📞

Dịch chuyển lao động mang tới nhiều cơ hội cho ASEAN

06:06 | 12/10/2017
Theo một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB), quá trình dịch chuyển lao động trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tạo ra dòng lưu thông chất xám thay vì "chảy máu chất xám" như nhiều người e ngại. 

Không nên giới hạn ở 8 ngành nghề

Khi ASEAN nỗ lực hội nhập sâu rộng hơn, các quốc gia thành viên cũng đồng thời giảm bớt các rào cản về dịch chuyển lao động trong khu vực. Nhờ đó, các nước có thể thu được lợi ích từ hiệu ứng lan toả nhân tài rộng khắp ASEAN - một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới. Người lao động trong ASEAN cũng có nhiều lợi ích khi làm việc ở nước ngoài với nhiều cơ hội rộng mở.

AEC đã có những kế hoạch cụ thể để nới lỏng việc dịch chuyển lao động thông qua việc chuẩn hóa văn bằng theo tiêu chuẩn của ASEAN. (Nguồn: The Straits Times)

Cũng theo WB, các quy trình quản lý người di cư hiệu quả là một yếu tố quan trọng để đảm bảo sự dịch chuyển lao động trong Hiệp hội diễn ra suôn sẻ. Các cách thức WB đưa ra nhằm nới lỏng dòng lao động dịch chuyển nội khối bao gồm việc cải thiện hệ thống thông tin liên quan tới các cơ hội và quyền lợi cũng như các kỹ năng cần thiết cho người lao động.

Hiện nay, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã có những kế hoạch cụ thể để nới lỏng việc dịch chuyển lao động thông qua việc chuẩn hóa văn bằng theo tiêu chuẩn của ASEAN. Theo thỏa thuận trong khuôn khổ AEC, 8 lĩnh vực ngành nghề được tự do di chuyển, bao gồm nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch.

Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng kèm theo yêu cầu lao động phải qua đào tạo và nếu thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh sẽ được di chuyển tự do hơn. Thêm nữa, những nghề này chỉ chiếm 5% số lượng các nghề nghiệp trong khu vực. Như vậy, phúc lợi lao động - một thước đo bao gồm lương và việc làm, sẽ không tăng nhanh. Báo cáo của WB cho thấy, nếu rào cản dịch chuyển xuống thấp cho tất cả người lao động, việc tăng phúc lợi lao động sẽ ở mức khoảng 29% so với mức 14% nếu chỉ có những người lao động có tay nghề cao được tự do dịch chuyển trong khu vực.

Nỗ lực tháo gỡ rào cản

Singapore, Malaysia, Thái Lan là những quốc gia thu hút nhiều lao động nước ngoài nhất trong khu vực. Tuy nhiên, những lao động này phần nhiều là những người có tay nghề thấp. Thời gian qua, ba nước đã nhận tới khoảng 6,5 triệu người lao động nước ngoài, chiếm 96% tổng số lao động dịch chuyển đến các nước khác trong ASEAN. Giai đoạn 1995-2015, tỷ lệ dịch chuyển lao động trong ASEAN đã tăng lên 10%.

Giai đoạn 1995-2015, tỷ lệ dịch chuyển lao động trong ASEAN đã tăng lên 10%. (Nguồn: Globedia)

Ông Mauro Testaverde, chuyên gia kinh tế của WB về trợ cấp xã hội và lao động khu vực Đông Á nhận định, tỷ lệ dịch chuyển lao động tăng lên là do những chênh lệch trong xu hướng tăng trưởng và dân số giữa các nước ASEAN. Chính sự dịch chuyển lao động đã đóng góp vào sự phát triển bền vững trong khu vực với những lợi ích không chỉ thuộc về những người lao động mà còn cho các nước có dòng lao động dịch chuyển tới.

Những nước cho phép lao động dịch chuyển ra các nước trong khu vực sẽ nhận được kiều hối và trình độ lao động của người dân sẽ không ngừng được nâng cao. Trong khi đó, các nước nhận lao động lại có thể giải quyết được tình trạng thiếu lao động, thúc đẩy tăng trưởng. Singapore được biết đến là quốc gia có hệ thống quản lý lao động hiệu quả song việc thực thi bảo vệ quyền của người lao động nước ngoài, đặc biệt là giới nữ cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Nhìn chung, mặc dù thấy được lợi ích nhãn tiền song hệ thống chính sách về dịch chuyển lao động trong ASEAN còn nhiều bất cập, phiền phức khiến người lao động gặp nhiều khó khăn khi có mong muốn làm việc ở các nước khác trong khu vực. Để khắc phục tình trạng đó, theo WB, trước hết cần phát huy tính lưu động, các yêu cầu nhập cảnh cần minh bạch hơn. Thông thường, người lao động không được thông báo về cơ hội và chi phí từ các cơ quan tuyển dụng hoặc người sử dụng lao động. ASEAN có thể giải quyết vấn đề này bằng một cổng thông tin thị trường lao động.

Một cộng đồng ASEAN thống nhất sẽ đẩy nhanh tốc độ cấu trúc nền kinh tế và dự kiến sẽ tạo ra khoảng 14 triệu việc làm mới đến năm 2025. Vì vậy, với ASEAN, tự do dịch chuyển lao động là vô cùng cần thiết ở thời điểm hiện tại và cần được các chính phủ quan tâm đẩy mạnh hơn nữa.

ASEAN hiện đã có Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF). Mục đích của AQRF là tạo điều kiện so sánh, đối chiếu các trình độ xuyên quốc gia; hỗ trợ công nhận các trình độ; thúc đẩy học tập suốt đời; khuyến khích phát triển các cách tiếp cận quốc gia để hợp thức kết quả học tập ngoài giáo dục chính quy; thúc đẩy dịch chuyển lao động; khuyến khích sự lưu động của giáo dục và người học; tăng cường các hệ thống trình độ có chất lượng cao hơn...
(theo The Straits Times)