📞

“Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”

11:26 | 07/05/2014
Là tên cuộc trưng bày nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2014), diễn ra từ ngày 5-18/5 tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Thăng Long.
Toàn cảnh trưng bày.

Với hơn 400 ảnh và tài liệu, hiện vật lịch sử tiêu biểu, cuộc trưng bày góp phần đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của cán bộ, sinh viên, đoàn viên, thanh thiếu niên và quần chúng nhân dân Thủ đô về sự lãnh đạo sáng suốt và sự chỉ đạo tài tình của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ tổng tư lệnh QĐND Việt Nam.

Toàn cảnh trưng bày.
Bên cạnh đó, trưng bày còn giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; về ý nghĩa, giá trị của chiến thắng Điện Biên Phủ và những đóng góp to lớn của các tầng lớp nhân dân và tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc chiến lịch sử này.

Các hiện vật về đồ dùng, tư trang của bộ đội, thanh niên xung phong.

Tư liệu ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nội dung trưng bày gồm 5 phần lớn, bao gồm Điện Biên Phủ - Vị trí chính trị chiến lược, Điện Biên Phủ - Trận quyết chiến chiến lược, Võ Nguyên Giáp – Vị tướng huyền thoại, Khát vọng tuổi trẻ xây dựng đất nước và Công trình nghiên cứu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Điện Biên Phủ.

Trưng bày về Đánh cứ điểm Đồi Độc Lập – Bản Kéo.
Trưng bày do Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam (thuộc T.Ư Đoàn TNCS HCM), Bảo tàng Nhân học; Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng (ĐH KHXH & NV); Cục Lưu trữ (Văn phòng T.Ư Đảng) phối hợp tổ chức.

Đông đảo sinh viên đã đến xem triển lãm để tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử nhiều dấu ấn dân tộc. Sinh viên Nguyễn Ngọc Quỳnh, Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt cho biết đã biết thông tin về trưng bày nhiều ngày trước và tranh thủ giờ ra chơi để xuống xem. Quỳnh cho biết cuộc trưng bày này rất có ý nghĩa vì “sinh viên thì ai cũng được học về Chiến dịch Điện Biên Phủ rồi nhưng không phải ai cũng đã được trực tiếp xem những tư liệu phim, ảnh, hiện vật quý giá được trưng bày ở đây. Đọc lại những câu nói, những lá thư…giúp em và các bạn khác hiểu thêm nhiều khía cạnh khác nhau, ghi nhớ nhiều hơn và cảm thấy mình thật may mắn được sinh ra trong thời kỳ hòa bình”.

Sinh viên Nguyễn Ngọc Quỳnh đọc thư của Hồ Chủ tịch và Thông cáo của Bộ Tổng Tư lệnh về Chiến dịch Tây Bắc.

Tin, ảnh: Vân Hồ