Nhóm bao gồm đại diện của 21 nền kinh tế thành viên, là các quan chức cao cấp, đại sứ, giáo sư, đại diện các tập đoàn hàng đầu khu vực... Nhóm sẽ hoạt động trong hai năm từ 2018 – 2019, với nhiệm vụ chính là khuyến nghị mục tiêu, các trụ cột và lĩnh vực hợp tác của APEC trong giai đoạn sau năm 2020, khi APEC hoàn tất thực hiện các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư (từ 1994 – 2020). Trong gần 25 năm qua, các Mục tiêu Bogor đã trở thành định hướng chủ đạo của hợp tác APEC.
“Các thành viên Nhóm xây dựng Tầm nhìn APEC sau 2020 tiến hành cuộc họp đầu tiên tại thủ đô Port Moresby, Papua New Guinea”. (Ảnh: BC) |
Ngay sau khi thành lập, Nhóm đã tiến hành cuộc họp đầu tiên. Các thành viên đánh giá cao vai trò khởi xướng và đóng góp của Việt Nam trong việc thành lập Nhóm, nhấn mạnh đây là một dấu mốc quan trọng chuẩn bị cho APEC chuyển mình bước vào giai đoạn phát triển mới, mang lại lợi ích thiết thực hơn cho doanh nghiệp và người dân.
Cựu Ngoại trưởng Peru, Đại sứ Allan Wagner-Tizón đã được bầu làm Chủ tịch của Nhóm và Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, đại diện của Việt Nam, được lựa chọn làm Phó Chủ tịch Nhóm. Cuộc họp nhất trí sẽ hoàn tất các khuyến nghị về Tầm nhìn APEC sau năm 2020 để báo cáo lên Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2019 tại Chile. Cuộc họp lần hai của Nhóm sẽ diễn ra vào tháng Tám năm nay tại Papua New Guinea.
Đây là lần đầu tiên Papua New Guinea, một quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương, đăng cai các hoạt động của Diễn đàn APEC. Nền kinh tế chủ nhà đã tích cực phối hợp với Việt Nam, phát huy những kết quả đạt được của Năm APEC Việt Nam 2017, nhất là các sáng kiến về xây dựng Tầm nhìn APEC, phát triển bao trùm, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào hợp tác chung.