Thành viên của Hội Chiếc Liềm Đỏ tiến hành lấy mẫu và xét nghiệm nhanh cho người dân tại một đường cao tốc tại Iran. (Nguồn: AFP) |
Trong một bức thư gửi tới Đại diện Cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách An ninh và Đối ngoại Josep Borell, Đại sứ Gholam Hossein Dehqani cho rằng “các lệnh trừng phạt đơn phương và bất hợp pháp mà Mỹ áp đặt với Iran ảnh hưởng tới khả năng của Tehran trong ứng phó hiệu quả với virus do không có sự hỗ trợ quốc tế”, đồng thời thúc giục EU chống lại các lệnh trừng phạt “vô nhân đạo” của Mỹ.
Trước đó hôm 3/4, Đại sứ Iran tại Văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva Esmaeil Baqaei Hamaneh cho rằng, các lệnh trừng phạt “tàn ác và bất hợp pháp” của Mỹ chống Iran gây ra nhiều khó khăn cho người dân Iran trong việc tiếp cận thuốc men, cũng như các thiết bị và dịch vụ y tế trong bối cảnh nước này đang nỗ lực chống dịch Covid-19.
Ngày 1/4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng chỉ trích việc Mỹ tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt chống nước Cộng hòa Hồi giáo này bất chấp dịch Covid-19 đang hoành hành tại đây. Bộ Y tế Iran ngày 4/4 thông báo nước này đã ghi nhận 55.743 ca mắc Covid-19, trong đó có 3.452 trường hợp tử vong.
Cuối tháng Ba, các đại diện thường trực tại Liên hợp quốc (LHQ) của Nga, Trung Quốc, Syria, Cuba, Triều Tiên, Iran, Nicaragua và Venezuela đã gửi thư kêu gọi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres dỡ bỏ lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với một số quốc gia trong bối cảnh đại dịch toàn cầu.
Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp của LHQ Mark Lowcock và Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Tijjani Muhammad-Bande đều đã kêu gọi Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, một nghị quyết của Đại hội đồng LHQ do Nga soạn thảo kêu gọi đoàn kết và giảm nhẹ trừng phạt đã bị Mỹ, EU, Anh, Ukraine và Gruzia phủ quyết ngày 2/4.