📞

Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng 2024: Vươn mình trong biến động

HÀ ANH 14:00 | 06/04/2024
Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng 2024 (Vietnam Global Leaders Forum - VGLF 2024) đã thành công tốt đẹp tại Pháp, mang lại nhiều khát vọng và niềm tin trong việc xây dựng và phát triển nước nhà.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu trực tuyến chúc mừng sự kiện. (Nguồn: AVSE Global)

Do Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) tổ chức tại thủ đô Paris ngày 30-31/3, VGLF 2024 thu hút sự tham gia của gần 100 đại biểu người Việt và gốc Việt xuất sắc trên toàn cầu, trong nhiều lĩnh vực, có tầm ảnh hưởng và khả năng hành động cho sự phát triển của Việt Nam.

Với chủ đề “Việt Nam vươn mình trong biến động”, diễn đàn đã mang đến một không gian gắn kết và đối thoại giữa những người có ảnh hưởng của Việt Nam và quốc tế, trên tinh thần cộng tác và xây dựng.

Trong thông điệp gửi đến diễn đàn, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng chúc mừng AVSE Global vì có sáng kiến tiếp tục tổ chức VGLF nhằm kết nối các nhân tài người Việt, thu nhận các ý tưởng mới đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước.

Thứ trưởng cho biết, thời gian qua, dù đứng trước khó khăn và thách thức của tình hình kinh tế, chính trị an ninh thế giới, nhưng với nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, đồng bào cả trong và ngoài nước, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, nắm lấy cơ hội để đạt nhiều thành tựu trên mọi mặt.

Tin tưởng cộng đồng người Việt ngày càng lớn mạnh, có vị thế, đóng góp tích cực cho nước sở tại, hướng về quê hương, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng mong có sự chung tay, góp sức của bà con trước những thách thức mới của đất nước nhằm thực hiện mục tiêu phát triển ngày càng thịnh vượng và bền vững.

Đặc biệt, năm nay nhân kỷ niệm 20 năm ra đời Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”, Hội nghị người Việt Nam toàn thế giới lần thứ hai và Diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài dự định sẽ được tổ chức vào tháng 8.

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn trân trọng những ý kiến đóng góp đầy trách nhiệm của đội ngũ chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ cao, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu… cũng như mong muốn nhận được nhiều sự hiến kế cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới”.

Quang cảnh một phiên thảo luận tại diễn đàn. (Nguồn: AVSE Global)

Chung một tấm lòng hướng về quê hương

Có thể thấy, VGLF 2024 chính là dịp để những người con Việt Nam, với tấm lòng hướng về quê hương, cùng nhau thảo luận để chung tay giúp Việt Nam vượt qua những thách thức phía trước.

GS.TS. Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch AVSE Global, bày tỏ niềm vui khi diễn đàn năm nay là “sự hội tụ trí tuệ, tri thức, tinh thần, năng lượng và tinh hoa văn hoá Việt Nam”. Theo ông, trong môi trường quốc tế thay đổi liên tục và khó dự đoán như hiện nay, Việt Nam cần tìm con đường riêng hướng tới sự bền vững, công bằng và thịnh vượng.

Tại đây, các diễn giả là những chuyên gia, nhà khoa học tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực như vật lý, toán học, trí tuệ nhân tạo, y tế, năng lượng và phát triển xanh... cùng nhau trao đổi, thảo luận và chia sẻ quan điểm.

Với nhiều chủ đề đa dạng, các câu chuyện cụ thể mang tính thời sự đã thể hiện mối quan tâm của các diễn giả đến sự phát triển của đất nước trong bối cảnh thế giới đầy biến động.

Theo BS. TS. Võ Toàn Trung, Trưởng khoa Phục hồi chức năng của Bệnh viện Bullion (Pháp), muốn xây dựng một đất nước phồn vinh phải có con người mạnh và cần phải tập hợp họ lại thành những nhóm người mạnh để tạo thành nguồn lực lớn.

Bên cạnh tận dụng nguồn lực này, Nhà nước cần hỗ trợ về mặt chính sách và kết nối để xây dựng một hệ thống thực sự là chỗ dựa vững chắc cho Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.

Ông Eric Nguyễn, chuyên gia phát triển sản phẩm kỹ thuật sáng tạo của SAP, một công ty phần mềm lớn nhất châu Âu có trụ sở tại Đức, nhấn mạnh rằng sự kiện này cùng với Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã tạo điều kiện cho những người Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài có cơ hội đóng góp cho nước nhà.

Là thành viên Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Đức, ông Eric Nguyễn cho biết mạng lưới đã tập hợp được 45 chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ thông tin, chế tạo máy, thiết bị y tế, mong muốn kết nối với các chuyên gia để đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

Tại Anh, ông Nguyễn Xuân Huấn, Giáo sư truyền thông kỹ thuật số, Đại học Middlesex, London cho biết Hội Trí thức Việt Nam tại Anh hiện đã tập hợp 150 giáo sư làm việc tại hơn 70 trường đại học. Các thành viên trong hội luôn mong muốn chia sẻ với Việt Nam những kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng nghiên cứu các công nghệ tiên tiến, tư vấn các chính sách và hợp tác với Việt Nam trong những dự án cụ thể để đáp ứng nhu cầu của đất nước.

Các đại biểu, diễn giả của sự kiện chụp ảnh lưu niệm. (Nguồn: AVSE Global)

Tìm con đường hướng tới sự thịnh vượng

Tại diễn đàn, ông Philipp Rösler - Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Thụy Sỹ, nguyên Phó Thủ tướng Đức, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Quỹ đầu tư VinaCapital Ventures, Thụy Sỹ cho biết hiện nay nhiều cuộc xung đột, sự thay đổi chính trị vẫn đang diễn ra tại các nước trên thế giới.

Ông chia sẻ: “Hơn lúc nào hết, đây là lúc chúng ta cần hợp sức lại với nhau, cũng là cách tốt nhất để cùng phát triển. Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử, trong mỗi cuộc xung đột thì luôn luôn có giải pháp, tiếng nói của hòa bình. Nhiều tín hiệu tốt cho Việt Nam trong bối cảnh ngày nay là các quyết định chiến lược của Chính phủ hiện đang có hiệu lực”. Theo ông Philipp Rösler, Việt Nam hiện đang ở đúng cơ hội, thời điểm để tìm ra con đường hướng tới sự thịnh vượng. Bên cạnh đó, Việt Nam là đất nước trung lập trong nhiều thế kỷ tìm ra nhiều giải pháp hòa bình, có thể đóng vai trò vì lợi ích của nhân loại.

Nói về thời cơ cho đất nước, GS. Ngô Bảo Châu cũng cho rằng thời kỳ biến động dù có rủi ro nhưng cũng là cơ hội để người Việt Nam thay đổi, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn, phát huy được nhiều tiềm năng hơn. Chia sẻ tình cảm với quê hương, nhà khoa học nổi tiếng hiện đang công tác tại Khoa Toán, Đại học Chicago, Mỹ, nhấn mạnh: “Chúng ta có may mắn được đi đây đó, thấy thế giới ở đâu cũng như nhà mình. Tuy nhiên, chỉ khi về nơi để có thể thắp một nén hương – một nơi đặc biệt, có ý nghĩa riêng, chúng ta càng ý thức mình là người Việt Nam”.

Bà Trần Tuệ Tri, CEO Pharmacity, chuyên gia thương hiệu, tác giả cuốn sách “Thương hiệu Việt Nam - Thời khắc vàng” bày tỏ quan điểm: “Chúng ta thường quen nhìn Việt Nam ở góc độ từ trong ra với thái độ phát xét. Tuy nhiên, khi có cơ hội nhìn Việt Nam ở góc độ bên ngoài vào sẽ thấy được rất nhiều điểm mạnh, nhiều tiềm năng. Khi xây dựng được thương hiệu quốc gia Việt Nam thì những giá trị của con người Việt Nam sẽ được nhân lên”.

Như Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng việc xây dựng và triển khai chính sách nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững bao trùm và luôn nỗ lực đẩy nhanh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam chú trọng con người, những giá trị nhân văn để phát triển văn hóa, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Hy vọng rằng, qua diễn đàn này, các đại biểu đã giao lưu, thu nhận được tri thức, kinh nghiệm và thực tiễn tốt với nhiều góc nhìn khác nhau, từ đó đưa ra các ý tưởng, đề xuất, sáng kiến về việc xây dựng và triển khai chính sách nhằm bảo đảm sự thịnh vượng bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau.