📞

Diện mạo mới của đồng bào Khmer huyện Tịnh Biên, An Giang

Phương Nghi 14:00 | 01/06/2022
Baoquocte.vn. Nhờ thực hiện các chính sách đặc thù của Nhà nước dành cho vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống bà con dân tộc Khmer đã khấm khá hơn, diện mạo phum sóc ngày càng được khởi sắc.
Cổng chào huyện Tịnh Biên, công trình tiêu biểu chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025.

Tịnh Biên là huyện miền núi, biên giới có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhiều nhất tỉnh An Giang. Trước đây, đời sống người dân Tịnh Biên gặp không ít khó khăn, nhưng nhờ thực hiện các chính sách đặc thù của Nhà nước dành cho vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số mà đời sống bà con dân tộc Khmer đã khấm khá hơn, diện mạo phum, sóc ngày càng được khởi sắc.

Bức tranh thay đổi

Những ngày này, chúng tôi dạo quanh các xã An Phú, Tân Lập, An Hảo, Vĩnh Trung, An Nông, Văn Giáo và An Cư… và dễ dàng nhận ra bức tranh nông thôn đã hoàn toàn thay đổi. Hầu hết các tuyến đường đều được trải nhựa hoặc bê tông đi lại dễ dàng cả hai mùa mưa nắng.

Có được kết quả trên, những năm qua, Tịnh Biên đã thực hiện đồng bộ, lồng ghép các chương trình dự án khác để phát triển hạ tầng cơ sở. Chỉ riêng Chương trình 135 của Chính phủ, Tịnh Biên đã được đầu tư hơn 12 tỷ đồng để xây dựng các tuyến đường: Ô Tà Bang (xã An Phú), Xóm Mới (thị trấn Tịnh Biên), Lộ bờ Tây Kênh 3/2 (xã An Nông), ấp Srây Skốth (xã Văn Giáo)...

Chị Nèang Mi ở Sóc Tà Ngáo, xã biên giới An Phú (huyện Tịnh Biên) cho biết: “Bây giờ, ở các phum, sóc rất tốt, có đèn chiếu sáng rất an toàn, đường sá đi lại rất thuận tiện hơn trước rất nhiều, được bê tông chắc chắn, còn trồng hoa, xây hàng rào cây xanh rất đẹp và sạch sẽ. Dịp lễ hội bà con còn được Nhà nước tặng quà, khám bệnh miễn phí, ai nấy đều rất vui mừng”.

Hòa thượng Chau Cắt, Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Tịnh Biên cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao các chính sách về dân tộc của Đảng, Nhà nước như chính sách xóa đói giảm nghèo; chính sách về nhà ở, đất ở; các chính sách chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp; các chính sách y tế, giáo dục...

Nhờ có Chương trình 134, 135, bà con Khmer có nhà ở ổn định và các chùa cũng được Nhà nước quan tâm công nhận cơ sở thờ tự văn hóa, xây lò hỏa táng... Rồi, bà con chung tay xây dựng xóm, ấp và phum, sóc ngày càng tiến bộ. Chúng tôi sẽ tích cực đồng hành làm cầu nối giữa Đảng nhà nước chính quyền với bà con dân tộc”.

"Nâng cấp" đời sống

Những năm qua, bên cạnh sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng đường giao thông nông thôn, điện, nước, trường học, trạm y tế được phủ kín, hỗ trợ dạy nghề, đào tạo lao động, tạo sinh kế cho người dân... Từ đó, giúp tăng thu nhập, ổn định cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, đặc biệt là những hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn.

Các chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, chăm lo y tế, giáo dục và đào tạo, dạy nghề được địa phương đặc biệt quan tâm và đạt được nhiều kết quả rất phấn khởi.

Anh Chau Men Ly (dân tộc Khmer) ở ấp An Thạnh, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên thu hoạch nước thốt nốt nấu đường, giúp gia đình có thu nhập ổn định.

Gia đình anh Chau Men Ly (dân tộc Khmer) ở ấp An Thạnh, xã An Hảo (huyện Tịnh Biên) là một trong những hộ gia đình được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển chăn nuôi bò sinh sản. Năm 2015, anh vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tịnh Biên để mua 2 con bò về nuôi.

Nhờ chịu khó chăn nuôi, đàn bò của anh phát triển tốt. Bốn năm gần đây, gia đình anh lúc nào cũng có 4 con bò sinh sản; mỗi năm gia đình xuất chuồng 3 con bê, lãi hơn 60 triệu đồng.

Cùng với việc đầu tư chăn nuôi, anh Men Ly còn làm thêm nghề chế biến đường thốt nốt. Gia đình anh đã cất được nhà mới khang trang, mua được cả xe máy và nhiều vật dụng khác trong gia đình.

Anh Chau Men Ly chia sẻ: “Nguồn vốn ưu đãi đã “tiếp sức” cho gia đình tôi vượt qua khó khăn, nhờ nuôi bò và bán đường thốt nốt mà con cái được học hành đàng hoàng; từ chỗ là hộ nghèo đến nay có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững”.

Hai năm gần đây, Tịnh Biên hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế với tổng kinh phí gần 2,4 tỷ đồng (trong đó vốn Chương trình 135 là 1,5 tỷ đồng; vốn lồng ghép trên 100 triệu đồng; vốn dân đối ứng gần 800 triệu đồng); với 8 dự án chăn nuôi và 3 dự án trồng trọt, số hộ được hỗ trợ là 178 hộ (103 hộ người dân tộc Khmer).

Theo bà Néang Sêm, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tịnh Biên, các chương trình, chính sách hỗ trợ cho đồng bào Khmer Tịnh Biên với sự hỗ trợ phát triển sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần và trình độ dân trí của đồng bào Khmer được nâng lên rõ rệt, bà con ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước.

Hằng năm, huyện giới thiệu và giải quyết việc làm cho khoảng 7.000 lao động; tổ chức đào tạo nghề cho hơn 1.500 lao động nông thôn… Nhờ đồng bào dân tộc thiểu số biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên sản xuất dần phát triển, số hộ đủ ăn và khá, giàu ngày một tăng.

Nhiều hộ trở thành những tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất, trong xây dựng đời sống văn hóa. Đặc biệt, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc đã giảm đáng kể, năm 2019 số hộ nghèo dân tộc Khmer là 871 hộ, đến cuối năm 2021 còn 666 hộ (chiếm 4,75%).

Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều gia đình đồng bào dân tộc Khmer xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên đầu tư nghề dệt thổ cẩm Srây Skốth tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Để thực hiện tốt các chính sách dân tộc, giúp đời sống của bà con đồng bào dân tộc ngày càng được phát triển hơn, theo bà Néang Sêm, Tịnh Biên sẽ "tiếp tục thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, tiếp tục tăng cường tuyên truyền trong đồng bào dân tộc thiểu số các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, để đồng bào nắm được và hiểu được, cùng nhau phát triển trong thời gian sắp tới”.

Khi cuộc sống ổn định, sản xuất phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc ngày càng được nâng cao, đã tạo nên diện mạo mới về đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer ở vùng biên Tịnh Biên.