất mới nhất vào ngày 21/8, PBoC giảm lãi suất cơ bản của khoản vay 5 năm từ 4,45% xuống 4,3% và lãi suất cơ bản của khoản vay 1 năm từ 3,7% xuống 3,65%.
Điều này xảy ra ngay sau khi PBoC giảm 10 điểm cơ bản đối với cả lãi suất cho vay 1 năm và lãi suất cho vay 7 ngày vào ngày 15/8. Về khía cạnh tài chính, Chính phủ Trung Quốc đã liên tục đưa ra một loạt biện pháp giảm thuế - với báo cáo mới nhất trong tháng 3/2022 cho thấy Chính phủ Trung Quốc đã cam kết hoàn lại và giảm thuế tổng cộng 2.500 tỷ NDT (khoảng 350 tỷ USD) vào năm 2022.
Trung Quốc cũng đã nhiều lần phát hành trái phiếu mục đích đặc biệt của chính quyền địa phương (SPB) để tài trợ cho phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng và giao thông.
Vào ngày 30/8, Bộ Tài chính Trung Quốc tái khẳng định cam kết của chính phủ đối với chính sách tài khóa chủ động, cam kết tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế và phí.
Thứ hai, phần lớn những khó khăn kinh tế hiện tại của Trung Quốc có thể giảm bớt với sự thay đổi trong chiến lược quản lý dịch Covid-19 của họ. Cách hiệu quả nhất để khôi phục niềm tin của doanh nghiệp trong nước và người tiêu dùng là chính phủ nới lỏng các biện pháp nghiêm ngặt, vốn sẽ khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp không còn phải lo lắng về việc đột ngột bị hạn chế rời khỏi nhà hoặc tham gia các hoạt động.
Mặc dù rất khó có khả năng Chính phủ Trung Quốc từ bỏ hoàn toàn chính sách Zero Covid kéo dài, nhưng đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy họ đang làm giảm nhẹ lập trường này.
Cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc vào ngày 28/7 đã cho thấy sự nhấn mạnh việc chính sách Covid-19 phải linh hoạt, tạo sự cân bằng giữa kiểm soát đại dịch và phát triển kinh tế.
Điều này bắt nguồn từ câu chuyện phục hồi mà chúng ta đã chứng kiến trên toàn thế giới khi các hạn chế được nới lỏng, cũng như sự phục hồi ngắn hạn của nền kinh tế Trung Quốc vào tháng 6/2022 do giảm bớt các biện pháp phong tỏa.
Cuối cùng, chắc chắn có những yếu tố trong và ngoài nước sẽ có lợi cho nền kinh tế Trung Quốc trong nửa cuối năm 2022. Từ bên ngoài, đó là các đợt tăng lãi suất tích cực của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới cuối cùng sẽ giảm bớt.
Với vô số sự kiện địa chính trị khó lường trong nửa đầu năm 2022 - cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, lãi suất cao và căng thẳng của quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan (Trung Quốc) - nếu bất kỳ tình huống bất thường nào trong số này được cải thiện, nền kinh tế toàn cầu cũng có thể khởi sắc.
Ở trong nước, phát biểu mới nhất của các cơ quan chính phủ Trung Quốc về khu vực tư nhân của nước này - đặc biệt là những "gã khổng lồ" công nghệ - được kỳ vọng sẽ báo hiệu sự kết thúc của các biện pháp kiểm soát khắc nghiệt trong 2 năm qua.
Vào ngày 19/8, Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc đã xác nhận “luôn hỗ trợ các công ty trong nước huy động vốn ở nước ngoài trên thị trường vốn theo luật pháp và quy định”.
Để tăng thêm sự lạc quan, các cơ quan quản lý của Mỹ và Trung Quốc dự kiến đạt được một thỏa thuận kiểm toán sau 2 năm tranh cãi, cho phép hợp tác kiểm tra giấy tờ kiểm toán của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ và để hỗ trợ lẫn nhau trong bất kỳ vấn đề kiểm tra nào. Điều này làm giảm đáng kể nguy cơ cổ phiếu của các công ty Trung Quốc hủy niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ.
Dự kiến, để phù hợp với các chính sách của Bộ Chính trị Trung Quốc, các lĩnh vực năng lượng và công nghiệp mới dự kiến sẽ được ưu tiên. Với trọng tâm là giảm thiểu carbon, nước này sẽ hỗ trợ sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện năng lượng mới (NEV) và năng lượng tái tạo.
Bất kỳ cải thiện nào trong quan hệ Mỹ-Trung sẽ có ý nghĩa tích cực trong các lĩnh vực công nghệ và chăm sóc sức khỏe. Trung Quốc được dự đoán sẽ dần mở lại biên giới từ đầu năm 2023. Ngoài ra, nước này cũng sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp trong lĩnh vực bất động sản và lĩnh vực này sẽ mất một thời gian để phục hồi, nhưng vẫn có cơ hội hồi phục cho các công ty bất động sản mạnh, cũng như các công ty quản lý bất động sản.