Điều gì đang đợi nền kinh tế Ukraine ở cuối chặng đường? (Nguồn: UBN) |
Cơ quan xếp hạng Fitch Ratings mới đây đưa ra dự đoán rằng, tăng trưởng kinh tế của Ukraine sẽ chậm lại sau năm nay.
Chưa có gì chắc chắn!
Cụ thể, năm 2025, tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ chỉ còn 2,9% do thiếu hụt lao động và năng lượng. Tuy nhiên, "một lệnh ngừng bắn dài hạn và đáng tin cậy có thể cải thiện đáng kể triển vọng tăng trưởng của đất nước trong giai đoạn 2025-2026", theo báo cáo của Fitch Ratings.
Lạm phát trong nền kinh tế Ukraine sẽ tăng vọt, theo ước tính của Fitch là 9,3% vào năm 2025 cao hơn hẳn so với 6,2% vào năm 2024.
Cuộc xung đột leo thang với Nga đã khiến lạm phát giá tiêu dùng tại Ukraine tăng mạnh, trong đó một số mặt hàng gần như tăng gấp đôi, theo số liệu thống kê chính thức được công bố gần đây. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Ukraine đã tăng 144,2% kể từ tháng 2/2022, tương đương với mức tăng 44,2% trong giá cả hàng hóa và dịch vụ. Giá điện ghi nhận mức tăng mạnh nhất, lên đến 177%. Giá năng lượng tăng cao đã đẩy chi phí sản xuất và phân phối hàng hóa tăng mạnh.
Giá thực phẩm tăng khoảng 51%, với một số loại tăng vọt, như trái cây tăng đến 109,8%. Nguyên nhân chủ yếu là do mất mùa nghiêm trọng và diện tích canh tác bị thu do xung đột. Các mặt hàng khác cũng tăng mạnh bao gồm thuốc lá (60%), thuốc men và vật tư y tế (45%), rượu (33%), thiết bị gia dụng (30%), vận tải (57%), truyền thông (21%), và giáo dục (38%).
Các chuyên gia dự đoán giá cả tại Ukraine sẽ tiếp tục tăng cao ít nhất đến cuối mùa Đông năm nay. Tuy nhiên, việc đưa ra dự báo chính xác là điều không thể trong bối cảnh xung đột vân đang tiếp diễn mà chưa thấy có hồi kết.
Fitch Ratings cho rằng, tác động không mong muốn từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga sẽ còn tiếp tục phản ảnh rộng rãi vào các thông số kinh tế Ukraine năm 2025. Mục tiêu chính sách được tuyên bố của chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump là chấm dứt xung đột Nga-Ukraine có thể khiến thế giới kỳ vọng về một cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn, "nhưng một thỏa thuận hòa bình khó có thể xảy ra với những nhượng bộ khó khăn mà cả hai bên sẽ phải thực hiện.
Theo phân tích của Fitch, các "thông số" của lệnh ngừng bắn được đàm phán, bao gồm các điều kiện như đảm bảo an ninh cho Ukraine và các vùng lãnh thổ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nga... cho thấy tất cả đều chưa có gì chắc chắn".
Trong khi đó, Fitch Ratings duy trì xếp hạng tín nhiệm của Ukraine ở mức “vỡ nợ hạn chế” - mức vốn bị chính tổ chức này hạ xuống từ hồi tháng 8 với lý do đã hết thời hạn ân hạn 10 ngày cho khoản thanh toán lãi suất trái phiếu Eurobond năm 2026 trị giá 750 triệu USD của quốc gia này, đáo hạn vào ngày 1/8.
Ukraine vẫn đang tiếp tục tái cấu trúc nợ nước ngoài của mình. Trong khi đó, các nhà phân tích của Fitch lưu ý, "xếp hạng vỡ nợ đối với hoạt động phát hành trái phiếu ngoại tệ của Ukraine sẽ vẫn ở mức “vỡ nợ hạn chế” cho đến khi Fitch đánh giá việc hoàn tất các giao dịch hoán đổi và bình thường hóa quan hệ với phần lớn các chủ nợ thương mại bên ngoài".
Xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Ukraine vẫn duy trì ở mức CCC+ (trung bình yếu). Các chuyên gia lưu ý, "cấu trúc sở hữu như vậy sẽ hạn chế lợi ích của Ukraine từ bất kỳ hoạt động tái cấu trúc nợ nào đối với các khoản vay, vì nó sẽ tạo ra các chi phí tài chính tiềm ẩn. Nó cũng có thể tạo ra rủi ro đối với sự ổn định của khu vực tài chính và gây tổn hại đến sự phát triển của thị trường nợ trong nước".
Fitch dự kiến thâm hụt ngân sách của chính phủ nói chung sẽ vẫn ở mức cao vào năm 2024 và 2025, lần lượt là 19,1% và 19,2%. Điều này vẫn sẽ bị thúc đẩy bởi chi tiêu quốc phòng cao và các khoản tài trợ nước ngoài giảm sẽ không được chi trả bằng các loại thuế cao hơn.
Theo Bộ Tài chính Ukraine, nợ công của nước này đã tăng hơn 1 tỉ USD vào tháng 6, với tổng khối nợ hiện vượt quá 152 tỉ USD.
Châu Âu sẽ ở lại và làm mọi thứ?
Tuy nhiên, kinh tế Ukraine vẫn đang được "nuôi dưỡng" bởi ý chí của châu Âu, khi Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên dưới thời ông Antonio Costa làm Chủ tịch Hội đồng châu Âu, sẽ được tổ chức vào ngày 19/12 tới.
"Tình hình ở Ukraine sẽ là trọng tâm trong các cuộc thảo luận của chúng tôi. Chúng tôi phải ở lại với Ukraine lâu nhất có thể và làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng, Nga bị đánh bại", ông Costa nói. Theo nhà lãnh đạo châu Âu này, cuộc họp sắp tới là cơ hội quan trọng để gửi một tín hiệu ủng hộ rõ ràng và duy nhất tới Ukraine về một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài.
"Tôi đã mời Tổng thống Zelenskyy đến Brussels nhân cuộc họp của Hội đồng châu Âu để chia sẻ về những diễn biến mới nhất trên thực địa và quan điểm của ông ấy về cách châu Âu có thể hỗ trợ Ukraine tốt nhất", ông Costa cho biết.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tin rằng có thể thống nhất về một chiến lược chung với Tổng thống Mỹ tương lai Donald Trump liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Đức cũng đang tiếp tục quảng bá về một tương lai Ukraine sẽ trở thành thành viên của EU. Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Đức-Ukraine ở Berlin mới đây (ngày 11/12), Thủ tướng Scholz đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào Ukraine và nhấn mạnh cam kết thúc đẩy tiến trình gia nhập EU của Kiev và kết thúc cuộc xung đột quân sự đang diễn ra.
"Nếu các bạn đầu tư vào Ukraine ngay hôm nay và trong những năm tới, các bạn đang đầu tư vào một thành viên tương lai của EU… Sau xung đột quân sự, chúng ta sẽ thấy tốc độ tăng trưởng và cơ hội phát triển ở Ukraine", ông Olaf Scholz nhấn mạnh.
Thủ tướng Đức cho biết, kim ngạch thương mại giữa Đức và Ukraine đã tăng từ khoảng 8 tỷ Euro (8,4 tỷ USD) năm 2021 lên gần 10 tỷ Euro năm 2023. Khoảng 2.000 công ty Đức đang hoạt động tại Ukraine, trong các lĩnh vực bao gồm quốc phòng và hóa chất. Nêu bật tiềm năng của lĩnh vực năng lượng ở Ukraine, ông Scholz bày tỏ hy vọng hai nước sẽ tăng cường hợp tác "bởi... chúng ta cần nhiều đầu tư tư nhân".
Trong khi đó, trên tờ Ukrinform của Ukraine mới đây, chuyên gia người Áo, ông Gabriel Felbermayr, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế Áo (WIFO) cũng đưa ra những nhận định khả quan hơn, rằng nền kinh tế Ukraine đang cho thấy khả năng phục hồi đáng kinh ngạc.
"Nền kinh tế Ukraine tiếp tục cho thấy khả năng phục hồi đáng kinh ngạc, nhưng sự hỗ trợ liên tục từ các đối tác quốc tế vẫn là điều rất cần thiết". Bình luận với phóng viên Ukrinform, ông Gabriel Felbermayr cho biết, kinh tế Ukraine khiến chúng ta ngạc nhiên hết lần này đến lần khác về khả năng phục hồi bất chấp mọi thứ đang diễn ra trong nước, ví dụ, số liệu xuất khẩu của các nhà sản xuất linh kiện ô tô ở Tây Ukraine thực sự đáng ngạc nhiên".
Giám đốc WIFO cũng chỉ ra, lượng ngũ cốc xuất khẩu đáng kể của Ukraine qua Biển Đen vẫn tiếp tục bất chấp những nỗ lực của Nga nhằm áp đặt lệnh phong tỏa.
Tuy nhiên, ông này nhấn mạnh, tình hình tài chính vĩ mô ở Ukraine không có vẻ khả quan và vấn đề chính vẫn là tiếp tục phụ thuộc vào hỗ trợ kinh tế từ các đối tác của Kiev. Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, "mọi thứ cũng phụ thuộc vào diễn biến của cuộc xung động. Và ở đây, phần lớn phụ thuộc vào những gì sắp xảy ra ở Mỹ".
Ông Gabriel Felbermayr cũng cảnh báo, cuộc chiến chống tham nhũng ở Ukraine vẫn là một vấn đề rất đáng lưu tâm. "Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa và xây dựng lòng tin nhiều hơn nữa với thế giới bên ngoài".