Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), đến nay phát huy hiệu quả tích cực, nhiều dự án, tiểu dự án bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt, hỗ trợ người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo, nâng cao mức sống.
Anh Kiên Như, ấp Đôn Chụm (xã Tân Sơn, huyện Trà Cú) chăm sóc bò từ vốn vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ. (Ảnh: Phương Nghi) |
Phát huy hiệu quả Chương trình 1719
Trà Cú là huyện nghèo vùng sâu của tỉnh Trà Vinh, có trên 62% đồng bào Khmer sinh sống. Chúng tôi có dịp về một số vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống, đời sống của bà con thay đổi đáng kể nhờ Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, đầu tư sản xuất, nhất là thực hiện có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách.
Để giúp bà con cải thiện cuộc sống, ngoài những chính sách chung, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn được thụ hưởng thêm chính sách hỗ trợ đặc thù. Anh Kiên Như (ấp Đôn Chụm, xã Tân Sơn) là một trong những hộ vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước.
Anh Kiên Như cho biết: “Trước đây do ít đất canh tác và thiếu vốn đầu tư sản xuất nên cái nghèo luôn bám lấy gia đình anh. Năm 2022 được địa phương xét cho vay với số tiền 50 triệu đồng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG 1719 để chăn nuôi bò, đến năm 2023 được Hội nông dân xã hỗ trợ vay thêm 20 triệu đồng từ Quỹ góp vốn xoay vòng của Hội để mở rộng chăn nuôi và trồng thêm 1 công chanh từ đất trồng lúa kém hiệu quả của gia đình”.
Nhờ tính cần cù chịu khó, tiết kiệm, gia đình anh Như từng bước cải thiện cuộc sống. Năm 2022, anh tự nguyện xin thoát nghèo. Anh Kiên Như chia sẻ: “Gia đình tôi trước đây hoàn cảnh khó khăn, áp lực rất lớn về kinh tế, được hỗ trợ vay vốn để nuôi bò và trồng chanh, tôi đã biết cách sử dụng đồng vốn hợp lý trong sản xuất cũng như nắm bắt kịp các tiến bộ kỹ thuật để áp dụng nên cuộc sống đã ngày một khấm khá hơn”.
Bà Sơn Thị Thiêng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Trà Cú cho biết: Từ năm 2018 đến nay, từ nguồn vốn phân bổ của Trung ương và địa phương, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho gần 300 hộ, hỗ trợ đất ở cho 19 hộ và chuyển đổi nghề cho hơn 100 hộ. Ngoài ra, huyện đã thực hiện 27 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho trên 300 hộ dân với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng. Đến cuối năm 2022, hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều của Trà Cú còn 4,47%; thu nhập bình quân đạt 58 triệu đồng/người/năm.
“Nhờ những chính sách của Đảng, Nhà nước không chỉ giúp người dân chí thú làm ăn, thực hành tiết kiệm mà còn thay đổi cả tập quán, thói quen canh tác lạc hậu trước đây khi mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó nhiều hộ đã vươn lên trong cuộc sống”, bà Thiêng nói.
Một hộ dân ở ấp Lạc Sơn (xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) phấn khởi khi được chính quyền xét tặng hỗ trợ nhà Chương trình MTQG 1719. (Ảnh: Phương Nghi) |
Chương trình MTQG 1719 đã tạo điểm tựa để đồng bào Khmer vươn lên ổn định cuộc sống. Thạnh Hòa Sơn (huyện Cầu Ngang) là xã có hơn 70% đồng bào Khmer.
Ông Lê Văn Phước, Chủ tịch xã Thạnh Hòa Sơn cho biết: Từ đầu năm 2023 đến nay, thực hiện Chương trình MTQG 1719, Thạnh Hòa Sơn đẩy mạnh công tác xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ đầu tư sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sạch... Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư cho hơn 70 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ đồng bào Khmer được vay tổng số vốn hơn 6 tỷ đồng để phát triển sản xuất và xây dựng nhà ở.
“Trong đó, Thạnh Hòa Sơn triển khai thực hiện xây dựng 15 căn nhà cho hộ khó khăn về nhà ở (trong đó nguồn quỹ hỗ trợ 40 triệu đồng và tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng) và từ Dự án 1 của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, triển khai từ năm 2022 đã hỗ trợ xây dựng được 28 căn. Cuối năm 2023, xã phấn đấu giải quyết cơ bản nhà ở cho hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo khó khăn về nhà ở là đồng bào Khmer”, ông Phước nói.
Đầu tư nhiều công trình phục vụ dân sinh
Đi đôi với đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, Trà Vinh tập trung nguồn vốn đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo; triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm...
Năm 2023, thực hiện Chương trình MTQG 1719, Trà Vinh được phân bổ trên 451 tỷ đồng; trong đó Ngân sách Trung ương là trên 407,2 tỷ đồng. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ đất ở cho hơn 40 hộ dân tộc thiểu số, nhà ở cho hơn 525 hộ, chuyển đổi nghề cho khoảng 275 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 38 hộ, đầu tư xây dựng hai công trình nước tập trung...
Cùng với đó, tỉnh xây dựng mới 58 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục thực hiện 16 công trình chuyển tiếp của năm 2022; duy tu, bảo dưỡng 36 công trình; đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp 6 công trình chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ nguồn vốn chính sách ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG 1719, anh Danh Henl ở ấp Sóc Ruộng (xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) thực hiện mô hình trồng ớt đã giúp anh và nhiều hộ Khmer cải thiện đời sống. (Ảnh: Phương Nghi) |
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh: Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh không ngừng nâng lên, đó là kết quả triển khai thực hiện kịp thời nhiều nghị quyết, chính sách. Trong đó, có Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh Trà Vinh “Quy định về chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2021-2025”, Trà Vinh hỗ trợ nhà ở cho 2.418 hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Trong đó, ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hỗ trợ 1.052 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn xây dựng nhà ở; Quỹ An sinh xã hội tỉnh hỗ trợ 910 căn, còn lại từ nguồn Quỹ Vì người nghèo của tỉnh và huyện.
Có thể nói, trong thời gian qua, những chính sách dành cho đồng bào dân tộc Trà Vinh đã phát huy hiệu quả, nhiều hộ đồng bào ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện thoát nghèo. Cuộc sống của đồng bào dân tộc hôm nay được đổi thay từng ngày, minh chứng cho việc triển khai thực hiện đúng đường lối, chủ trương, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.