Nhỏ Bình thường Lớn

Điện ảnh Việt Nam: Hai mảng màu đối lập

Một năm nhìn lại, thấy điện ảnh Việt Nam có gì? Vụ thất thoát tiền tỷ của Cục Điện ảnh gây chấn động dư luận? Sự tiếp tục lấn át của các hãng phim sản xuất tư nhân? Liên hoan phim Việt Nam 2011 đã lỗi hẹn với Bông sen Vàng cho phim truyện nhựa. Thế nhưng, không phải là không có những mảng màu ấn tượng với hai bộ phim dù chỉ giành được Bông sen Bạc...
Cảnh trong phim “Hot boy nổi loạn”.

Khúc ca bi tráng của "Mùi cỏ cháy"

Có lẽ, trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, lần đầu tiên có một bộ phim chưa khởi quay đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của công chúng. Trong lúc bộ phim Đừng đốt (dựa trên cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm) có tổng dự toán khoảng 16 tỷ đồng ngồi chờ tiền đặt hàng của Nhà nước, thì Mùi cỏ cháy phải bươn bả tìm kiếm các nguồn vốn hỗ trợ trong xã hội. Sau hơn một năm nằm im tại Hãng Phim truyện Việt Nam, kịch bản này đã được chuyển cho một hãng phim tư nhân ở Hà Nội cùng sự giúp đỡ bằng tiền mặt, nhân lực, vật lực... từ những tổ chức, cá nhân trong nước. Ở thời điểm mà nhiều bộ phim đề tài truyền thống bị ế ẩm ngoài rạp, thì việc các cá nhân trong xã hội ủng hộ tiền để làm một phim về thế hệ những người lính ra trận hơn 30 năm trước đáng là một sự kiện để các nhà quản lý điện ảnh suy ngẫm.

Dựa trên cuốn nhật ký nổi tiếng Mãi mãi tuổi 20 của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, cùng một số nhật ký, tư liệu, hồi ức về chiến tranh của các cựu chiến binh..., nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm đã viết thành kịch bản Mùi cỏ cháy. Bộ phim do đạo diễn Hữu Mười thực hiện xoay quanh câu chuyện về 4 chàng tân sinh viên khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp. Ngày 6/9/1971, 4 chàng sinh viên đã gác bút nghiên, cùng hàng nghìn thanh niên đồng trang lứa lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại Mặt trận Quảng Trị. Cao trào của Mùi cỏ cháy chính là những thước phim tái hiện bản hùng ca về Mùa hè đỏ lửa năm 1972 ở Thành cổ Quảng Trị. Bất chấp bom rơi, đạn nổ, hình ảnh những đoàn quân anh dũng vượt sông Thạch Hãn sang bảo vệ Thành cổ khiến nhiều khán giả lặng đi, rơi nước mắt...

Vì kinh phí làm phim chỉ có vỏn vẹn 5,2 tỷ đồng, nên Mùi cỏ cháy không sử dụng nhiều kỹ xảo, thay vào đó là hình nộm hay tranh vẽ... nhưng phim lại chinh phục người xem bởi lối kể chuyện dung dị. Nói như Đạo diễn Nguyễn Hữu Mười thì: "Cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ còn... khốc liệt hơn nhiều. Nhưng khả năng còn có hạn, nên chúng tôi chưa mang được hết điều các anh mong muốn". Tạo được sự tươi mới cho Phim chiến tranh - đề tài tưởng như đã quá quen thuộc trong điện ảnh Việt chính là thử thách của nhà làm phim. Tuy nhiên, Mùi cỏ cháy đã thành công về mặt tạo cảm xúc cho khán giả khi pha trộn được cả 2 trạng thái này: cái bi đến ngỡ ngàng và cái hài vừa đủ, không thành phản cảm. Ấn tượng nhất là cách xử lý những cái chết trong phim, những cái chết dễ dàng như chuyện thường của chiến tranh, không có nhiều thời gian cho sự xót thương khi cuộc chiến vẫn tiếp diễn. Dù phim vẫn có những hạn chế ở việc tạo hiện tượng giả, sự diễn xuất chưa đạt tới độ chín của một số diễn viên, nhưng Mùi cỏ cháy vẫn tỏa ra một hương thơm có thể hấp dẫn được rất nhiều khán giả.

Góc tối hiện thực từ "Hot boy nổi loạn"

Mang cái "tít" dài kỷ lục từ trước đến nay, Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt làm không ít người hình dung điện ảnh Việt sắp có một phim "sex, sốc, hài", như một trào lưu dễ thấy hiện thời. Tuy nhiên, bước vào bộ phim, khán giả lại có một ấn tượng hoàn toàn khác. Ngay từ những cảnh đầu tiên, khi nhân vật nam xuất hiện trong bộ dạng chàng trai một thân một mình giữa thành phố náo nhiệt, người xem được dẫn vào tình tiết khá đời thường với cuộc sống ở khu lao động nghèo với những căn nhà ổ chuột ọp ẹp, những căn gác trọ cũ kỹ... Góc máy của phim khéo léo tạo nên sự tương phản giữa hai thế giới, một bên của sự sang trọng, một bên của cái nghèo và bế tắc.

Trong phim, thành phố không phải là thiên đường, đó còn là nơi của những người miệt mài mưu sinh. Bên cạnh, những nhân vật cật lực lao động là nhân vật thằng khùng với công việc lang thang thu nhặt ve chai kiếm sống, là chàng trai bán thân trong thế giới gay một cách bình thản đến mức chuyên nghiệp và cô gái điếm lỡ thì đón khách tại vỉa hè. Họ đều là những con người nằm ở đáy của xã hội, nhưng với góc nhìn đầy nhân văn và táo bạo, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã để cho mỗi nhân vật tự thân tỏa ra thứ ánh sáng lấp lánh của tình yêu, lòng vị tha, sự nhẫn nại để đi tìm hạnh phúc.

Khắc họa một đề tài vốn nhạy cảm: tình yêu đồng tính, nhưng đạo diễn đã không trưng ra những "chiêu" đã quá mòn và kệch cỡm thường thấy trên màn ảnh. Cái tài của tác giả là vừa thể hiện một cái nhìn không bênh vực vừa miêu tả một cách đầy cảm thông như cuộc sống vốn thế. Tuy Hot boy nổi loạn vẫn còn nhiều sạn, vẫn nhận được cái nhìn không thiện cảm của một bộ phận khán giả, nhưng bộ phim cũng đã có tín hiệu tốt tại các Liên hoan phim quốc tế như: Toronto, Vancouver, Pusan. Hơn nữa, bộ phim này còn làm nên kỳ tích tới rạp với con số thu được từ 1 đến 1,2 tỉ đồng/ngày. Đây chính là mơ ước của nhiều nhà sản xuất và phát hành phim Việt, ngay cả ở thời điểm Tết.

TUẤN THANH