Hoặc vì cuộc sống mưu sinh hoặc vì chính họ cũng cảm thấy chông chênh ngay trong chiếc nôi của mình!
Chông chênh... lương
Đến một đơn vị nghệ thuật nọ, chỉ kịp giới thiệu: “Tôi là phóng viên...” thì cánh diễn viên trẻ đã “không khảo mà xưng”: “Phóng viên gặp giám đốc viết giúp chúng tôi làm sao lương tăng, suất diễn tăng chứ không cứ thế này...” Họ chưa cần nói hết câu, tôi đã hiểu mình nên nối vế sau của câu nói ấy là gì!
Hầu hết các nghệ sĩ xiếc có đồng lương không đáp ứng đủ chi trả sinh hoạt |
Trò chuyện với Q.Đ, một diễn viên hiện giờ được coi là “hạt giống” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam khi anh vừa giành được huy chương vàng, huy chương bạc trong các lần liên hoan xiếc trong nước và quốc tế, tôi được nghe anh nói chuyện say sưa về nghề: anh đã tình cờ đến với xiếc như thế nào, yêu nghề để khổ công tập luyện ra sao... Nhưng khi tôi hỏi đến chuyện thu nhập và cuộc sống của một diễn viên mới nổi như anh, Q.Đ lại thở dài: Khó khăn lắm!
Câu nói và tiếng thở dài ấy nghe quá quen thuộc và dường như đã trở thành câu nói cửa miệng của bất kỳ người làm nghệ thuật nào. Nhưng nếu như những người nghệ sĩ lớp trước “thở dài” mà vẫn “quên đi” để mà hy sinh vì nghệ thuật thì lớp diễn viên trẻ bây giờ đã biết cách “thích ứng”. Q.Đ hào hứng nói chuyện đang làm kinh doanh của mình chẳng kém gì lúc anh nói về lao động nghệ thuật. Anh đã mở một cửa hàng bán đồ nhôm kính.
Q.Đ bảo: “Phải là người cực kỳ giỏi thì cùng một lúc mới làm tốt được 2 việc. Em không phải là người như thế nên còn tạm đóng cửa hàng!” Tôi thắc mắc: “Nhưng sau khi đã có huy chương trong nước và quốc tế, Q.Đ sẽ mở cửa hàng chứ”? “Em chưa mở vì dạo này em hay phải diễn - Q.Đ lắc đầu nói - Nhưng không ăn thua chị ạ!” “Thế một buổi diễn, Q.Đ được trả thù lao bao nhiêu”? “Vì là người của đoàn nên một buổi diễn em được trả 25.000đ, một tuần diễn 2 buổi như thế. Lương của em sau gần 10 năm làm việc bây giờ là không quá 1 triệu. Sức trai như em, chị bảo làm sao mà sống nổi nếu như không làm thêm” - Q.Đ tâm sự.
“Thế sao Q.Đ không đi diễn ở các quán, các tụ điểm ca nhạc vừa ôn luyện được vừa có thu nhập khá” - Tôi cố gắng tìm giải pháp. “Không được chị ạ, đã có lần em định đi biểu diễn như thế nhưng chuyên ngành của em đòi hỏi phải có sân khấu và đạo cụ rất tốn kém và khó có thể diễn lưu động” - Q.Đ kể. “Nhưng kinh doanh có vẻ đối lập với làm nghệ thuật và nó sẽ cuốn hết thời gian” - tôi lo lắng. “Em cũng biết như thế nhưng biết làm thế nào được khi những nhu cầu bức thiết của cuộc sống đòi hỏi mà đồng lương nghề không thể đáp ứng được - Q.Đ quả quyết - Với em yêu nghề thì rất yêu nhưng kiểu gì em cũng vẫn làm kinh doanh nữa!”.
Đắm đuối với nghề
T.H năm nay 24 tuổi nhưng đã than vãn với tôi rằng: “Em già rồi chị ạ”! Tôi nghĩ đây là cách để người khác khen mình là trẻ. Nhưng lập luận ấy của tôi đã bị câu chuyện của cô diễn viên xiếc nhỏ nhắn xinh xắn này “hoá giải”. “Từ 24 tuổi, cơ thể của em đã phát triển hoàn thiện. Phần xương bắt đầu chuyển sang giai đoạn cứng, các cơ bắp cũng thế - T.H diễn giải - Nghề của em đòi hỏi tuổi thanh xuân của xương, tuổi trẻ của da và cơ bắp. Nếu em có tiếp tục biểu diễn thì cũng không được bao lâu nữa. Trong khi đó, chúng em vào làm việc ở đoàn cứ tưởng như sẽ được gắn bó khi mình có khả năng, nhưng trên thực tế chúng em không hề được nghe một kế hoạch lâu dài nào, không được đào tạo nguồn để kế cận. Vậy nên chúng em đành phải liều liệu mà lo cho mình!”.
Cũng khá thức thời với nghề, T.H đã tự tìm cho mình một con đường mới ngay trong lúc cô vẫn đang lao động nghệ thuật một cách sung sức, vẫn còn phơi phới những đam mê và khát vọng mỗi khi treo mình trên cao vài chục mét. T.H thi vào Học viện Ngân hàng, năm nay đã là năm thứ 3.
Hàng ngày, một buổi cô lên lớp để học, một buổi cô đến đoàn để tập luyện. Cùng một lúc làm 2 việc nhưng cô vẫn giành huy chương vàng, huy chương đồng trong liên hoan xiếc toàn quốc và quốc tế. Chỉ có điều, chuyện “nghỉ cầm canh” ở lớp học vẫn là chuyện thường tình đối với T.H.
“Người xưa vẫn nói: có yêu người thì người mới yêu mình, hay cũng là có yêu nghề thì nghề mới yêu mình, T.H nghĩ sao?” “Em cũng rất muốn thế ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng khi đứng trên sàn diễn, trực tiếp nghe nghề dạy em mới thấy những ước mong ngày xưa thật là ảo tưởng - T.H nói như thể đã có đầy kinh nghiệm - Em đã từng ước mong mình sẽ đứng trên dây cao để bay vào giấc mơ nghệ thuật, sẽ cống hiến cho nghệ thuật đến tận khi nào không thể! Nhưng sẽ thế nào đây khi đồng lương và những buổi biểu diễn thêm chỉ đủ lo cho phần “sắc đẹp” của xiếc. Còn khi em già (già của tuổi nghề), em không biểu diễn nữa thì cái gì sẽ nuôi em? Thật ra, không phải chỉ có em mà bất kỳ diễn viên trẻ nào trong ngành đều có ý nghĩ như thế. Với nguồn thu nhập, với sự quan tâm nửa vời của ngành như hiện nay, chúng em không yên tâm khi chỉ lao động nghệ thuật mà không lo thêm một bước nữa cho mình sau này!”.
Chông chênh... thế hệ mai sau
Nghe T.H nói mà tôi không hiểu mình đang nghe cô gái 24 tuổi hay một người nào đó đã quá dày dạn kinh nghiệm nghề nghiệp, cuộc sống nói. Điều gì đã khiến cô (hay các bạn của cô) lại đau đáu những nỗi lo giữa cái tuổi lẽ ra được dồn hết tâm huyết để sáng tạo nghệ thuật.
Thực ra vẫn là cái chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”: Thu nhập từ nghề và sự cởi mở của nghề đối với diễn viên trẻ! Từ bao lâu nay, nghệ thuật đã trở thành một ngành nghề độc lập. Nhưng đứng trước nền kinh tế thị trường, các ngành nghệ thuật gần như bấp bênh bởi sự không năng động của chính mình.
Cả hai diễn viên trẻ Q.Đ và T.H đều có chung suy nghĩ: “Chúng em rất muốn được khẳng định mình nhưng cơ hội ít và chưa được đầu tư theo chiều sâu. Chính vì thế mà nhiều khi chúng em nản và tính đến chuyện làm thêm, học thêm”.
Với họ, điều đó không có gì đáng phê phán, nhưng nhìn lại ngành nghệ thuật đặc thù này, nó dự báo trong một vài thế hệ nữa, người ta sẽ khó có thể tìm thấy một nghệ sĩ sống chết bằng nghề. Xiếc Việt Nam vẫn thế, vẫn khởi đầu và phát triển từ những trò ít sáng tạo, đạo cụ và trang phục đơn giản cũ kỹ, chẳng biết đến khi nào thì được “đem chuông đi đánh xứ người!”
Khi nghe chuyện những người nghệ sĩ trẻ này tôi lại nhớ đến lần gặp NSND Lê Khanh và được nghe chị nói: “Đã có lúc tôi tạm ngừng tham gia điện ảnh để giữ gìn phong cách sân khấu. Còn trước nhu cầu của cuộc sống, tôi luôn giữ cho mình không bị “thoả hiệp”. Không biết vài chục năm nữa, có người nghệ sĩ trẻ nào hôm nay còn đứng vững và có được những suy nghĩ đầy tâm huyết như thế hay không?
Theo GĐXH