Số lượng người bệnh đến khám bị SXH Dengue cũng tăng rõ rệt. Hiện nay, tại phòng khám và tư vấn các bệnh truyền nhiễm của Khoa trung bình mỗi ngày có 20-25 trường hợp đến khám vì sốt Dengue.
Tại phòng khám chuyên khoa truyền nhiễm ở Khoa khám bệnh (Bệnh viện Bạch Mai), mỗi ngày tiếp nhận 25-30 ca khám vì sốt Dengue.
Giải thích nguyên nhân vì sao năm nay số ca mắc tại miền Bắc tăng nhanh, BS Đỗ Duy Cường - Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đó là do diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu thay đổi, mưa nhiều. Sau mưa, những nơi nước đọng là ổ muỗi gây bệnh SXH đẻ trứng, bọ gậy nở ra nhiều. Tại Hà Nội, trong tuần qua đã ghi nhận thêm gần 1.200 ca bệnh mắc sốt xuất huyết.
Theo BS Cường, hiện nay SXH diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan nhanh. Nhiều bệnh nhi, kể cả người già trên 85 tuổi, các bà bầu đều nhập viện với số lượng lớn, có trường hợp cả gia đình 3 đến 4 người cùng nhập viện vì SXH.
“Hiện bệnh nhân vào Khoa Truyền nhiễm quá tải, 3 người nằm/1 giường. Vì nhiều bệnh nhân vào nên chúng tôi đã dành 2/3 số giường bệnh dành cho bệnh nhân mắc SXH”- BS Cường nói.
Số người nhập viện vì SXH ngày càng tăng. |
BS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, có nhiều sai lầm trong điều trị SXH như: chẩn đoán SXH nhầm với cúm thông thường như: sốt, ho, viêm phế quản, phổi, viêm họng…
Đặc biệt là sai lầm trong điều trị vì nhiều bác sĩ không chuyên khoa có thể cho uống hạ sốt, dùng kháng sinh dòng corticoid khiến cho người bệnh dễ bị xuất huyết. Nhiều nơi không có điều kiện khiến chẩn đoán nhầm, có nhiều người mắc SXH không có biểu hiện điển hình nên khó phát hiện.
TS Cường cũng nhận định, nếu chẩn đoán đúng nhưng bác sĩ điều trị sai cũng dẫn tới biến chứng nặng. Chẳng hạn nếu dùng kháng sinh sẽ dẫn đến việc xử trí theo hướng nhiễm trùng làm bệnh nhân nặng lên, làm tăng nguy cơ xuất huyết. Ngay cả việc truyền đạm, truyền dịch hay truyền tiểu cầu nếu không theo phác đồ điều trị mà Bộ Y tế đã ban hành cũng sẽ làm sai lệch hướng điều trị.
Bộ Y tế vừa có công văn khẩn đề nghị các cơ sở y tế theo dõi khám, chữa bệnh SXH theo đúng phác đồ, trường hợp nặng phải có hội chẩn. Theo đó, các bác sĩ không phải chuyên khoa cần phải nắm vững phác đồ chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế để điều trị cho phù hợp.
BS Cường nhận định, năm 2015 có 1.000 bệnh nhân SXH và có nhiều bà bầu được cứu cả mẹ, con. Vì thế, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cũng rất chủ động trong công tác phòng chống dịch SXH.
SXH là sốt kèm theo xuất huyết với đặc trưng là sốt cấp tính kéo dài 2-5 ngày, sốt cao, đau mỏi người, nhức đau. Khi xuất huyết, người bệnh chảy máu cam, chảy máu chân răng. Nặng hơn là rong kinh, rong huyết, đi ngoài ra máu, phân có máu, xuất huyết não…