📞

Điểm danh thách thức khi khí đốt Nga ngừng chảy qua Ukraine, khủng hoảng nguồn cung sẽ xảy ra?

Việt An 08:45 | 19/07/2024
Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu cấm nhập khẩu nhiên liệu của Nga vào năm 2027. Tuy nhiên, theo Rystad Energy, năm 2023, gần một nửa nguồn cung khí đốt qua đường ống của Nga tới châu Âu và Moldova vẫn đi qua Ukraine, đạt tổng cộng 13,7 tỷ m3.
Một cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên ở Bierwang, Đức. (Nguồn: AP)

Thỏa thuận vận chuyển khí đốt kéo dài 5 năm giữa Nga và Ukraine sẽ hết hạn vào cuối năm 2024, dẫn đến lo ngại về dòng chảy của những lượng khí này trong tương lai.

Rystad Energy - công ty nghiên cứu năng lượng độc lập có trụ sở tại Oslo, Na Uy dự đoán, khí đốt Nga sẽ cần được chuyển đến châu Âu thông qua các con đường thay thế, và cần thêm 7,2 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mỗi năm để thay thế khí đốt quá cảnh Ukraine.

Cuộc khủng hoảng nguồn cung có thể xảy ra sớm hơn dự kiến, như cảnh báo của công ty Áo OMV hồi tháng 5.

Slovakia, Áo và Moldova là các quốc gia châu Âu phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt, nhập khẩu lần lượt khoảng 3,2; 5,7 và 2 tỷ m3 vào năm 2023.

Năm ngoái, khí đốt Moscow qua Kiev đến các nước EU thông qua các trạm ở Slovakia và Moldova.

Hiện Moldova đang điều chỉnh nguồn cung và đã đồng ý với Ukraine về việc cung cấp khí đốt Nga liên tục cho đến cuối năm 2025.

Năm 2023, Moldova nhập khẩu 74% khí đốt qua Ukraine.

Công ty năng lượng Eni của Italy và Hungary cũng nhập khẩu khí đốt Nga qua Ukraine, trong khi Slovenia và Croatia là những khách hàng nhỏ hơn mua khí đốt qua con đường này.

Việc ngăn chặn đường ống dẫn khí của Nga đi qua Ukraine sẽ tác động đáng kể đến các quốc gia phụ thuộc vào khối lượng này.

Đơn cử như, khi thỏa thuận vận chuyển khí đốt Nga-Ukraine hết hạn, Moldova sẽ cần định tuyến lại 2 tỷ m3 khí đốt.

(theo Reuters)