Nhỏ Bình thường Lớn

Điện hạt nhân và nỗi lo an toàn

Cứ nghĩ đến cảnh một láng giềng có một cái lò nung gạch đang tỏa khói nghi ngút và thải ra khí độc hại có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mình thì ai chẳng bận tâm. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng khiến người ta dễ hiểu hơn khi dư luận đang xôn xao vì sắp có một nhà máy điện hạt nhân được xây dựng trên đất Trung Quốc nhưng chỉ cách Móng Cái có vài chục km.
Mô hình nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận (Ảnh minh họa).

Có gì đằng sau con số 11 lò phản ứng mà Trung Quốc đã vận hành kể từ năm 1994, tính đến tháng 4 vừa qua? Có thông tin rằng nước bạn đang có kế hoạch xây dựng tới 5 hay 6 chục nhà máy điện hạt nhân, tập trung hầu hết ở các tỉnh gần Việt Nam như Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam... Mỗi nhà máy lại có vài lò phản ứng. Mặc cho những lý do an toàn của điện hạt nhân mà giới chính sách năng lượng và kinh doanh điện hạt nhân đang vận động, khi thấy mật độ lò phản ứng dày đặc như thế, những láng giềng phương Nam không thể không để ý quan sát.

Nỗi lo vượt ra ngoài lãnh thổ

Lo lắng về hậu họa dài lâu tới từ sự cố điện hạt nhân là nỗi lo ở tầm quốc gia, tới từ bên kia biên giới và có nhiều cơ sở. Trước hết, hậu quả từ tai nạn Nhà máy điện hạt nhân Chenobyl sau gần 20 năm là hàng ngàn trẻ em ở nhiều nước bị mổ tuyến giáp trạng, mắc bệnh bạch huyết, ung thư và dị tật bẩm sinh và vẫn âm thầm tiếp diễn.

Giật mình nhìn lại, khối khí lạnh lục địa sẽ đưa trọn các khối khí phóng xạ về miền Bắc Việt Nam thường xuyên vào mùa đông và "nuôi" chúng "sống" lâu hơn. Một năm, một lò phản ứng... có thể chưa ai nhìn ra hậu quả mà lo nhưng hàng chục năm với hàng chục nhà máy thì lại khác, hiểm họa chẳng những có thể đo đếm được bằng thiết bị, mà còn tạo ra nguy cơ cho sức khỏe con người và nền kinh tế.

Đó là trong trường hợp quản lý, khai thác an toàn, chưa nói đến trường hợp chất phóng xạ bị rò rỉ. GS. Phạm Duy Hiển, Viện trưởng Viện Hạt nhân Việt Nam cho biết nhà máy điện hạt nhân ảnh hưởng đến chất lượng của nhiều đối tượng môi trường. Trước tiên là đến các chuỗi thức ăn của con người và động vật, bởi vì chất thải, phóng xạ sẽ lắng xuống biển, lắng xuống các trầm tích, phù du ở Vịnh Bắc Bộ, dần ngấm vào cây cỏ, lúa gạo, nguồn nước...

Các chuyên gia về nguyên tử, điện hạt nhân cho biết tính nghiêm túc trong phát triển khoa học công nghệ, quán triệt từ trên xuống dưới của Trung Quốc trong vấn đề này cũng là "nói đi đôi với làm". Hơn ai hết, họ đã lên kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân thì họ chính là người phải quan tâm đến môi trường xung quanh nhất.

Tuy vậy, có một thực tế rằng người ta thường tìm cách tránh cho dân cư, đất đai, môi trường của họ nhưng ít người nghĩ tới cách tránh cho cả láng giềng. Bởi vậy, mỗi nhà máy điện hạt nhân được xây lên, mức rủi ro của nó tăng lên gấp vài chục lần nếu tính toán cả những yếu tố ngoài biên giới lãnh thổ.

Trách nhiệm cần khắc ghi

Về phía Việt Nam, theo Viện Nguyên tử, nếu không có gì trở ngại, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ bắt đầu vận hành vào năm 2017-2018 với 2 hoặc 3 lò với công suất của mỗi lò là 600 MW. Từ 2020 đến 2030, Việt Nam chủ trương sẽ đưa 13 lò vào hoạt động với tổng công suất 150.00 MW.

Với ý định đó, Việt Nam bắt tay hợp tác và học hỏi kinh nghiệm từ những cường quốc hạt nhân, từ Mỹ, Nga, Nhật, Pháp, Hàn Quốc cho tới Trung Quốc. Từ nhiều năm nay, những bước đi chiến lược đó được các nhà bình luận thế giới cho là khôn khéo. Cách làm của Việt Nam mới đây còn được mạng Bình luận Trung Quốc (HongKong) ngày 25/7 cho rằng đã tạo cơ hội thuận lợi nhất cho cả bản thân và đối tác. Ngoài việc đa dạng hóa nguồn năng lượng, việc bước vào "cơn lốc" xây dựng nhà máy điện hạt nhân của thế giới là một trong những lời giải cấp thiết cho câu đố năng lượng ở trong nước.

Mỗi nhà máy điện hạt nhân được xây dựng đều phải dựa vào vô số cơ sở khoa học, nguồn thông tin, cân nhắc mức độ nguy hiểm. Vẫn biết điện hạt nhân dù tiềm ẩn tai họa khôn lường nhưng để đa dạng hóa nguồn năng lượng, các nhà máy vẫn tiếp tục mọc lên, giải quyết những nhu cầu thiết yếu và vấn đề cấp thiết. Việt Nam còn thế, lẽ nào lại muốn nước khác không?!

Có lẽ, lường trước một số hậu quả có thể và kêu gọi bắt tay nhau cùng ngồi lại, tìm ra giải pháp phòng và tránh là trách nhiệm chính và "có đi có lại" mà các nước có nhà máy điện hạt nhân ở sát biên cần ghi nhớ sâu sắc trong hoạt động và trong chính sách.

Thành Châu



 

Tin cũ hơn