Các phóng viên tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí của Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2021 (BFA) ngày 20/4. (Nguồn: AFP) |
Hãng thông tấn Tân Hoa xã cho rằng ảnh hưởng của Diễn đàn này ngày càng gia tăng, là minh chứng cho quá trình mở cửa và hội nhập của Trung Quốc với châu Á và thế giới trong thời gian qua.
Năm 2020, diễn này không được tổ chức do đại dịch Covid-19. Năm nay, khi nối lại diễn đàn này, vốn được coi là Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos phiên bản châu Á, Bắc Kinh đang muốn phát đi tín hiệu nước này muốn mở cửa trở lại cho hoạt động kinh doanh.
Tin liên quan |
Cạnh tranh Mỹ-Trung: Hai thế lực, một trung tâm |
Trang mạng macaubusiness.com dẫn lời ông Eddie Chen - trưởng chi nhánh tại Trung Quốc và châu Á của Eurazeo, một tập đoàn đầu tư có trụ sở ở Pháp - nhận định rằng những biện pháp mở cửa kinh tế gần đây của Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, đã tạo ra những cơ hội lớn để các tập đoàn đa quốc gia tận dụng.
Trước đây, giới chức Trung Quốc tham gia BFA thường tận dụng sự kiện này để tuyên bố những bước đi quan trọng nhằm mở cửa hệ thống tài chính, bao gồm việc thiết lập và mở rộng chương trình kết nối chứng khoán vốn giúp liên kết thị trường chứng khoán đại lục với Hong Kong.
Thách thức vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ
Phát biểu tại Diễn đàn trên, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói: “Các vấn đề quốc tế cần được tiến hành thông qua đối thoại, thảo luận, và vận mệnh tương lai của thế giới cần được quyết định bởi tất cả các nước. Một hoặc một vài nước không nên áp đặt luật lệ của họ đối với các nước khác, và thế giới không nên được dẫn dắt bởi chủ nghĩa đơn phương của một vài nước”.
Tuy nhiên, trong phát biểu này, ông Tập Cận Bình không đề cập cụ thể đến Mỹ.
Trong một chỉ trích ngầm đối với Washington về việc giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc và cấm xuất khẩu sang Trung Quốc những mặt hàng như vi mạch máy tính thế hệ mới, ông Tập Cận Bình nói “bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây rào cản hoặc những nỗ lực phân tách đi ngược lại những nguyên tắc kinh tế và thị trường sẽ chỉ gây thiệt hại cho các nước khác mà không đem lại lợi ích gì cho chính họ”.
Trung Quốc đang huy động mọi nỗ lực để cải thiện quan hệ với giới doanh nghiệp Mỹ. BFA năm nay ghi nhận sự tham gia lẻ tẻ của một vài lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ như Giám đốc điều hành Tập đoàn Apple Tim Cook, Tỷ phú Elon Musk, doanh nhân sở hữu Tập đoàn công nghệ Tesla và SpaceX và ông Ray Dalio, người sáng lập và là đồng Chủ tịch quỹ đầu cơ Bridgewater Associates.
Thiếu vắng cam kết về biến đổi khí hậu
Trong bài phát biểu của mình, mặc dù nhiều lần đề cập đến những từ như “xanh” hoặc “bền vững”, song ông Tập Cận Bình không hề đưa ra bất kỳ cam kết mới hoặc mục tiêu mới nào liên quan nỗ lực của Bắc Kinh trong cắt giảm khí thải carbon hoặc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.
Trước đó, Bắc Kinh đã nhất trí sẽ hợp tác cùng Mỹ để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu khi đặc phái viên của Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu John Kerry đến thăm Trung Quốc từ ngày 14-17/4 vừa qua. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ tham dự hội nghị trực tuyến về biến đổi khí hậu trong 2 ngày 22-23/4 theo lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Theo dữ liệu do các ngân hàng phát triển nhà nước Trung Quốc tổng hợp mà Trung tâm Dữ liệu Tài chính Năng lượng Toàn cầu thuộc trường Đại học Boston (Mỹ) có được, kể từ năm 2019, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi triển khai chiến lược chính sách đối ngoại đi theo xu hướng phát triển xanh, mang đặc trưng của nước này. Tuy nhiên, gần 2/3 vốn đầu tư cho các sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng của nước này lại rót vào các dự án dầu mỏ, than đá và khí tự nhiên.
Tin liên quan |
Đấu trường mới trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung |
Theo một bản tin khác của Bloomberg, Trung Quốc cam kết trung hòa carbon vào năm 2060. Tuy nhiên, ông Ma Jun - cựu cố vấn về chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - cảnh báo rằng cam kết đó có thể gây ra những tác động đối với lĩnh vực tài chính của nước này.
Chuyên gia này giải thích: “Các nhà máy và ngành công nghiệp phát thải khí carbon quy mô lớn ở Trung Quốc sẽ không thể tồn tại trong vòng 30 năm tới nếu họ không thể cắt giảm lượng phát thải của mình và điều này sẽ gây ra những rủi ro tài chính to lớn”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thừa nhận Washington đang tụt lại phía sau Trung Quốc trong cuộc đua nắm bắt cơ hội từ vấn đề biến đổi khí hậu. Vấn đề này đang ngày càng chiếm vị trí chủ đạo trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Ông Blinken tuyên bố, chính quyền Biden sẽ không để những nước vi phạm nhân quyền “được yên” vì họ tiếp tục cản trở vấn đề biến đổi khí hậu. Lập luận này dướng như nhằm bác lại những chỉ trích ngày càng gia tăng, đặc biệt từ phe Cộng hòa, cho rằng đặc phái viên về khí hậu toàn cầu của Mỹ John Kerry có thể đánh đổi những lợi ích của Mỹ để thúc đẩy hợp tác về vấn đề biến đổi khí hậu với Trung Quốc.
Trung Quốc muốn Mỹ trở lại CPTPP
Phát biểu tại Diễn đàn, cựu quan chức thương mại cấp cao Trung Quốc Long Yongtu nói rằng để thực sự tự do hóa thương mại và đầu tư ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc hy vọng có thể trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Mỹ cũng sẽ tham gia trở lại Hiệp định này.
Ông Long cho rằng, khả năng đạt được điều này không dễ dàng song hy vọng cả Mỹ và Trung Quốc sẽ nỗ lực.
Trước đó, Bắc Kinh cho biết đang cân nhắc tham gia CPTPP. Trong khi đó, Mỹ từng là một bên tham gia đàm phán khi thỏa thuận này còn ở định dạng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho đến khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp định này.
Cũng tại khuôn khổ sự kiện này, Bloomberg cho biết, Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc đã tận dụng cơ hội để “đánh bóng” sức mạnh và lợi ích của mạng không dây thế hệ thứ 5 (5G) và các sản phẩm công nghệ của Huawei.