Diễn đàn Đầu tư thế giới (WIF) lần thứ 8 của UNCTAD đã khai mạc vào ngày 16/10 tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE).
Diễn đàn quy tụ 8.000 người tham gia với hơn 130 sự kiện trong tuần lễ 16-20/10, tập trung vào những thách thức đầu tư mà các nước đang phát triển phải đối mặt trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu ngày nay.
Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan (trái) và các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tư, Diễn đàn Đầu tư thế giới ở Abu Dhabi. (Nguồn: UNCTAD) |
Lễ khai mạc có sự hiện diện của Thái tử Abu Dhabi Sheikh Khaled bin Mohamed bin Zayed Al Nahyan, Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan, Phó Quốc vương Dubai Sheikh Maktoum bin Mohammed bin Rashid Al Maktoum, Tổng thống Timor-Leste José Ramos-Horta, và Tổng thống Togo Faure Essozimna Gnassingbé.
Tham gia Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại các phiên họp: Hội nghị bàn tròn cấp Bộ trưởng về Doanh nghiệp; Phiên cấp cao về chuyển đổi năng lượng công bằng: quan điểm từ Indonesia, Nam Phi và Việt Nam; Phiên cấp cao về đầu tư trong quá trình chuyển đổi năng lượng và Phiên thảo luận về Công nghiệp 4.0 và tương lai của đầu tư toàn cầu. Việt Nam cũng tham gia gian hàng quảng bá ở Làng đầu tư tại Trung tâm triển lãm quốc gia Abu Dahbi.
Huy động tài chính và đầu tư vào các mục tiêu SDGs
Lễ khai mạc WIF được nối tiếp với “Hội nghị Thượng đỉnh đầu tư các nhà lãnh đạo toàn cầu 2023”, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng như an ninh lương thực, chuyển đổi năng lượng, hệ thống y tế, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và nâng cao năng lực sản xuất ở các quốc gia nghèo nhất thế giới.
Các cuộc thảo luận tập trung đánh giá tác động của các cuộc khủng hoảng lương thực, nhiên liệu và tài chính gần đây đối với đầu tư quốc tế cũng như vai trò của tài chính quốc tế và đầu tư xuyên biên giới trong việc định hình một tương lai toàn cầu toàn diện và tự cường hơn.
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres kêu gọi những người tham gia Diễn đàn, bao gồm các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo doanh nghiệp, các sàn giao dịch chứng khoán bền vững, quỹ tài sản và các chuyên gia, đưa Gói kích thích phát triển bền vững (SDGs) đi vào hiệu lực và hướng tới cung cấp 500 tỷ USD đầu tư hàng năm cho các nước đang phát triển. Tổng thư ký cũng kêu gọi các chính phủ thiết lập mức giá hợp lý đối với carbon và các công ty thực hiện các kế hoạch không phát thải đáng tin cậy.
Diễn đàn nhấn mạnh sự cần thiết thu hẹp khoảng cách đầu tư trị giá 4 nghìn tỷ USD mà các nước đang phát triển phải đối mặt để đạt được SDGs, đặc biệt là về an ninh lương thực và bảo vệ đa dạng sinh học.
Đầu tư vào chuyển đổi hệ thống lương thực
Diễn ra vào Ngày Lương thực Thế giới (16/10), trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn do đại dịch Covid-19 và xung đột ở Ukraine, UNCTAD và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của các hệ thống lương thực và nông sản trong việc giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng, nghèo đói, mất đa dạng sinh học cũng như biến đổi khí hậu.
Tổng Giám đốc FAO Dongyu Qu cho biết việc chuyển đổi hệ thống lương thực sẽ tiêu tốn 680 tỷ USD hàng năm từ nay đến năm 2030 ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Do đó, cần phải thu hút đầu tư hiệu quả của khu vực công và tư nhân vào các hệ thống thực phẩm nông nghiệp để giảm tình trạng mất an ninh lương thực và thúc đẩy việc làm ở nông thôn, đặc biệt là đối với phụ nữ và thanh niên.
Việc chuyển hướng đầu tư lớn hơn vào tài chính bền vững trên thị trường vốn toàn cầu sang sản xuất lương thực ở những lĩnh vực cần thiết nhất sẽ đòi hỏi phải giải quyết các thách thức về rủi ro, năng lực thể chế, xúc tiến đầu tư và tạo thuận lợi cho kinh doanh.
Đầu tư vào chuyển đổi năng lượng công bằng thích ứng với biến đổi khí hậu
Để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C so với mức tiền công nghiệp, thế giới cần khoản đầu tư tương đương 1,5 lần GDP toàn cầu hiện nay vào năm 2050. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tham dự và phát biểu tại Phiên cấp cao về chuyển đổi năng lượng công bằng: Quan điểm từ Indonesia, Nam Phi và Việt Nam do UNCTAD và ESCAP chủ trì. (Nguồn: ESCAP) |
Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan cho biết quá trình chuyển đổi năng lượng, một yếu tố quan trọng trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải có sự đầu tư đáng kể. Theo đó, UNCTAD kêu gọi phân bổ nguồn tài chính cho các cam kết phát thải ròng bằng không để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng ở các nền kinh tế đang phát triển. Lời kêu gọi này nhấn mạnh đến nhu cầu thiết yếu về vốn ở những quốc gia này, nơi có nhiều cơ hội tăng trưởng đáng kể.
Với chủ đề "Đầu tư vào phát triển bền vững", WIF8 cũng liên quan đến các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu toàn cầu sắp tới tại COP28. Diễn đàn thúc đẩy đầu tư và tài chính cho khí hậu, cung cấp nền tảng quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách tìm ra giải pháp và hỗ trợ các cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu.
WIF 2023 đã kết thúc vào ngày 20/10 với lời kêu gọi mạnh mẽ tới các nhà đầu tư đóng vai trò then chốt trong việc định hình lại nền kinh tế thế giới và nắm bắt các cơ hội mới do quá trình chuyển đổi các ngành năng lượng, nông nghiệp và y tế để mang lại và các giải pháp thay đổi cho phát triển bền vững.
Diễn đàn cũng công bố một bộ công cụ chính sách đầu tư mới, bao gồm việc xác định 50 đặc khu kinh tế kiểu mẫu SDG, ra mắt diễn đàn đa bên về cải cách các hiệp định đầu tư quốc tế và hợp tác với Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc để thiết lập các nguyên tắc hướng dẫn đầu tư du lịch bền vững. Ngoài ra, một số đối tác hợp tác mới và dự án hỗ trợ kỹ thuật cũng được công bố.
Diễn đàn Đầu tư thế giới lần thứ 9 sẽ diễn ra vào năm 2025.