📞

Dịch Covid-19 tại Pháp: Tổng thống lên sóng truyền hình trước thềm bầu cử địa phương

13:45 | 13/03/2020
TGVN. Tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, tính đến ngày 12/3, Pháp ghi nhận 2.876 ca nhiễm Covid-19 trong đó có 61 trường hợp tử vong.
Tổng thống Pháp nhấn mạnh, Covid-19 là dịch bệnh nghiêm trọng nhất mà Pháp đối mặt trong một thế kỷ gần đây. (Nguồn: Reuters)

Dịch bệnh nghiêm trọng nhất thế kỷ qua

Vào 20h ngày 12/3, Tổng thống Pháp Macron lần đầu tiên phát biểu trực tiếp trên truyền hình Pháp về tình hình dịch Covid-19 tại Pháp. Đây là phát biểu được toàn bộ người dân Pháp quan tâm trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng lan rộng và chỉ còn 3 ngày nữa là diễn ra vòng 1 bầu cử cấp địa phương (ngày 15/3) - sự kiện quan trọng nhất trong đời sống chính trị Pháp năm nay.

Theo Tổng thống Macron, Pháp vẫn tổ chức bầu cử cấp địa phương vòng 1 ngày 15/3 sau khi tham khảo hội đồng cố vấn khoa học, Chủ tịch Thượng viện, Hạ viện, lãnh đạo các nhóm chính trị, tất cả đều nhất trí cho rằng đời sống dân chủ cần tiếp diễn. Từ ngày 16/3, tất cả các trường học ở các cấp của Pháp sẽ đóng cửa cho đến khi có thông báo mới. Chính phủ sẽ có cơ chế đền bù cho người lao động buộc phải nghỉ làm việc do Covid-19; lùi thời hạn đóng góp và nộp thuế tháng 3 của các công ty; thúc đẩy một kế hoạch phục hồi kinh tế cấp độ quốc gia và khu vực châu Âu, không để khủng hoảng kinh tế và tài chính lan rộng

Chính phủ cũng sẽ thực hiện tất cả biện pháp cần thiết để ngăn chặn dịch bằng mọi giá, bảo vệ sức khỏe người dân, ưu tiên bảo vệ sức khỏe người già, người có bệnh kinh niên, người tàn tật; không đóng phương tiện công cộng nhưng kêu gọi người dân hạn chế đi lại; người cao tuổi ở nhà, chỉ ra ngoài khi cần mua thực phẩm, tránh tiếp xúc; khuyến khích làm việc từ xa.

Ngoài ra, Tổng thống Pháp nhấn mạnh, Covid-19 là dịch bệnh nghiêm trọng nhất mà Pháp đối mặt trong một thế kỷ gần đây, dịch mới chỉ ở thời điểm bắt đầu và đang lan nhanh khắp châu Âu. Tổng thống E. Macron kêu gọi người dân đoàn kết, cùng vượt qua khó khăn, tiếp tục tin tưởng vào khoa học, kêu gọi toàn bộ hệ thống y tế bao gồm cả các sinh viên ngành y tham gia chống dịch, các nhà nghiên cứu đẩy nhanh việc tìm ra các biện pháp xét nghiệm nhanh, phác đồ đại trà và vaccine trống virus. Tuy nhiên, việc tìm ra vaccine có thể kéo dài trong nhiều tháng, do đó cần dành ưu tiên cho các trường hợp nhiễm virus nghiêm trọng, các chăm sóc y tế không quan trọng cần được hoãn lại. Các biện pháp, quy định để bảo vệ nhân viên y tế, bác sỹ tham gia phòng chống dịch cũng sẽ được đưa ra.

Ở quy mô quốc tế, Tổng thống Macron kêu gọi các nước đoàn kết để đối phó dịch và cần có sự phối hợp chung của châu Âu, các biện pháp đóng cửa biên giới của các nước cần được đưa ra vào thời điểm phù hợp và nên ở cấp độ khu vực.

Đảo Réunion thuộc Pháp đã ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên nâng số vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp có ca nhiễm lên 4. Tại lãnh thổ Pháp, chính quốc đáng lưu ý Tập đoàn EDF của Pháp cho biết đã có ít nhất hai nhân viên vận hành tại các nhà máy điện hạt nhân có kết quả dương tính với Covid-19.

Bên cạnh đó, Hạ viện Pháp đang có nguy cơ trở thành một ổ dịch với trường hợp hạ nghị sĩ thứ 10 có kết quả dương tính cùng 4 nhân viên. Tại Bruz, gần thành phố Rennes (có nhiều du học sinh Việt Nam) đã xuất hiện một ổ dịch mới với 10 ca nhiễm bệnh.

Bộ Y tế Pháp chính thức kêu gọi hơn 5.000 nhân viên y tế mới nghỉ hưu, sinh viên các ngành y đăng ký danh sách tình nguyện viên tham gia công tác y tế chống dịch Covid-19. (Nguồn: Getty Images)

Ước tính thiệt hại, tích cực triển khai biện pháp ứng phó

Sáng 12/3, Bộ trưởng Giáo dục cho biết, khoảng 425.000 học sinh phải nghỉ học. Hiện có 2 tỉnh đóng cửa toàn bộ các trường học trong khi tại các ổ dịch khác, nhiều hạt, thành phố cũng phải đóng cửa hoàn toàn các trường học các cấp. Tại Paris, sáng ngày 12/3, hai trường cấp 3 đã phải đóng cửa sau khi phát hiện một học sinh và một nhân viên nhiễm bệnh. Bộ Giáo dục cho rằng, ngay từ khi dịch bắt đầu xuất hiện tại Pháp, Bộ này đã khởi động hệ thống giảng dạy trực tuyến, khẩn cấp tiến hành nâng cấp trang thiết bị và huấn luyện giáo viên. Hiện chương trình này có thể đảm bảo khoảng 7 triệu lượt truy cập đồng thời của học sinh các cấp nhằm hướng dẫn việc tự học tại nhà khi xảy ra dịch bệnh trên diện rộng. Đại học Panthéon - Sorbonne 1, địa điểm Tolbiac (Quận 13 Paris) với hơn 10.000 sinh viên đã phải đóng cửa do phát hiện ca lây nhiễm.

Về kinh tế, sáng ngày 12/3, thị trường chứng khoán Paris mất 5% điểm ngay giờ mở cửa. Tập đoàn Air France - KLM mất 18% giá trị, tập đoàn khách sạn Accords mất 15%. Sau khi Ngân hàng trung ương EU thông báo giữ nguyên lãi suất chỉ đạo (0,5% kể từ năm 2016), thị trường Paris mất 15% điểm và 12,28% khi đóng cửa, mức kỷ lục kể từ khi thành lập năm 1988. Kể từ ngày 19/2 đến 12/3, thị trường chứng khoán Paris mất 2.000 điểm (hiện còn 4.040 điểm) tương đương 32%.

Theo đánh giá của các chuyên gia, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đối với 5 nước có doanh thu du lịch cao nhất là Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Italy và Trung Quốc, trong đó hai ngành khách sạn và hàng không thiệt hại nặng nhất và sau đó là các doanh nghiệp nhỏ, rất nhỏ sống nhờ vào kinh tế du lịch.

Theo báo cáo của Hiệp hội Hàng không Thế giới (IATA) cuối tháng 2/2020, với kịch bản dịch bệnh kéo dài đến hết tháng 3/2020 và hạn chế ở Trung Quốc, các tập đoàn hàng không hoạt động trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thiệt hại khoảng 27,8 triệu USD và khoảng 29,3 tỷ USD trên quy mô toàn thế giới. Sau khi bệnh dịch lan sang châu Âu, cơ quan này dự báo thiệt hại trên toàn thế giới có thể lên đến 113 tỷ USD. Tuy nhiên, với lệnh cấm nhập cảnh của Mỹ nhằm vào khách đến từ khu vực Schengen đêm ngày 12/3, thì con số thiệt hại của ngành hàng không và du lịch sẽ còn tăng cao hơn nhiều so với các dự báo bi quan nhất.

Bộ Lao động Pháp cho biết, đến sáng ngày 12/3, đã có hơn 36.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ yêu cầu hỗ trợ thất nghiệp kỹ thuật từng phần với số lượng nhân công lên đến 65.000 người. Bộ Kinh tế cho biết sẽ nới mức trần trợ cấp thất nghiệp kỹ thuật vượt mức lương tối thiểu và vì vậy dự kiến chính phủ phải chi khoảng hơn 180 triệu Euro thậm chí 300 triệu Euro thay vì 60 triệu như dự tính.

Bộ Y tế Pháp cho biết, sẽ nâng năng lực xét nghiệm hiện nay của các phòng thí nghiệm và bệnh viện tại Pháp khoảng 1.200 ca/ngày. Sau sắc lệnh cho phép việc xét nghiệm bên ngoài các bệnh viện, nhiều trung tâm xét nghiệm y tế tại các thành phố đã bị quá tải vì các yêu cầu cho dù nhiều nơi chưa nhận được kit xét nghiệm theo quy chuẩn. Hai ưu tiên cao cần bảo vệ trong giai đoạn hiện nay là người cao tuổi và các nhân viên y tế với mục tiêu Pháp sẽ không rơi vào tình trạng khan hiếm nhân lực y tế và các bộ kit xét nghiệm Covid-19.

Cuối giờ chiều ngày 12/3, Bộ Y tế Pháp thông báo yêu cầu các bệnh viện hoãn tất cả các lịch phẫu thuật không khẩn cấp để tập trung nguồn lực cho “kế hoạch trắng” đã được thông báo trước đó. Tập đoàn các bệnh viện Paris phát hành phần mềm theo dõi tình trạng bệnh nhân Covid cách ly tại nhà trên AppStore và Google Play. Bộ Y tế cũng chính thức kêu gọi hơn 5.000 nhân viên y tế mới nghỉ hưu, sinh viên các ngành y đăng ký danh sách tình nguyện viên tham gia công tác y tế chống dịch Covid-19.

(theo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp)