Italy là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. (Nguồn: SCMP) |
Nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang từng bước quay trở lại sau hơn hai tháng “ngủ đông”. Các doanh nghiệp được phép làm việc dần trở lại nếu họ có thể thực hiện các biện pháp vệ sinh nghiêm ngặt và giữ khoảng cách giữa mọi người ít nhất 1 mét.
Tại trung tâm thương mại Rinascente ở Milan, bảo vệ sẽ liên tục kiểm soát số người có mặt vào bất kỳ thời điểm nào thông qua một ứng dụng. Áo quần đã được thử trong phòng thay đồ sẽ được cất riêng trong 24 giờ và các nhân viên bán hàng sẽ xịt nước hoa ra giấy chứ không để khách hàng cầm các sản phẩm dùng thử. Hoạt động tại các quán ăn cũng bị giới hạn nghiêm ngặt, khi chỉ các thành viên cùng gia đình mới được ngồi gần nhau.
Giám đốc điều hành của Rinascente, ông Pierluigi Cocchini cho biết, rất khó để đoán được nhu cầu mua sắm sau nhiều tuần giãn cách xã hội. Trung tâm này đang mở cửa trở lại với các mức giảm giá sâu lên đến 60% vì cũng như nhiều nhà bán lẻ khác, Rinascente cần phải giải phóng số hàng tồn kho.
Theo ông Cocchini, trung tâm sẽ không thể hoạt động như bình thường ngay được mà chỉ đang tiến dần từng bước đến trạng thái bình thường. Tuy nhiên, khách du lịch, những người thường tạo ra 1/3 doanh thu của Rinascente, vẫn vắng bóng.
Chỉ riêng ngành thời trang của Italy, nổi tiếng với những thương hiệu đình đám như Armani, Prada và Moncler, đã đóng góp tới 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Tuy nhiên, Hiệp hội kinh doanh Confcommercio dự đoán, chi cho thời trang sẽ giảm 20% trong năm nay, sau khi đạt mức 60 tỷ Euro (tương đương với 65 tỷ USD) trong năm 2019 và 25% trong số 115.000 nhà bán lẻ thời trang của nước này sẽ phá sản.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nguy cơ suy thoái nghiêm trọng và khối nợ công được dự đoán sẽ tăng lên tương đương hơn 150% GDP, Chính phủ Italy đang “ráo riết” muốn mở cửa trở lại nền kinh tế mà không gây ra đợt bùng phát dịch bệnh thứ hai.
Trong khi nhiều cơ sở kinh doanh đang rục rịch hoạt động trở lại, thì một số khác lại muốn chờ đến khi các biên giới ở châu Âu mở cửa vào ngày 3/6 tới, vì du lịch đóng góp đến 13% GDP của Italy. Maurizio Di Rienzo, chủ cửa hàng vali Pellux ở Milan cho rằng, 90% khách hàng của ông là khách du lịch, mà phần lớn là đến từ Trung Quốc, vì vậy, ông không cần thiết phải mở cửa ngay từ bây giờ.