📞

Dịch vụ công mang lại môi trường minh bạch, hướng tới mục tiêu công bằng, bền vững

Hồng Lê 16:34 | 22/11/2024
Dịch vụ công mang lại môi trường minh bạch, hướng đến mục tiêu công bằng, văn minh và mang tính cộng đồng. Đồng thời, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội.
Toàn cảnh Hội thảo “Mô hình dịch vụ công ở các Hội nghề nghiệp: Thực trạng và giải pháp”. (Ảnh: Lê Hồng)

Chiều 22/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Mô hình dịch vụ công ở các Hội nghề nghiệp: Thực trạng và giải pháp”.

Hội thảo nhằm đánh giá tình hình các Hội ngành toàn quốc tham gia xã hội hóa các dịch vụ công trong những năm qua. Cụ thể, thực trạng mô hình dịch vụ công ở các Hội ngành toàn quốc, những thuận lợi và hạn chế, bất cập từ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Những điểm nghẽn trong quá trình chuyển giao, tiếp nhận và tổ chức thực hiện dịch vụ công ở các Hội ngành toàn quốc. Từ đó, đề xuất các giải pháp cụ thể để trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ có nhiều Hội ngành toàn quốc tham gia một cách trực tiếp và hiệu quả cung ứng dịch vụ công theo ngành, lĩnh vực xã hội; đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

"Lợi ích kép" từ xã hội hóa dịch vụ công

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam khẳng định, dịch vụ công trước đây thường gắn với trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước nhằm cung cấp các hàng hóa, dịch vụ công cộng thiết yếu cho người dân, cho xã hội, đảm bảo sự công bằng và ổn định xã hội.

Ngày nay, do nhu cầu phát triển của xã hội, các quy luật cung cầu của thị trường, yêu cầu lãnh đạo, quản trị quốc gia và cải cách hành chính, các dịch vụ này không chỉ do các cơ quan Nhà nước thực hiện mà có sự tham gia cung ứng dịch vụ công của nhiều thành phần khác như các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các doanh nghiệp và khu vực tư nhân được Nhà nước ủy quyền. Ở nước ta còn có tên gọi khác là xã hội hóa dịch vụ công.

Ông Nguyễn Quyết Chiến nhấn mạnh, xã hội hóa dịch vụ công mang đến “lợi ích kép” cho cả khu vực Nhà nước và tư nhân. Nhà nước giảm được gánh nặng, tập trung hơn vào công tác quản lý vĩ mô, từ đó tạo điều kiện để tổ chức Hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp và khu vực tư nhân đầu tư nguồn lực, tham gia giải quyết một số nhiệm vụ của Nhà nước. Khi có nhà cung ứng dịch vụ công, sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng, dịch vụ. Mặt khác, bộ máy nhà nước cũng trở nên gọn nhẹ và tiết kiệm hơn, nhưng không làm giảm vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm các dịch vụ công cơ bản cho người dân.

Ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: Lê Hồng)

TS. Phan Đăng Sơn, Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ nhận định, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển ngày càng mạnh về số lượng, vị thế của các hội - Nhà nước đã từng bước giao một số nhiệm vụ thuộc cơ quan hành chính nhà nước đảm nhiệm sang cho các Hội tham gia thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước.

"Việc giao một số nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước cho các hội, tổ chức phi chính phủ là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Giao bớt nhiệm vụ dịch vụ hành chính công cho các tổ chức xã hội là tạo điều kiện cho mọi thành phần xã hội chung tay cùng nhà nước nâng cao chất lượng dịch vụ công ngày càng tốt hơn. Hơn nữa, trong nền kinh tế thị trường, nhu cầu về dịch vụ ngày càng cao, càng phong phú và đa dạng, nhà nước không thể đáp ứng hết đòi hỏi của thị trường, nhu cầu của người dân. Do vậy, việc nghiên cứu chuyển giao một số nhiệm vụ của cơ quan hành chính cho các hội nghề nghiệp là thực sự cần thiết", TS. Phan Đăng Sơn khẳng định.

Theo TS. Phan Đăng Sơn, qua kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, chuyển giao nhiệm vụ hành chính công cho hội là một quá trình và không hề đơn giản. Song, đây được xem là xu hướng tất yếu trong nền hành chính pháp quyền hiện nay. Để thực hiện tốt công tác chuyển giao, hạn chế tối đa những bất cập, rủi ro có thể xảy ra Nhà nước cần phải nghiên cứu để xây dựng các nguyên tắc chuyển giao nhiệm vụ hành chính công cho hội.

Theo ông Sơn, chỉ chuyển giao nhiệm vụ hành chính công cho các tổ chức xã hội (hội/hiệp hội) có tư cách pháp nhân. Lựa chọn danh mục các nhiệm vụ hành chính có thể được chuyển giao cho hội/hiệp hội thực hiện. Xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực của hội/ hiệp hội. Trên cơ sở các tiêu chí của bộ chỉ số, đánh giá, xếp loại các tổ chức có đủ điều kiện để được nhận chuyển giao thực hiện nhiệm vụ hành chính công. Nhà nước quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức này trên cơ sở xây dựng cơ chế kiểm sát, giám sát kết quả hoạt động. Sự minh bạch trong hoạt động của các hội/hiệp hội phải được đặt thành một trong những tiêu chí quan trọng nhất…

Đồng thời, để phát huy tốt vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và tích cực tham gia nhiệm vụ quản lý nhà nước, các hội/hiệp hội, tổ chức phi chính phủ cần phải nâng cao năng lực hoạt động thông qua chất lượng nguồn nhân lực và kết quả hoạt động cụ thể.

"Sự minh bạch và trách nhiệm giải trình là những tiêu chí quan trọng đánh giá việc thực hành quản trị tốt trong mỗi tổ chức mà các hội/hiệp hội cần phải theo đuổi. Những tổ chức làm tốt vấn đề này sẽ mang đến sự tin tưởng cho tất cả thành viên trong tổ chức, nhà tài trợ, sự tin tưởng đối với các cơ quan quản lý, trong cộng đồng, xã hội", TS. Phan Đăng Sơn cho hay.

Dịch vụ công tạo bình đẳng trong xã hội

Bày tỏ quan điểm của mình, GS.TS. Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội KHKT An toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam cho rằng, dịch vụ công mang lại môi trường minh bạch, hướng đến mục tiêu công bằng, văn minh và mang tính cộng đồng. Đồng thời, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội.

Hiện nay, Việt Nam có 3 loại hình dịch vụ công cơ bản: dịch vụ công trong lĩnh vực sự nghiệp, dịch vụ công trong lĩnh vực công ích và dịch vụ hành chính công. Các loại hình dịch vụ công này đều có tầm quan trọng trong việc đem lại lợi ích chung, bình đẳng trong xã hội.

GS.TS. Lê Vân Trình cho hay, để giảm gánh nặng tài chính của Nhà nước, xã hội hóa dịch vụ công là một trong những nội dung quan trọng nhất trong mô hình quản lý công mới ở các nước phát triển. Xã hội hóa dịch vụ công đồng nghĩa với việc giảm thiểu trách nhiệm của nhà nước trong cung cấp các dịch vụ, Nhà nước đóng vai trò điều tiết bảo đảm sự có mặt của dịch vụ công đó thay vì trực tiếp cung cấp các dịch vụ công. Việc cung ứng dịch vụ được giao cho các thành phần kinh tế tư nhân, cá nhân thực hiện.

Sự phát triển của dịch vụ công phụ thuộc vào nhiều khía cạnh từ sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa của mỗi quốc gia. Vì thế, mỗi nước, tùy thuộc vào thể chế và văn hóa của mình mà có những loại hình dịch vụ công khác nhau.

GS.TS. Lê Vân Trình dẫn chứng, Canada là nước có nhiều dịch vụ công nhất, có tới 34 loại hoạt động được coi là dịch vụ công (quốc phòng, an ninh, pháp chế, tạo việc làm, quy hoạch, bảo vệ môi trường và các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, bảo hiểm xã hội... ). Tại Pháp, khái niệm dịch vụ công bao gồm các hoạt động công ích (điện, nước, giao thông công cộng, vệ sinh môi trường...); các hoạt động sự nghiệp phục vụ nhu cầu tinh thần, sức khỏe của người dân (giáo dục, y tế, thể thao, thể dục...); các dịch vụ hành chính công (thuế vụ, an ninh, quốc phòng, cấp phép hộ khẩu, hộ tịch...).

“Để đẩy mạnh công tác xã hội hóa dịch vụ công, Nhà nước cần xác định xã hội hoá dịch vụ công là một trong những giải pháp quan trọng để huy động các nguồn lực và năng lực của xã hội một cách mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu và lợi ích của các tầng lớp nhân dân, phù hợp với sự phát triển đất nước”, GS.TS. Lê Vân Trình nhấn mạnh.

Ngoài ra,GS.TS. Lê Vân Trình cho rằng, Nhà nước cần ban hành các cơ chế, chính sách và quy định những tiêu chuẩn, định mức, chất lượng, giá cả và dịch vụ hợp lý, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức xã hội, tư nhân cùng với các chính sách đầu tư có hiệu quả cho các loại hình dịch vụ công lập Nhà nước cần phải có cơ chế để đảm bảo được chất lượng dịch vụ công, đồng thời mở rộng chuyển giao việc cung ứng dịch vụ công cho các tổ chức xã hội một cách mạnh mẽ hơn.

TS. Phạm Văn Tân, Ủy viên HĐTW Liên hiệp Hội Việt Nam kiến nghị các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển giao dịch vụ công cho các tổ chức hội nghề nghiệp, tổ chức ngoài công lập.

Một là, xây dựng hành lang pháp lý. Để hoàn thiện chính sách cung ứng dịch vụ công, cần sớm xây dựng luật về cung ứng dịch vụ công. Hai là, ban hành danh mục dịch vụ công. Mỗi lĩnh vực, ngành, địa phương cần phải ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước và không sử dụng ngân sách. Nâng cao nhận thức trong xã hội về quyền và trách nhiệm của toàn xã hội trong việc thực hiện các dịch vụ công vì cộng đồng, vì xã hội.

Đồng thời, thực hiện các chương trình khuyến khích xã hội hóa các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công. Đẩy mạnh việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa… Tạo điều kiện về cơ chế, chính sách liên quan đến ổn định cơ sở vật chất, kỹ thuật để các tổ chức xã hội thực hiện dịch vụ công hoạt động.