Nhỏ Bình thường Lớn

Điện Biên Phủ trên không Chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam

Trong lịch sử chiến tranh giữ nước, dân tộc ta luôn phải chống lại kẻ thù xâm lược có nền kinh tế và quân sự mạnh hơn chúng ta rất nhiều lần. Nhưng bằng ý chí quyết đánh, quyết thắng, bằng trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, chúng ta đã chiến thắng, cho dù kẻ thù đó có sức mạnh và hiếu chiến đến đâu.
Hội thảo “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không - Tầm cao bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam” tại Hà Nội, ngày 28/11/2012.

Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam ấy đã một lần nữa được Quân đội ta, nhân dân ta chứng minh bằng Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” vang dội cách đây 40 năm. Vào những ngày cuối tháng 12/1972, đế quốc Mỹ huy động một lực lượng không quân hùng hậu, chủ yếu là máy bay B.52, tiến hành cuộc không kích chiến lược, đánh phá nhiều cơ sở kinh tế, công nghiệp, khu đông dân cư... ở Hà Nội, Hải Phòng và nhiều địa phương khác trên toàn miền Bắc. Nhưng hành động “cướp trời” của Mỹ đã bị quân và dân miền Bắc, trọng tâm là Hà Nội giáng trả đòn đích đáng, làm nên một trận "Điện Biên Phủ trên không" chấn động thế giới.

Đầu tháng 10/1972, cục diện chiến tranh Việt Nam chuyển biến quan trọng. Ở miền Nam, quân và dân ta mở cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn trên ba hướng chiến trường trọng điểm: Bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Trị - Thiên giành thắng lợi lớn. Đặc biệt, trên hướng Trị - Thiên, quân và dân ta đã mở chiến dịch tiến công giải phóng cơ bản tỉnh Quảng Trị. Những diễn biến trên chiến trường đã tác động trực tiếp đến bàn đàm phán 4 bên ở Paris. Phái đoàn đàm phán chính quyền Mỹ đã chấp thuận thông qua dự thảo hiệp định "về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" do ta soạn thảo. Tuy nhiên, ngay sau khi trúng cử Tổng thống nhiệm kỳ 2, bản chất hiếu chiến và ngoan cố của chính quyền Nixon lộ rõ. Tại bàn đàm phán Paris, phái đoàn Mỹ đã lật lọng, đòi phải sửa đổi những điều rất cơ bản trong Hiệp định, nhưng ta không chấp thuận. Hội nghị đi đến bế tắc.

Sáng 28/11, tại Quân chủng Phòng không-Không quân, Bộ Quốc phòng; Ban Tuyên giáo Trung ương; Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã khai mạc Hội thảo “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không - Tầm cao bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam”.

Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức kỷ niệm cấp Nhà nước 40 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, chỉ đạo và chủ trì Hội thảo. Đồng chủ trì Hội thảo còn có các đồng chí: Trương Minh Tuấn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Tưởng Phi Chiến, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội.

Dự Hội thảo có đại biểu đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương; các tổng cục trực thuộc Bộ Quốc phòng; Quân chủng PK-KQ; TP Hà Nội; các vị lão thành cách mạng; tướng lĩnh quân đội; nhân chứng từng trực tiếp chiến đấu trong 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972.

Theo thông tin từ Ban tổ chức, có 66 tham luận được gửi về Hội thảo. Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có tham luận “Chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không - tầm cao bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh", gửi về Hội thảo.

Với mưu đồ tính toán từ trước, Chính quyền Richard Nixon huy động gần 200 máy bay B.52, 30 máy bay F.111 và hơn 1.000 máy bay tiêm kích, 6 liên đội tàu sân bay và 50 máy bay tiếp dầu KC.135... mở cuộc tập kích chiến lược bằng không quân với quy mô lớn vào Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trên miền Bắc, với mật danh “Linebacker 2”. Riêng Hà Nội, trong 12 ngày đêm, không quân Mỹ đã tập trung trên 1.000 lần chiếc (trong đó có khoảng 500 lần chiếc B.52), trút 40.000 tấn bom xuống nhiều khu dân cư: Khâm Thiên, An Dương, Uy Nỗ, Bệnh viện Bạch Mai, Yên Viên, Gia Lâm, Đông Anh, Văn Điển, Giáp Bát, Đài Phát thanh Mễ Trì... làm cho gần 2.400 người chết và 1.355 người khác bị thương. Với đòn đánh có tính chất hủy diệt đối với Thủ đô Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước ta, đế quốc Mỹ hy vọng sẽ nhanh chóng buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải trở lại bàn đàm phán, chấp nhận các yêu sách của Mỹ.

Nắm bắt chính xác âm mưu, thủ đoạn và thời điểm không kích của địch, quân và dân Thủ đô đã chủ động thiết lập một thế trận phòng không ba thứ quân hoàn chỉnh, vững chắc, nhiều tầng, nhiều lớp, chủ động vào trận với hào khí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”; sau 12 ngày đêm anh dũng chiến đấu (18/12-29/12/1972), quân và dân Thủ đô cùng các địa phương miền Bắc đã đập tan cuộc tập kích đường không của Mỹ; bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 B.52. Riêng Hà Nội bắn rơi 25 B.52. Đây thực sự là một chiến công mang tầm vóc thời đại, một trận “Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội” lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, chấp nhận rút quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới ở Việt Nam.

Tháng năm qua đi, những dấu tích một thời bom đạn cày xới mảnh đất thân yêu này có thể bị phai mờ theo quy luật của thời gian, nhưng tầm vóc và ý nghĩa của “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" vẫn mãi âm vang trong tâm trí của mỗi con người Việt Nam nói riêng và nhân loại tiến bộ nói chung. Đặc biệt, những bài học kinh nghiệm được rút ra từ đây vẫn nguyên vẹn giá trị để nghiên cứu, vận dụng cho sự nghiệp xây dựng lực lượng và thế trận chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc hôm nay.


Ý kiến của đại biểu tham dự

1. “Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” đã trở thành một sự kiện lịch sử trọng đại, một kỳ tích vô song, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” đã buộc chính quyền Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom đánh phá miền Bắc và ký Hiệp định Paris, rút hết quân viễn chinh về nước, làm thay đổi cục diện chiến tranh có lợi cho cuộc kháng chiến của ta...” Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

2. “Đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ cuối tháng 12/1972 - đỉnh cao về nghệ thuật tác chiến của không quân nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ”. Trung tướng, TS. Phương Minh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân

3. “...Căn cứ chỉ đạo của Ban Bí thư và Bộ Chính trị, trong các cuộc gặp từ ngày 8/1 đến 13/1/1973, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy cùng các thành viên của Đoàn đã tận dụng thắng lợi to lớn, oanh liệt vừa giành được trong 12 ngày đêm cuối 1972, buộc Kissinger và phía Mỹ phải chấp nhận cơ bản những nội dung đã thỏa thuận trong dự thảo Hiệp định ngày 20/10...”. PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Học viện CT-HC quốc gia Hồ Chí Minh

4. “...Với quan điểm ngoại giao độc lập, tự chủ, “dĩ bất biến, úng vạn biến”, Đảng ta đã đề ra đường lối ngoại giao phù hợp để có thể vừa tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của các nước anh em, vừa phân hóa được kẻ thù. Thắng lợi của quân và dân ta trong việc đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ vào năm 1972 nói riêng, trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài, bền bỉ của quân và dân ta trên tất cả mặt trận kinh tế, chính trị, quân sự và ngoại giao.” Thượng tá, ThS. Lê Đức Hạnh, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tùng – Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam




Đức Khải