Tham dự còn có Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Chủ tịch VCCI Nguyễn Tiến Lộc; Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba; cùng đông đảo doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc.
Việt Nam - “con hổ” mới về kinh tế của châu Á!
Bác Ngao là diễn đàn có tầm ảnh hưởng lớn nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương với 18 năm thành lập và phát triển. Trong đó, Trung Quốc là chủ nhà vĩnh viễn của Diễn đàn này và Việt Nam cũng là thành viên của diễn đàn.
Tổng thư ký Diễn đàn châu Á Bác Ngao Lý Bảo Đông cho biết, Việt Nam được các tổ chức uy tín trên thế giới đánh giá là con hổ mới về kinh tế của châu Á. |
“Đây là lần đầu tiên Diễn đàn châu Á Bác Ngao được tổ chức tại Việt Nam và được kỳ vọng rất cao về kết quả của nó”, ông Lý Bảo Đông cho biết. Ông cho rằng, Diễn đàn hôm nay là bước đi đầu tiên của Diễn đàn châu Á Bác Ngao trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại cùng có lợi giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Nói về nền kinh tế Việt Nam, Tổng Thư ký Lý Bảo Đông khẳng định, Việt Nam là nền kinh tế quan trọng và nằm trong số các nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất của thế giới. Ông nhận định, trong những năm qua, Việt Nam đã kiên trì mô hình phát triển dựa vào nâng cao năng suất lao động, cải cách và sáng tạo. Công cuộc xây dựng kinh tế đạt được nhiều kết quả, GDP bình quân năm từ 6,8% trở lên, năm nay dự kiến sẽ đạt 7%.
“Việt Nam được các tổ chức uy tín trên thế giới đánh giá là con hổ mới về kinh tế của châu Á. Việt Nam có nền chính trị ổn định, người dân an cư lạc nghiệp, cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh ngày càng hoàn thiện, thu hút các nhà đầu tư quốc tế”, Tổng Thư ký Diễn đàn châu Á cho hay.
Nhiều đại biểu và doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Trung Quốc tham dự Diễn đàn. |
Theo ông Lý Bảo Đông, thế giới ngày nay đang biến đổi mạnh mẽ, chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ mậu dịch không ngừng thách thức trật tự quốc tế và các cơ chế hợp tác đa phương. Hai nước Việt - Trung vừa là đồng chí, vừa là anh em, hai nước có chế độ xã hội tương đồng, có lợi ích chung và lập trường giống nhau trong việc xây dựng kinh tế thế giới mở, bảo vệ thương mại tự do đa phương.
Hợp tác kinh tế - điểm sáng trong quan hệ hai nước
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh đến mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong những năm qua, đó là quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, toàn diện giữa Việt Nam - Trung Quốc. Mối quan hệ giữa Việt Nam – Trung quốc ngày càng phát triển tích cực, các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao và trao đổi đoàn các cấp được duy trì thường xuyên.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho rằng, hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong quan hệ hai nước. Trong 11 tháng của năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt hơn 97 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2017. Hàng tuần có hơn 500 chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam đạt hơn 4,5 triệu lượt, tăng 27%.
Tính lũy kế đến hết tháng 11/2018, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam hơn 2.000 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 13 tỷ USD, đứng thứ 7/129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại, du lịch hàng đầu của Việt Nam. Trong khi Việt Nam cũng là đối tác thương mại, du lịch lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 8 của Trung Quốc trên thế giới.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh, sau hơn 3 thập kỷ đổi mới, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế năng động, phát triển nhanh, ổn định, là điểm đến hấp dẫn, an toàn của nhà đầu tư nước ngoài |
“Sau hơn 3 thập kỷ đổi mới, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế năng động, phát triển nhanh, ổn định, là điểm đến hấp dẫn, an toàn của nhà đầu tư nước ngoài”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết, Với dân số tiệm cận 100 triệu người, cơ cấu dân số vàng với 60% trong độ tuổi lao động, Việt Nam đang là thị trường có sức mua tăng trưởng nhanh, giàu tiềm năng. Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI tháng 11/2018 đạt 56,5 điểm - mức cao nhất trong 7 năm qua, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á...
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng, Việt Nam là một thị trường “dễ tính” với Trung Quốc và thị trường Trung Quốc cũng “dễ tính” với Việt Nam. Vấn đề lớn nhất hiện nay là thâm hụt thương mại của Việt Nam - Trung Quốc lớn.
Theo Chủ tịch VCCI, Việt Nam đang chủ trương nâng cấp dòng đầu tư thế hệ mới vào Việt Nam, trong đó hoan nghênh việc đầu tư của Trung Quốc có chất lượng cao hơn vào các lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo, kinh tế số, đặc biệt là nông nghiệp chất lượng cao...
“Chúng tôi mong muốn thời gian tới có sự “bắt tay” của các doanh nghiệp lớn Trung Quốc và Việt Nam để xây dựng nên các thương hiệu hàng đầu, xây dựng các tập đoàn xuyên quốc gia...” - ông Lộc nói.