Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu phát biểu tại Hội thảo. |
Sự kiện có sự tham dự của gần 200 đại biểu đến từ các Bộ, ngành Việt Nam, chuyên gia kinh tế, đại diện của các hiệp hội và doanh nghiệp hoạt động trong hai lĩnh vực trên đến từ Việt Nam và Ấn Độ.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Đại sứ Phạm Sanh Châu cho rằng, Việt Nam và Ấn Độ đứng trước những cơ hội lớn từ chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Hai nước cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng để đón đầu xu thế phục hồi sau khủng hoảng Covid-19.
Theo đó, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt-Ấn là sáng kiến của Đại sứ quán nhằm tổ chức một chuỗi sự kiện trực tiếp và trực tuyến, giúp doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ ở các lĩnh vực khác nhau chia sẻ thông tin, trao đổi các cơ hội và thách thức, đồng thời thảo luận về cách thức liên minh, liên kết, kết nối kinh doanh. Dệt may và y tế là hai lĩnh vực Việt Nam và Ấn Độ có nhiều tiềm năng hợp tác và phát triển.
Về dệt may, dù cả hai nước đều có thế mạnh về xuất khẩu hàng may mặc và doanh nghiệp hai nước cạnh tranh với nhau tại một số thị trường. Tuy nhiên, họ cũng là đối tác có thể bổ trợ lẫn nhau trong chuỗi cung ứng. Với ngành công nghiệp sợi và vải rất phát triển, có thể sản xuất hầu hết các loại vải và nguyên phụ liệu cho ngành may mặc hiện nay trên thị trường, Ấn Độ có thể là nguồn cung cấp vải và sợi chất lượng cho Việt Nam và giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, với tổng quy mô toàn ngành dệt may Ấn Độ đạt khoảng 140 tỷ USD với nhu cầu đa dạng, Ấn Độ cũng là thị trường hấp dẫn và rộng lớn đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Về y tế, Việt Nam là một đối tác nhiều tiềm năng. Với nền kinh tế năng động và phát triển nhanh chóng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Việt Nam cũng tăng lên. Việt Nam tiêu thụ trung bình 60.000 tấn dược phẩm mỗi năm. Việt Nam hiện cũng là một trong hai nước ở Đông Nam Á xuất khẩu các sản phẩm bảo hộ y tế phục vụ chống Covid-19. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhu cầu về một số sản phẩm bảo hộ y tế tại Ấn Độ là rất lớn.
Trong khi đó, Ấn Độ hiện đứng thứ ba và thứ 14 trên toàn cầu về khối lượng và giá trị dược phẩm. Các công ty dược phẩm hàng đầu của Ấn Độ đã nhận được chứng chỉ quốc tế từ Mỹ, EU và Australia. Việc sản xuất thiết bị y tế, thiết bị phẫu thuật và máy móc dược phẩm ở Ấn Độ đã phát triển mạnh. Ngoài thành phẩm, Ấn Độ còn cung cấp nguyên phụ liệu dược phẩm cho thị trường Việt Nam. Hợp tác để nghiên cứu và sản xuất vaccine ngừa Covid-19 cũng là một lĩnh vực hết sức tiềm năng.
Gần 200 đại diện doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ tham dự Hội thảo. |
Tham dự hội thảo, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, chuyên gia của Bộ Công Thương khẳng định, ngành dệt may đóng vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và là ngành xuất khẩu chủ lực thứ 2 của Việt Nam. Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức do Covid-19 và việc gián đoạn nguồn cung. Với các FTA quan trọng được ký kết như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Việt Nam mong muốn hợp tác nhiều hơn với Ấn Độ để đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và xuất xứ hàng hóa, qua đó tận dụng triệt để lợi thế của các FTA này.
Bà Hoàng Ngọc Ánh, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, trước dịch Covid-19, Hiệp hội thường xuyên tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia các sự kiện và hội chợ liên quan tại Ấn Độ. Bà Ánh cũng cho rằng sau khi dịch Covid-19 Ấn Độ là một đối tác đáng tin cậy, không chỉ cung cấp nguồn nguyên liệu mà còn máy móc cho Việt Nam.
Người sáng lập Hiệp hội Công nghiệp thiết bị y tế Ấn Độ, ông Rajiv Nath cho biết, với sáng kiến “Make in India” của Thủ tướng Modi, Hiệp hội hướng mục tiêu thu hút đầu tư hơn 10 tỷ USD thông qua 1.200 hợp tác công nghệ và 200 dự án chung với các nhà đầu tư nước ngoài. Hiệp hội cũng đang cùng một số đối tác Nhật Bản và Đức sản xuất đồ bảo hộ. Hiện Ấn Độ có thể tự sản xuất hầu hết các dụng cụ và trang thiết bị y tế.
Cũng tại Hội thảo, nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ đã có bài trình bày về thế mạnh, năng lực và nhu cầu hợp tác. Các doanh nghiệp nhất trí Covid-19 đã làm ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực nhưng cũng là bài học quan trọng để đa dạng hóa nguồn cung và hợp tác.
Đại sứ Phạm Sanh Châu ghi nhận đề xuất của các doanh nghiệp và đã chỉ đạo xây dựng một nhóm adhoc để làm đầu mối, thúc đẩy trao đổi và kết nối giữa doanh nghiệp hai nước.
Hội thảo trực tuyến “Thúc đẩy quan hệ doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ trong lĩnh vực dệt may và y tế” ngày 10/9 là sự kiện đầu tiên của sáng kiến “Diễn đàn Doanh nghiệp Việt-Ấn”. Với sáng kiến này, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ dự kiến sẽ tổ chức 10 hội thảo về những ngành, lĩnh vực nhiều tiềm năng hợp tác song phương nhất như du lịch, đầu tư, xúc tiến thương mại về trái cây, vật liệu xây dựng, dệt may và y tế.