📞

Dịch Covid-19 ở Nga: Lập pháp vào cuộc - thông qua Đạo luật về An ninh sinh học

Hồng Khiêm 09:02 | 23/03/2020
TGVN. Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 diễn biến phức tạp, ngau từ sớm, Duma quốc gia (tức Hạ viện Nga) đã thông qua ngay trong lần thảo luận đầu tiên Đạo luật về An ninh sinh học vào ngày 22/1, được chính phủ Nga đệ trình từ tháng 12/2017, nhằm củng cố sơ sở pháp lý cho những biện pháp mạnh để bảo vệ đất nước.
Tính đến sáng ngày 23/3 (giờ Việt Nam), Nga ghi nhận 367 ca mắc Covid-19, trong đó 1 ca tử vong. (Nguồn: Bộ Y tế)

Công ước quốc tế về cấm sản xuất, phát triển và tàng trữ vũ khí sinh học và vi trùng đã được ký năm 1972, cho đến nay có 123 nước và vùng lãnh thổ (có Đài Loan) tham gia. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có một cơ chế hữu hiệu bảo đảm sự kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Trong khi đó Trung Quốc, từ đầu những năm 1980 bắt đầu triển khai mạnh mẽ các chương trình nghiên cứu và thí nghiệm sinh học và vi trùng, Trong khi đó theo ghi nhận quốc tế, ít nhất đã có 2 đợt dịch virus bùng phát trong những năm gần đây (2002, 2009) đều xuất phát từ Trung Quốc và sau đó lan sang các nước trong khu vực. Đặc biệt dịch Covid-19 hiện nay đang lan sang không chỉ khu vực mà nhiều nước trên thế giới.

Nga, vốn là một cường quốc về vũ khí sinh học từ thời Liên Xô, nhưng Nga và Mỹ luôn theo dõi lẫn nhau rất sát, hơn nữa chính quyền 2 nước đều có những yêu cầu cao đối với các tiêu chuẩn an ninh, an toàn nên cho đến nay chưa xảy ra sự cố gì trong lĩnh vực này. Nước Nga sau Liên Xô đặc biệt chú ý tiêu chí bảo vệ toàn diện cuộc sống người dân cũng như các tiềm lực “quốc nội” bằng các biện pháp thực tế.

Cách đây hơn 2 năm, chính phủ Nga đã soạn thảo một Dự luật trình Quốc hội vào tháng 12/2017. Ông G.Onishenko, nguyên “bác sĩ trưởng về vệ sinh của Nga” (một chức vụ có từ thời Liên Xô, tương đương bộ trưởng, chịu trách nhiệm về công tác vệ sinh, dịch tễ của cả nước, giám sát công tác của các bộ, ngành, kể cả Bộ Y tế trong lĩnh vực này), sau chuyển sang làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học và giáo dục của Duma quốc gia, giải trình quan điểm về những vấn đề thảo luận đã đặt vấn đề như sau: Nước Nga đang thừa hưởng sự bảo vệ an toàn sinh học đối với người dân từ thời Xô-viết.

Tuy nhiên, trước tình hình thế giới hiện nay (các đợt dịch virus những năm gần đây, có sự nghi ngờ về những sự chuẩn bị vũ khí sinh học của một số nước) và trong nước (mạng lưới các phòng xét nghiệm của các công ty nước ngoài được phép lập và hoạt động trên lãnh thổ Nga, họ đang thu thập các mẫu sinh hóa, tế bào của người dân cũng đặt ra “mối quan ngại” đối với các cơ quan quản lý và người có trách nhiệm ở Nga về khả năng các mẫu sinh hóa, tế bào và thông tin thu thập từ người dân khắp các vùng đất nước Nga có thể bị chuyển ra nước ngoài).

Phát biểu trên kênh Nước Nga 1 ngày 31/10/2017, ông Onishenko cho biết Mỹ và các nước láng giềng của Nga đều có các chương trình quân sự sinh học và cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm về quân sự sinh học, và rằng ông “đã lưu ý các cơ quan an ninh của chúng ta – vẫn theo lời ông – rằng tình hình với các phòng thí nghiệm này cần phải chấm dứt, hoặc phải kiểm soát chặt chẽ”.

Đấy là ở cấp chuyên gia và cơ quan lập pháp. Ở cấp lãnh đạo và hành pháp, chính bản thân Tổng thống Putin ngày 30/10/2017 đã đặt câu hỏi thắc mắc về việc lấy mẫu xét nghiệm công dân này. Còn tại hội nghị quốc tế “Những mối nguy cơ về an ninh sinh học – vấn đề và giải pháp” diễn ra cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga S. Ziabkov, đại diện cho chính phủ đã lưu ý rằng nguy cơ sử dụng vũ khí sinh học “được ngụy trang bởi sự bùng phát tự nhiên của các dịch bệnh trên người và động vật hoặc kể cả thực vật, đòi hỏi những biện pháp không chậm trễ để dập tắt ngay dịch bệnh một khi nó lan đến lãnh thổ nước ta”.

Về việc thực hiện Công ước 1972 về cấm sản xuất, phát triển và tàng trữ vũ khí sinh học, vị thứ trưởng đặc biệt lo ngại “một số nước tài trợ quá mức cho các chương trinh nghiên cứu và thử nghiệm 2 công dụng”, và “tiến hành các thí nghiệm đáng ngờ với các tác nhân gây các bệnh nguy hiểm chết người, đặc biệt về đường hô hấp”. Thứ trưởng Nga kiến nghị các nước đã tham gia Công ước cần ký một nghị định thư về kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện tất cả các điều khoản của Công ước.

Do kết quả làm việc ở cấp chính phủ và cấp chuyên gia, chính phủ Nga đã soạn thảo một Dự luật trình Quốc hội vào tháng 12/2017. Nhưng chỉ đến đầu năm nay, trước việc bùng phát “dịch coronavirus từ Trung Quốc” (các báo Nga vẫn gọi như thế), chính quyền hành pháp Nga đã có những biện pháp mạnh mẽ, ngay lập tức và liên tục bổ sung, như đóng cửa các đoạn biên giới với Trung Quốc và cả với Mông Cổ mà người Trung Quốc có thể sang, đình chỉ toàn bộ vận chuyển qua lại đường sắt và đường không với Trung Quốc, trừ một số chuyến bay của Aeroflot (hãng hàng không Nga) và kể từ ngày 20/2 không cho phép công dân Trung Quốc vào Nga theo diện du lịch, làm việc, học tập, và các mục đích riêng.

Còn ngày 20/1/2020, Duma quốc gia Nga ngay trong lần thảo luận đầu tiên đã thông qua Luật về An ninh sinh học được Chính phủ đệ trình từ cuối năm 2017, như đã nói ở trên. Với văn bản pháp lý cao này, chính quyền Nga sẽ có điều kiện tiến hành các biện pháp đồng bộ và chặt chẽ hơn nữa nhằm bảo vệ an toàn cho người dân. Chỉ 2 ngày sau khi có luật mới (ngày 22/1/2020), Bộ Y tế Nga tuyên bố “dịch coronavirus từ Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh sinh học của Nga”.

Đương nhiên là chính quyền sẽ phải có các biện pháp đối nội và đối ngoại tương ứng với khái niệm để đối phó với “mối đe dọa” đó. Luật cũng quy nhiệm vụ cho các cơ quan chính phủ nỗ lực “củng cố cơ chế của Công ước quốc tế về việc cấm sản xuất, triển khai và tàng trữ các vũ khí sinh học (vi trùng)”. Như vậy là cả lập pháp và hành pháp Nga cùng “vào cuộc” bảo vệ đất nước trước mối nguy cơ mới.

(Tổng hợp từ các nguồn tin tại Liên Bang Nga)