Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 3/6 tại Singapore. (Nguồn: AFP) |
Quan tâm chung và trách nhiệm tập thể
Đầu tiên, đó là tầm quan trọng của diễn đàn này. Một mặt, với gần 600 đại biểu tham dự, 7 phiên họp toàn thể với 6 phiên họp thảo luận cùng nhiều cuộc gặp song phương bên lề, Đối thoại đang chứng tỏ được sức hút ngày một mạnh mẽ.
Mặt khác, nó cho thấy sự xuất hiện của ngày càng nhiều vấn đề, tác động tới môi trường an ninh khu vực như cạnh tranh nước lớn, thượng tôn luật pháp quốc tế, sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, chủ quyền lãnh thổ, môi trường…
Trong bối cảnh đó, số lượng chủ đề đa dạng, từ xây dựng khu vực châu Á-Thái Bình Dương cân bằng và ổn định, phát triển các mối quan hệ đối tác mới cho an ninh khu vực tới tác động an ninh của cạnh tranh công nghệ và cạnh tranh số đã phần nào bao hàm được mối quan tâm chung của những diễn giả, khách mời.
Thứ hai, nội dung thảo luận tương đối rộng, song hầu hết các phiên thảo luận đều khép lại với những tuyên bố đề cao trách nhiệm tập thể, tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế, đặc biệt trong giải quyết các điểm nóng, xung đột hiện nay như Nga-Ukraine, bán đảo Triều Tiên, Sudan, eo biển Đài Loan hay Biển Đông.
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần này, diễn giả chính, Thủ tướng Australia Antony Albanese nhận định rằng sự kiện một lần nữa khẳng định rằng hòa bình, an ninh, ổn định tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không phải là nhiệm vụ của riêng ai. Vì thế, không sai nếu nói rằng “trách nhiệm tập thể” và tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế chắc chắn là chủ đề lớn, xuyên suốt trong diễn đàn lần này.
Bắt tay không thay đối thoại
Tuy nhiên, việc thực hiện “trách nhiệm tập thể” và tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế ấy sẽ là không đơn giản khi cạnh tranh giữa Mỹ-Trung Quốc vẫn gay gắt, thể hiện rõ nét qua tương tác giữa đại diện của hai nước tại Đối thoại Shangri-La.
Phát biểu ngày 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định nước này “không mong muốn xung đột hay đối đầu, song sẵn sàng đối phó hành động bắt nạt hay cưỡng ép”. Xứ cờ hoa sẽ tiếp tục tuân thủ nguyên tắc Một Trung Quốc, dù “phản đối mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng từ cả hai phía”.
Tuy nhiên, điểm nhấn là khi ông chỉ trích Bắc Kinh “không sẵn lòng xây dựng cơ chế phù hợp hơn trong quản lý khủng hoảng giữa quân đội hai nước”. Đáng chú ý, cùng lúc đó, tàu chiến Mỹ và Canada được cho là đã đi qua eo biển Đài Loan.
Điều này đã dẫn đến phản ứng tiêu cực từ phía đại diện từ Bắc Kinh. Ngay sau phát biểu của ông Austin, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Trung tướng Cảnh Kiến Phong đã đáp trả ngay bên lề. Ông cho rằng đại diện Mỹ đã “bóp méo nghiêm trọng thực tế và sự thật” về vấn đề Đài Loan và chỉ trích “hoạt động giám sát bất hợp pháp” của Washington.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã chỉ trích “một số quốc gia” tăng cường chạy đua vũ trang và can thiệp công việc nội bộ của nước khác, đồng thời cảnh báo về “tâm lý chiến tranh lạnh”. Mặc dù vậy, ông nhấn mạnh rằng bất chấp “khác biệt mang tính hệ thống”, Trung Quốc không muốn xung đột, đối đầu và sẵn sàng cùng Mỹ “tìm kiếm điểm tương đồng, lợi ích chung để tăng cường quan hệ song phương và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác”.
Trong bối cảnh đó, cái bắt tay đầu tiên và trao đổi ngắn ngủi của hai người đồng cấp phản ánh một thông điệp: Bất chấp nỗ lực kết nối từ cả hai phía, những khác biệt căn bản sẽ khiến hợp tác quốc phòng song phương trở nên khó khăn hơn.
“Trách nhiệm tập thể” và tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế chắc chắn là chủ đề lớn, xuyên suốt trong Đối thoại Shangri-La lần này. |
Vai trò ASEAN và nét mới châu Âu
Đại diện của Mỹ, Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh, Canada hay Liên minh châu Âu (EU) đều nhất trí về vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương và cam kết tăng cường hợp tác với khối thời gian tới.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukuzu Hamada khẳng định bên cạnh Đối thoại Shangri-La, nước này sẽ tiếp tục quan tâm tới các khuôn khổ hợp tác khu vực do ASEAN dẫn dắt như Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nhắc lại rằng việc nước này đăng ký tham gia ADMM+ cho thấy tinh thần hợp tác xuyên suốt trong các mối quan hệ quốc phòng của xứ sở sương mù. Quan trọng hơn, nó góp phần khẳng định tầm quan trọng của ASEAN đối với chính sách của London tại khu vực.
Cuối cùng, sự góp mặt của các đại diện đến từ châu Âu, từ Cao ủy EU về Chính sách an ninh và đối ngoại Joseph Borell tới Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cũng là một chi tiết đáng lưu ý. Thực tế cho thấy lãnh đạo nhiều nước ở ở lục địa này từng nhấn mạnh rằng tình hình ở châu Á-Thái Bình Dương có sẽ tác động trực tiếp tới các vấn đề an ninh của châu Âu, dù là xung đột Nga-Ukraine hay căng thẳng Mỹ-Trung. Khi đó, Đối thoại Shangri-La rõ ràng là địa điểm lý tưởng để các quan chức châu Âu đưa ra thông điệp then chốt về các bước tiếp theo trong cách tiếp cận của mình đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Phát biểu tại Đối thoại, Cao ủy EU về Chính sách an ninh và đối ngoại Joseph Borell khẳng định châu Âu mong muốn trở thành “một đối tác đáng tin cậy, có năng lực” ở châu Á-Thái Bình Dương để thúc đẩy an ninh. Ông khẳng định: “Chúng ta cần có nhau. Chúng ta cần ổn định thế giới này”.
Đối thoại Shangri-La là cơ hội để các bên cùng ngồi lại, thảo luận và hướng tới mục tiêu chung ấy.