📞

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022: Hoàn thiện chính sách đất đai trong ngữ cảnh mới và quan tâm chuyển dịch cơ cấu lao động

Gia Thành 11:56 | 18/09/2022
Cải cách thể chế-hoàn thiện chính sách về đất đai, thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động là hai vấn đề "nóng" được thảo luận sôi nổi tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022.

Sáng nay (18/9), trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022 đã diễn ra Hội thảo chuyên đề 1 với chủ đề về đẩy mạnh cải cách thể chế-hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Toàn cảnh Chuyên đề 1 với chủ đề về đẩy mạnh cải cách thể chế - hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. (Nguồn: Quốc hội)

Hoàn thiện chính sách đất đai phù hợp với ngữ cảnh mới

Trình bày tham luận đầu tiên tại Hội thảo chuyên đề 1, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều nghiên cứu trước đây đã ghi nhận mối quan hệ chặt chẽ giữa thể chế và phát triển.

Mặc dù các quốc gia khác nhau có cách thức tổ chức kinh tế và chính trị không giống nhau, nhưng các dữ liệu nghiên cứu cho thấy rằng có sự tương quan mật thiết giữa thứ hạng cao về chất lượng thể chế với sự thịnh vượng của một quốc gia. Hoàn thiện thể chế là yêu cầu có tính tất yếu, khách quan đối với sự phát triển của một quốc gia.

Đối với Việt Nam, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, cải cách và hoàn thiện thể chế luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chú trọng trong quá trình đổi mới đất nước. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với quá trình cải cách và hoàn thiện thể chế của Việt Nam.

Trong đó, có ba xu hướng lớn toàn cầu dự kiến sẽ ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện thể chế của Việt Nam, đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, sự tăng tốc của nền kinh tế số, sự gia tăng mạnh mẽ của các sáng kiến xanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh: "Bối cảnh đặc biệt này không chỉ đặt ra yêu cầu khắc phục, giảm thiểu những thiệt hại do dịch bệnh gây nên mà còn phải tận dụng được những yếu tố thời cơ, thuận lợi, khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực để vượt qua giai đoạn khó khăn, tiến tới phục hồi và phát triển với tư duy mới và tầm chiến lược mới.

Do vậy, cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác xây dựng và thi hành pháp luật; tăng cường năng lực cho các chủ thể tham gia công tác xây dựng và thi hành pháp luật; tiếp tục nghiên cứu cải tiến quy trình lập pháp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật; tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra, rà soát văn bản, sơ kết, tổng kết việc thi hành".

Đánh giá về Luật đất đai 2013, theo GS.TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, luật này có chủ trương chủ đạo về cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch, từ đó đưa đất ra đấu giá để có thể thu tiền sử dụng và tiền thuê đất nhiều hơn cho Nhà nước.

Tuy nhiên đến nay, việc thực hiện cơ chế thu hồi đất theo quy hoạch để đưa đất ra đấu giá còn khó khăn. Quỹ phát triển đất không đủ để giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất.

Mặt khác, có thể thấy, cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch đòi hỏi lượng kinh phí rất lớn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là điều khó thực hiện, nhất là đối với khu vực đã thu hồi đất không được các nhà đầu tư quan tâm. Từ đó, dẫn tới việc đất đai rơi vào tình trạng lãng phí do thu hồi nhưng không thể đưa vào sử dụng.

Vì vậy, để hoàn thiện chính sách đất đai phù hợp với ngữ cảnh mới, GS. TS. Đặng Hùng Võ nêu rõ, việc sửa đổi Luật Đất đai phải được coi như một yếu tố quan trọng, có tác động lớn đến mục tiêu đưa Việt Nam từ nước có thu nhập trung bình thấp thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Cùng với đó, trong việc sửa đổi Luật Đất đai cần thảo luận thêm một số vấn đề như quản lý sử dụng đất đa mục đích; hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai dạng địa chính 3D, 4D; chuyển đổi số trong quản lý đất đai; hoàn thiện cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…

Về cải cách đột phá trong sửa đổi Luật Đất đai lần này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, 11 nhóm chính sách lớn của Nghị quyết 18 đều là các vấn đề cốt lõi, ảnh hưởng sâu rộng đến nền tảng của nền kinh tế, đời sống của người dân.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong quản lý nhà nước về đất đai, quy hoạch là một trong những công cụ quan trọng nhất.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: "Công tác quy hoạch phải đổi mới về phương pháp, nội dung, hình thức, xác lập vị thế của công tác này, để quy hoạch mang được quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước trong việc phân bổ nguồn lực tài nguyên hết sức đặc biệt, quý giá và quan trọng này.

Nội dung đổi mới này sẽ đảm bảo công bằng, bình đẳng cho các bên, giải quyết nhu cầu sử dụng đất, giải quyết các vấn đề trong quá khứ, hiện tại và tương lai".

Toàn cảnh chuyên đề 2 với chủ đề thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững. (Ảnh: Gia Thành)

Cần quan tâm đến việc chuyển dịch cơ cấu lao động

Song song với Hội thảo chuyên đề 1, Hội thảo chuyên đề 2 diễn ra với với chủ đề thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, đại dịch Covid-19 đã gây tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng.

Trong bối cảnh đó, các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhóm doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch đã được Đảng và Nhà nước triển khai liên tục và kịp thời trong thời gian vừa qua. Các chính sách này đã có tác dụng hỗ trợ và thúc đẩy xu hướng phục hồi tính cực của các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, bảo đảm nguồn cung tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tập trung vào nhóm nhiệm vụ liên quan tới Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê cho rằng, các chính sách đưa ra đã được tính toán kỹ lưỡng, phối hợp với nhau tốt, không ảnh hưởng lớn đến các cân đối chủ chốt của nền kinh tế, sự an toàn tín dụng của hệ thống ngân hàng, các chỉ số kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, nhưng vẫn duy trì dư địa để tiếp tục xây dựng, thực hiện các giải pháp trong giai đoạn tiếp theo.

Tính đến ngày 22/7, gói hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã giải ngân khoảng 196,7 tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 340 nghìn người lao động đang làm việc trong 3,3 nghìn đơn vị sử dụng lao động; hỗ trợ 5,1 tỷ đồng cho gần 5000 người lao động quay trở lại làm việc tại khoảng 600 doanh nghiệp.

Thị trường lao động dần phục hồi tích cực, trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 51,4 triệu người, cao hơn 0,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước; lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,3 triệu người, tăng 417 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê nhấn mạnh: "Nhìn chung, các chính sách, giải pháp đã rất chủ động, linh hoạt và kịp thời giúp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì một mặt bằng tỷ giá, lãi suất hợp lý, cơ bản ổn định so với các nước lớn và trong khu vực đang chịu nhiều biến động, qua đó giúp xu hướng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng được củng cố và phát triển tích cực".

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội TS. Lâm Văn Đoan nhận thấy, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, những suy giảm hoạt động kinh tế toàn cầu, nhất là sự phục hồi chậm chạp của chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đang tác động đến sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Vì vậy, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, xã hội hiện nay cần quan tâm đến việc chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm về cả ngành nghề, địa bàn không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời trong một số ngành, lĩnh vực; chất lượng lao động còn hạn chế, tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức lớn.

Trên cơ sở những khuyến nghị, tư vấn của Tổ chức Lao động quốc tế, đối với Việt Nam trong giai đoạn 2022-2026, công tác xây dựng pháp luật cần quan tâm xây dựng khung thể chế thúc đẩy việc làm bền vững, cải cách/đổi mới hệ thống chính sách an sinh xã hội thông qua sửa đổi, bổ sung các Luật: Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Việc làm, An toàn, vệ sinh lao động; nghiên cứu, rà soát hoàn thiện pháp luật về tố tụng lao động; bảo trợ xã hội; chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi, người khuyết tật.

Bên cạnh đó, từ góc độ quản lý nhà nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, cần giải quyết các vấn đề tồn tại, thách thức như tỷ lệ việc làm phi chính thức còn ở mức cao, tỷ lệ lao động chưa qua bất cứ hình thức đào tạo nghề nào còn cao, trình độ tay nghề của người lao động còn thấp, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài/người lao động di cư trong nước còn gặp nhiều khó khăn...

Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh thông tin, sau hai năm ứng phó với Covid-19, các doanh nghiệp phải tạm đóng cửa hay giải thể thì phần lớn do khó khăn về tài chính, đặc biệt là khó khăn về dòng tiền để duy trì các hoạt động thường xuyên.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch thì lại gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, thiếu hụt cả số lượng và thiếu hụt kỹ năng của người lao động.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và không ưu tiên cho các hoạt động đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, cải thiện năng lực cạnh tranh.

Bà Hà Thu Thanh nhận định: "Năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp được cộng hưởng và gia tăng khi được chia sẻ một cách đầy đủ trong sự kết nối với các hiệp hội ngành nghề, cũng như nhận được sự lắng nghe, hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, từ địa phương đến Trung ương.

Điều này cũng thể hiện cho sự quan tâm và cùng đồng hành, chia sẻ giá trị và trách nhiệm của các cơ quan quản lý với cộng đồng doanh nghiệp".

Ngoài ra, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam kiến nghị, Chính phủ cần có một cơ chế cho các doanh nghiệp đang đi tiên phong về môi trường, với các thể chế liên quan đến những ưu tiên, ưu đãi về thuế và đất đai cho những địa điểm đặt các nhà máy sản xuất, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.