TIN LIÊN QUAN | |
Bão tan, còn lại tình người | |
Mỹ: Ấm lòng tình đồng bào trong siêu bão Harvey |
Harvey vừa qua, Irma đã tới
Chỉ chưa đầy một tuần sau khi siêu bão Harvey – cơn bão mạnh nhất nửa thế kỷ càn quét bang Texas và Louisiana làm ít nhất 60 người thiệt mạng, gây thiệt hại ước tính lên tới hơn 180 tỷ USD, nước Mỹ lại chuẩn bị “oằn mình” đối phó với siêu bão mới mang tên Irma.
Hình ảnh bão Irma được chụp từ vệ tinh của NASA. (Nguồn: NBC News) |
Ảnh vệ tinh chụp bão Irma hôm 5/9 được công bố bởi Cơ quan Kiểm soát Đại dương và Khí tượng Mỹ (NOAA) cho thấy, bão Irma đã được nâng lên cấp 5, cấp “cực kỳ nguy hiểm” và là cấp cao nhất trong thang cảnh báo bão Đại Tây Dương. Với sức gió 295 km/giờ (mạnh hơn nhiều so với sức gió 210 km/giờ của bão Harvey), Irma là cơn bão mạnh thứ hai từng được ghi nhận trên Đại Tây Dương.
Dự kiến, Irma sẽ đổ bộ vào phía Nam bang Florida vào ngày 10-11/9 sau khi càn quét qua các đảo thuộc khu vực Caribbean bao gồm Puerto Rico và quần đảo Virgins. Siêu bão Irma sẽ gây ảnh hưởng tới cuộc sống của khoảng 25 triệu người và là cơn bão lớn thứ hai liên tiếp trong tháng đổ bộ vào nước Mỹ. Chuyên gia khí tượng dự báo, sức tàn phá của Irma vượt xa “người anh em” Harvey khi gây ra những cơn sóng cao đến bảy mét, mưa rất lớn và ngập lụt nặng tại những nơi nằm trong vùng ảnh hưởng của hoàn lưu bão.
“Trong lịch sử, tính từ năm 1851, nước Mỹ chưa bao giờ phải liên tiếp chống chọi với nhiều siêu bão ở trên mức cấp độ 4 trong cùng một mùa như vậy. Nếu Irma vẫn tiếp tục mạnh lên với sức tàn phá kinh hoàng như dự báo của Trung tâm Bão Quốc gia, nước Mỹ sẽ chìm sâu trong thảm họa”, Jeff Masters, nhà khí tượng học, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Weather Underground nhận định.
Trước những dự báo siêu bão Irma có sức tàn phá khủng khiếp khi đổ bộ vào Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại bang Florida, vùng lãnh thổ Puerto Rico và quần đảo Virgin của nước này. Thông báo ngày 6/9 của Nhà Trắng cho biết với lệnh tình trạng khẩn cấp này, chính quyền liên bang sẽ triển khai các nguồn quỹ, giúp các cơ quan địa phương có thể xử lý tốt các tình huống khẩn cấp.
Tại Florida, ngay khi có những thông tin đầu tiên về siêu bão Irma, người dân đã đổ xô đi mua những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nước sạch, thuốc men, xăng, khí đốt… để tích trữ chuẩn bị đối phó với cơn bão. Chính quyền bang Florida đã yêu cầu 7.000 binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia phải báo cáo chờ nhận nhiệm vụ vào ngày 8/9. Trực thăng và các phương tiện cứu hộ đường thủy đã được điều động tới Florida để sẵn sàng đương đầu với bão.
Ngoài ra, Bộ An ninh nội địa và Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang (FEMA) của Mỹ được giao nhiệm vụ điều phối các nỗ lực cứu trợ thiên tai để công tác này thực sự hiệu quả, qua đó giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão gây ra.
Sát thủ giấu mặt
Các chuyên gia khí tượng lý giải, những diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu chính là “sát thủ giấu mặt” khiến Đại Tây Dương đang trở thành “cái nôi” của nhiều siêu bão, do sự suy yếu của những cơn gió và tình trạng ấm áp triền miên trên bề mặt đại dương.
Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu Khí quyển quốc gia Mỹ (NCRA) mới đây cho thấy, đại dương trên thế giới đang nóng lên hơn 13% so với dự kiến của giới chuyên gia. Ngoài các vùng biển ở phía Nam đã ấm lên một thời gian thì nhiệt độ nước biển ở Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương đang nóng lên thấy rõ. Theo nghiên cứu, nhiệt độ tại các vùng biển này vẫn tiếp tục tăng cao, nhất là khi có sự cộng hưởng tăng nhiệt ở đáy đại dương. Và các đại dương cũng đang ảnh hưởng trực tiếp tới thời tiết và khí hậu thông qua những cơn mưa dữ dội và các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Các nhà khoa học phỏng đoán, siêu bão Irma rất có thể đã được “thai nghén” khi nhiệt độ nước biển ở Đại Tây Dương tăng lên gần 30 độ C– mức nhiệt độ lý tưởng để hình thành bão. Và khi nhiệt độ này kết hợp với độ ẩm không khí chỉ ở mức 55%, sức mạnh của cơn bão nhanh chóng được nhân lên.
“Sở dĩ siêu bão Irma có thể ngay lập tức nối gót người anh em Harvey của nó là do thay đổi về áp suất không khí tại vùng biển phía Đông Đại Tây Dương. Thông thường, cứ qua khoảng 10 - 12 năm, dọc theo khu vực này sẽ hình thành những luồng áp suất thấp, giúp giảm thiểu tần suất xuất hiện của những cơn bão. Tuy nhiên, thời gian gần đây, những luồng áp suất này đang có xu hướng bị đẩy về phía Tây, khiến cho vùng biển phía Đông bao gồm Vịnh Mexico, vùng biển Caribbean có nguy cơ đối mặt trực diện với các cơn bão lớn ngày một nhiều”, Tiến sĩ Philip Klotzbach – chuyên gia khí tượng thuộc Đại học Colorado phân tích.
Cơn bão Harvey gây thiệt hại ước tính 42 tỷ USD Thiệt hại do lũ lụt trong cơn bão Harvey có thể lên tới hàng chục tỷ USD và được cho là sẽ khiến kinh tế ... |
Siêu bão Harvey: Mỹ lo ngại hàng trăm con cá sấu sổng chuồng Nhiều người bày tỏ lo ngại khi 350 con cá sấu trong một khu bảo tồn ở ngoại ô Houston có thể vượt qua hàng ... |
Mỹ: Siêu bão Harvey nhấn chìm thành phố Houston Siêu bão Havery đã tiến vào Houston bang Texas, thành phố lớn thứ tư tại Mỹ trong đêm 26/8 (giờ địa phương), biến đường phố ... |