TIN LIÊN QUAN | |
WB: Chống chịu tốt ở phương diện kinh tế đối ngoại, kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc trở lại | |
Nhật Bản khuyến khích doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á |
GDP của Nhật Bản đã giảm 3,4% trong quý I/2020. (Nguồn: AFP) |
Không ngoài dự báo
Sáng 18/5, Văn phòng Nội các Nhật Bản đã công bố báo cáo sơ bộ về tình hình kinh tế nước này. Theo đó, trong quý I/2020, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Nhật Bản đã giảm 3,4%, chủ yếu do tác động nặng nề của dịch Covid-19. Tính chung cả tài khóa 2019, GDP thực tế của Nhật Bản giảm 0,1%. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản tăng trưởng âm kể từ tài khóa 2014.
Có nhiều nguyên nhân khiến cho nền kinh tế Nhật Bản một lần nữa rơi vào suy thoái kể từ sau thảm họa động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Do ảnh hưởng của “cuộc chiến không tiếng súng” này, kim ngạch xuất khẩu - trụ cột quan trọng nhất cho tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản đã liên tục giảm kể từ cuối năm 2018.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% vào đầu tháng 10/2019 và những thiệt hại do thiên tai, trong đó có siêu bão Hagibis đổ bộ vào Nhật Bản (giữa tháng 10/2019) là những nhân tố quan trọng khác góp phần đẩy kinh tế nước này rơi vào suy thoái. Có thể thấy rõ điều đó trong kết quả tăng trưởng kinh tế quý cuối của năm ngoái. Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, quý IV/2019, GDP thực tế giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức giảm mạnh nhất trong hơn 5 năm qua.
Kể từ đầu tháng 1 năm nay, kinh tế Nhật Bản tiếp tục hứng chịu một cú sốc khác, đó là dịch Covid-19. Dịch bệnh không chỉ tác động tiêu cực tới hoạt động thương mại mà còn gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế.
Trước hết, về thương mại, trong tháng 1, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 5.430 tỷ Yen, là tháng thứ 14 giảm liên tiếp. Kim ngạch nhập khẩu thậm chí còn giảm mạnh hơn (3,6%) xuống còn 6.740 tỷ Yen, ghi nhận tháng thứ 9 giảm liên tiếp. Điều này khiến cho cán cân thương mại của Nhật Bản bị thâm hụt tháng thứ 3 liên tiếp. Kể từ đó đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu liên tục giảm sút. Tính chung cả tài khóa 2019, cán cân thương mại của Nhật Bản bị thâm hụt 1.290 tỷ Yen. Đây là năm thứ 2 liên tiếp nước này bị thâm hụt thương mại.
Đối với hoạt động sản xuất, việc nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa do sự gián đoạn các chuỗi cung ứng ở châu Á và do các biện pháp hạn chế mà Chính phủ Nhật Bản áp dụng để kiềm chế dịch Covid-19 đã gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế. Đến nay, tuy chưa có thống kê chính thức về những thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra, nhưng chắc chắn đó là một con số khổng lồ.
Tokyo cần phải hành động quyết liệt để vực dậy nền kinh tế. (Nguồn: AP). |
Giải pháp nào cho Nhật Bản?
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa được khống chế hoàn toàn ở Nhật Bản, giới chuyên gia nhận định, các hậu quả mà dịch bệnh gây ra cho nền kinh tế nước này có thể sẽ còn kéo dài trong các quý tới và do vậy, những gì tồi tệ nhất đối với nền kinh tế vẫn còn ở phía trước.
Ông Nishimura Yasutoshi, Bộ trưởng phụ trách chính sách kinh tế và tài khóa cho rằng, tốc độ suy giảm GDP của Nhật Bản trong quý II/2020 sẽ “nghiêm trọng hơn” so với quý I/2020.
Cùng với dịch Covid-19, việc nền kinh tế rơi vào suy thoái sẽ khiến các hộ gia đình thắt chặt chi tiêu và các công ty cắt giảm đầu tư. Vì vậy, chi tiêu tiêu dùng cá nhân và chi đầu tư của khối doanh nghiệp có thể sẽ không tăng ngay cả khi Chính phủ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở tất cả các tỉnh, thành.
Trong khi đó, hoạt động thương mại sẽ chưa thể hồi phục "một sớm, một chiều" khi mà nhiều nước vẫn đóng cửa biên giới để khống chế dịch Covid. Các tác động theo chuỗi như vậy có thể sẽ đẩy nền kinh tế Nhật Bản lún sâu hơn vào tình trạng suy thoái.
Trong bối cảnh đó, giới phân tích nhận thấy, Tokyo cần phải hành động quyết liệt để vực dậy nền kinh tế. Giải pháp tốt nhất là kết hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Tuy nhiên, sau nhiều năm áp dụng chính sách tiền tệ siêu lỏng, tại thời điểm hiện nay, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) không còn nhiều dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Vì vậy, Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ phải đẩy mạnh sử dụng các công cụ của chính sách tài khóa, trong đó có việc tăng chi tiêu công để kích cầu. Đây có thể chính là lý do vì sao Chính phủ Nhật Bản muốn tung ra gói ngân sách bổ sung thứ hai trong tài khóa 2020.
Ngày 14/5, sau khi thông báo dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vì dịch Covid-19 ở 39 trong tổng số 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản, Thủ tướng Abe Shinzo cho biết, ông đã chỉ thị cho Nội các xây dựng dự thảo ngân sách bổ sung thứ hai này để trình lên Quốc hội thông qua trước khi kỳ họp thường niên hiện nay kết thúc vào ngày 17/6.
Trước đó, ngày 30/4, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự thảo ngân sách bổ sung thứ nhất cho tài khóa 2020 có tổng trị giá lên tới 25.690 tỷ Yen (tương đương 240 tỷ USD) để tài trợ cho gói biện pháp khẩn cấp nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch Covid-19 tới nền kinh tế. Đó là chưa kể tới ngân sách có giá trị kỷ lục 102.658 tỷ Yen (tương đương 933 tỷ USD) cho tài khóa 2020 mà cơ quan lập pháp này đã thông qua hôm 27/3 và ngân sách bổ sung 4.470 tỷ Yen (gần 41 tỷ USD) cho tài khóa 2019 (kết thúc vào cuối tháng 3) đã thông qua hồi cuối tháng 1.
Ngoài việc tăng chi tiêu công, một số chuyên gia cũng đưa ra đề xuất giảm thuế, trong đó có thuế tiêu dùng, để hỗ trợ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, có vẻ như Chính phủ Nhật Bản chưa sẵn sàng thực hiện giải pháp này khi mà Thủ tướng Abe vẫn đang theo đuổi mục tiêu tăng nguồn thu cho ngân sách để cải thiện cán cân thu-chi.
Covid-19 khiến kinh tế Nhật Bản lần đầu rơi vào suy thoái kể từ năm 2015 TGVN. Theo số liệu chính thức được công bố ngày 18/5, Nhật Bản đã lần đầu tiên rơi vào suy thoái kể từ năm 2015. Nền ... |
Anh đối mặt với suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1709 TGVN. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đưa ra dự báo vào tuần trước rằng, cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ đẩy nền kinh tế Anh vào một đợt ... |
Hệ lụy của đại dịch Covid-19 đối với cục diện và liên kết kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương TGVN. Sáng ngày 13/5, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Ủy ban Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương của Việt Nam (VNCPEC) tổ chức ... |