Nhỏ Bình thường Lớn

“Địa chấn chính trị” tại bầu cử Nghị viện châu Âu

Cuộc bầu cử nghị viện châu Âu (EP) lần thứ 8 đã diễn ra tại 28 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 22-25/5. Kết quả bất ngờ của cuộc bầu cử lần này, theo Thủ tướng Pháp Manuel Valls thừa nhận, đã tạo ra một cơn “địa chấn chính trị”.

Theo kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) tính đến ngày 27/5, Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) bảo thủ tiếp tục giành số ghế lớn nhất trong Nghị viện châu Âu. Một điều ngoạn mục khiến dư luận châu Âu bất ngờ là các đảng cánh hữu và theo xu hướng hoài nghi đồng tiền chung châu Âu Euro giành kết quả khá ấn tượng.

Sự “đồng thuận cơ bản”

Theo thống kê trên trang web chính thức của EP, Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung tả đứng đầu với 213 ghế (28,36%) trong 751 ghế. Tiếp theo lần lượt là đảng Xã hội với 191 ghế (25,43%), các đảng Tự do 64 ghế (8,52%), đảng Xanh 52 ghế (6,92%), đảng cánh hữu 46 ghế (6,13%), đảng Cánh tả 42 ghế (5,59%)... Kết quả này sẽ giúp EPP trở thành nhóm lớn nhất trong cơ quan này nhưng đã giảm hơn 61 ghế so với cuộc bầu cử trước đây. Tỷ lệ tham gia bầu cử trung bình toàn châu Âu đạt khoảng 43%, tương đương với tỷ lệ năm 2009.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso tuyên bố, với khả năng EPP và các đảng Xã hội có thể giành được khoảng 400 ghế duy trì liên minh đa số trong EP, cử tri EU đã tiếp tục cho thấy sự "đồng thuận cơ bản" trong việc đối phó với thách thức của khối này; đồng thời, khẳng định vai trò không thể thiếu được của khối trong việc định hình trật tự thế giới và bảo vệ các giá trị của EU.

Sự hoài nghi đáng lo ngại

Các đảng cực hữu và theo xu hướng hoài nghi đồng Euro giành thắng lợi ấn tượng tại một số nước EU. Tiêu biểu là Đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN) ở Pháp và đảng Độc lập (UKIP) ở Anh.

Tại Anh, đảng UKIP của ông Nigel Farage với chủ trương chống EU và phản đối nhập cư đã dễ dàng đứng đầu với 26,77% số phiếu ủng hộ, cao gấp 1,6 lần so với mức 16,9% mà đảng này giành được trong cuộc bầu cử năm 2009. Đây là bước ngoặt cho UKIP, hiện không có ghế nào tại Quốc hội Anh. Với kết quả này, lần đầu tiên sau hơn một thế kỷ mà đảng Bảo thủ hoặc đảng Lao động không thắng trong một cuộc bầu cử cấp quốc gia.

Tại Pháp, đảng FN bất ngờ dẫn đầu với 24,95% số phiếu ủng hộ, tăng gấp bốn lần so với mức 6,3% năm 2009. Tiếp theo là liên minh trung tả UMP với 20,79% và đảng Xã hội của Tổng thống Francois Hollande chỉ về thứ ba với 13,98%. Kết quả sơ bộ này cho thấy FN có thể nhận 25 ghế ở nghị viện châu Âu, tăng vọt so với ba ghế hồi năm 2009.

Tại Đức, đảng "Sự lựa chọn vì nước Đức" (AfD) mới thành lập vốn hoài nghi đồng Euro được 7% và lần đầu tiên có đại diện trong EP. Tại Hy Lạp, đảng cánh tả theo xu hướng hoài nghi EU Syriza dẫn đầu với 26,6% số phiếu ủng hộ, trong khi đảng cực hữu Bình minh Vàng giành được 9,38% đứng thứ ở vị trí thứ ba.

Tại Tây Ban Nha, đảng Bảo thủ và đảng Xã hội cầm quyền cũng mất đi tỷ lệ ủng hộ vào tay các đảng cánh tả.

Người dân các nước trong EU đi bỏ phiếu bầu Nghị viện đúng vào lúc kinh tế đang gặp khó khăn. Tại Pháp, cử tri bị chi phối bởi những khó khăn kéo dài nên đã dẫn đến tư tưởng hoài nghi châu Âu. Kết quả này đã tăng ảnh hưởng cho những người muốn giảm bớt, hay thậm chí xóa bỏ, quyền lực của EU. Đây là một điều đáng lo ngại và cũng là thách thức đối với liên minh cầm quyền ở các nước này; đồng thời, thúc đẩy các cải cách của EU nhằm đảm bảo đoàn kết nội khối và đem lại lợi ích cho người dân châu Âu, nhất là trong việc bầu ra EC thời gian tới.

Đoàn Ngọc