📞

Dịch Covid-19 và những đứa trẻ nghỉ học, phải ở nhà một mình

Hoài Nam 12:41 | 10/05/2021
Tác động của dịch Covid-19 không chỉ nằm ở những con số bao nhiêu người tử vong, nhiễm bệnh, bao nhiêu ca khỏi bệnh. Nhiều gia cảnh, mảnh đời đang phải tự xoay xở, đối mặt với nhiều bất an khác để bám trụ, để tồn tại.
Dịch Covid-19, nhiều đứa trẻ phải nghỉ học và đang ở nhà một mình.

Đối diện với dịch Covid-19, dịch bệnh đến ngày hôm nay đã cướp đi sinh mạng hơn 3,3 triệu người trên toàn thế giới, lời kêu gọi tính mạng là trên hết được nhấn mạnh hơn bất cứ lúc nào.

Nhưng tác động của Covid-19 không chỉ nằm ở những con số bao nhiêu người tử vong, nhiễm bệnh, bao nhiêu ca khỏi bệnh. Nhiều gia cảnh, mảnh đời đang phải tự xoay xở, đối mặt với nhiều bất an khác để bám trụ, để tồn tại. Họ không dễ để tìm sự được hỗ trợ, nâng đỡ.

Chiều 9/5, qua thông tin của người dân không thấy hai mẹ con rời phòng trọ đã lâu, cơ quan công an tại TP. Hồ Chí Minh phát hiện hai mẹ con tử vong trong phòng trọ ở Hóc Môn. Người mẹ chết trong tư thế treo cổ ở nhà tắm, còn cháu bé 2 tuổi tử vong trên giường.

Người xung quanh cho biết, không có người giữ con để đi làm, cuộc sống quá khó khăn. Đó là một trong những mảnh đời trong mùa dịch như lời một nhà nghiên cứu xã hội bày tỏ, dịch Covid-19 đã tạo ra những khó khăn, áp lực... nên những người bình thường đã khó khăn càng khó khăn hơn.

Chị Nguyễn Lê Mai, 38 tuổi làm việc tại một công ty giày da ở TP. Hồ Chí Minh. Cuối tuần vừa rồi, chị như "gục ngã" trước thông tin trường học đóng cửa vì dịch Covid-19.

Sau một thời gian dài cắt ca, giảm giờ làm, ngày làm nửa buổi vì ảnh hưởng của dịch, hai vợ chồng chị mới có việc, đi làm trọn giờ từ đầu tháng 3 này. Hơn một năm qua, thu nhập giảm, công việc không ổn định, gia đình chị vô cùng khó khăn, phải vay mượn để sống.

Bữa ăn của gia đình chị, hai người đang ở tuổi lao động và đứa trẻ đang lớn thường xuyên chỉ có đậu hũ, trứng, đĩa rau. Vợ chồng chị vừa chuyển qua chỗ trọ rẻ hơn chỗ cũ 300.000 đồng tháng, với chủ nhà cũng dễ tính hơn, cho khất tiền phòng.

Vợ chồng chị có hai đứa con, đứa đầu đang học lớp 2, anh chị gửi ông bà nội ngoài Vĩnh Phúc chăm từ nhỏ. Từ đợt Tết năm ngoái, khi con mới học xong một học kỳ của lớp 1, tính ra đã gần năm rưỡi, mẹ con chưa gặp lại nhau.

Giữa tuần vừa rồi, nhận thông tin trường học đóng cửa, chị vội vã đi tìm người nào đó nhận giữ trẻ nhưng không tìm được. Có người nhận 1 giữ 1 với giá 300.000 đồng/ngày, người mẹ thở dài.

Chị không còn cách nào khác, chị đành nhốt con trong phòng trọ chưa đến 15m2 có gác xép. Chị sập cầu dao điện, khóa bếp ga, gác hết xô chậu lên cao... Chị bày giấy vẽ, đồ chơi, xếp hình, dặn dò con đủ điều, cơm nấu sẵn trong nồi. Đứa bé gào khóc không chịu.

Chị gửi chìa khóa cho một bác lớn tuổi cùng khu trọ, nhờ bác lâu lâu qua cửa sổ nói chuyện, nhắc thằng bé uống nước giúp. Lỡ có chuyện gì, nhờ bác mở cửa giúp, gọi điện cho con. Chị cầm điện thoại của bác hàng xóm, xem lại số điện thoại của mình đã được lưu chưa.

Bác hàng xóm cũng cảnh báo: "Tao không ở nhà thường xuyên đâu, tao còn đi ra đi vào, rồi hay ngủ quên nữa". Chị cũng chỉ biết gật đầu, nhờ được đến đâu hay đến đó.

Quệt nước mắt chảy ngang, rời chỗ trọ đi làm, chị tự nhủ, trưa nay, sẽ tranh thủ chạy về xem tình hình con thế nào. Nhưng những hôm sau thì không thể, làm ở công ty không dễ chạy đi chạy lại như vậy.

Người mẹ tâm tư, biết vậy là không an toàn cho con nhưng không còn lựa chọn nào khác. Chị không dám nghĩ đến những điều không hay nhưng lỡ có chuyện gì, chị sẽ khó tha thứ cho mình. Như lời chị nói: "Tôi vì mưu sinh, kiếm tiền mà bỏ rơi con".

Chị lo tai nạn, hỏa hoạn rồi bao nhiêu thứ không lường được có thể xảy ra với một đứa trẻ bị nhốt trong nhà chứ không phải là chủ quan, không biết.

Nhưng đặt sự an toàn của con lên trên hết lúc này trở thành lý thuyết với hoàn cảnh gia đình chị. Nếu đặt sự an toàn của con lên trên hết, tính mạng là ưu tiên hàng đầu thì chỉ có cách chị hoặc chồng nghỉ việc để giữ con. Nhưng như vậy, cả gia đình sẽ rơi vào đường cùng. Nên chị vẫn phải chọn phương án may rủi...

Sáng nay, ngày đầu tiên học sinh TP. Hồ Chí Minh nghỉ dịch tránh Covid-19. Khi nhiều phụ huynh đang quay cuồng với việc gửi con để đi làm, tôi đọc được thông tin, Viện nghiên cứu Đời sống xã hội (Viện SocialLife) đang thực hiện tiến hành một khảo sát nhanh về áp lực tâm lý của người dân Việt Nam trong đại dịch Covid-19.
(theo Dân trí)