TIN LIÊN QUAN | |
Kinh tế Mỹ đối mặt nguy cơ suy thoái trong năm 2017 | |
Mỹ: Thâm hụt ngân sách ở mức cao nhất kể từ tháng 2/2016 |
Nhiều đồn đoán cho rằng, với nhiều điểm sáng trong nền kinh tế, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ quyết định nâng lãi suất vào cuộc họp chính sách ngày 20-21/9 này. Tuy nhiên, phát biểu trước Hội đồng Vấn đề Toàn cầu tại Chicago mới đây, Thống đốc FED Lael Brainard vẫn giữ quan điểm, nước Mỹ vẫn nên tránh việc cắt giảm sự hỗ trợ nền kinh tế một cách quá nhanh. Bà Brainard cho biết, bà muốn thấy xu hướng mạnh mẽ hơn về chi tiêu tiêu dùng của người Mỹ, cũng như bằng chứng cho thấy lạm phát đang tăng trước khi FED nâng lãi suất. Đồng thời, Thống đốc FED nhấn mạnh, kinh tế Mỹ vẫn dễ bị tổn thương trước những biến động của kinh tế toàn cầu.
Điều không bình thường
Các doanh nghiệp Mỹ đang trong cơn sốt tuyển dụng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Từ tháng 5-7/2016, danh sách bảng lương dài khá nhanh, với mức tăng trung bình 190.000 việc làm/tháng. Cạnh tranh giành lao động đang đẩy giá nhân công tại Mỹ lên cao ngất ngưởng. Theo tính toán của Ngân hàng Dự trữ Liên bang, mức tăng lương trung bình trong năm kết thúc vào tháng 7 là 3,4%. Người dân Mỹ cũng đang ra sức chi tiêu. Riêng quý II năm nay, chi tiêu bình quân đầu người đã tăng với tốc độ 5,5%/năm, nhanh nhất trong vòng một thập niên qua.
Những dấu hiệu trên lẽ ra phải phát đi từ một nền kinh tế đang phát triển rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, GDP thực của nước Mỹ mới chỉ tăng trưởng khoảng 1,2%/năm.
Khi giới doanh nghiệp không tin tưởng vào tăng trưởng dài hạn thì khó lòng đầu tư nhiều hơn. (Nguồn: Politico). |
Mảng tối khiến bức tranh kinh tế Mỹ ảm đạm chính là đầu tư doanh nghiệp, vốn đã giảm 3 quý liên tiếp. Đầu tư doanh nghiệp hiện thấp hơn 1,3% so với cách đây một năm. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2010, khi nước này vừa thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính.
Nếu doanh nghiệp vẫn đang tuyển dụng lao động và người dân vẫn đang chi tiêu, tại sao đầu tư lại yếu ớt?
Đâu là nguyên nhân
Nguyên nhân đầu tiên được cho là do đà giảm giá dầu kéo dài. Giá xăng dầu rẻ, người tiêu dùng Mỹ hưởng lợi khoảng 1.300 USD/hộ gia đình, nhờ đó đã đẩy mạnh tiêu dùng. Nhưng, đó cũng là lý do khiến cho đầu tư vào ngành dầu mỏ giảm tới hơn một nửa trong năm 2015, khi các tập đoàn dầu khí dừng các hoạt động khai thác. Đầu tư ở những lĩnh vực khác vẫn tăng 4,3%. Tuy nhiên, sang nửa đầu 2016, tình hình đã không còn sáng sủa, kể cả sau khi đã loại trừ mảng dầu mỏ.
Như vậy, khi các tập đoàn năng lượng siết chặt chi tiêu, các nhà cung cấp của họ cũng cảm thấy “khó thở”, kể cả các doanh nghiệp không dính dáng đến dầu mỏ. So với 1 năm trước, các công ty tài chính đã đầu tư ít hơn 21% trong quý I/2016. Đầu tư cũng giảm xuống trong lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu.
Có thể lý giải, nhu cầu giảm sẽ khiến các doanh nghiệp không mặn mà tăng đầu tư. Các nhà xuất khẩu không có lý do đẩy mạnh kinh doanh do nhu cầu toàn cầu ảm đạm và USD mạnh lên. Nhưng điều này lại khó lý giải cho diễn biến trên thị trường nội địa, khi chi tiêu tiêu dùng vẫn mạnh và doanh nghiệp vẫn tuyển thêm lao động và tăng lương.
Trong khi đó, tín dụng đã bị siết chặt hơn. Kể từ khi FED nâng lãi suất vào tháng 12 năm ngoái, mức lãi suất trung bình mà các ngân hàng áp dụng đối với doanh nghiệp tăng khoảng 0,5 điểm phần trăm. Theo một khảo sát của FED, sau 5 năm duy trì chính sách nới lỏng, từ năm 2016, ngày càng nhiều ngân hàng siết chặt hơn các tiêu chuẩn cho vay.
Tỷ lệ đầu tư của Mỹ bị sụt giảm |
Tuy nhiên, lý do siết chặt tín dụng kìm hãm hoạt động đầu tư không đủ thuyết phục, vì các doanh nghiệp Mỹ được cho là vẫn rủng rỉnh tiền mặt. Theo Hiệp hội các chuyên gia tài chính (AFP), tính đến cuối năm ngoái họ đang có khoảng 1.700 tỷ USD, gấp 6 lần kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng của Hillary Clinton, mức tích lũy tiền mặt ở mức cao nhất kể từ tháng 7/2011.
Cách giải thích cuối cùng cho rằng, dù thị trường nội địa chi tiêu mạnh, nhưng các doanh nghiệp không đánh giá cao triển vọng tươi sáng ở tương lai, đó là lý do họ không mặn mà bỏ vốn đầu tư. Cục Thống kê Lao động dự tính, lực lượng lao động Mỹ sẽ tăng trưởng 0,5%/năm từ năm 2014-2024, giảm so với mức 1,2%/năm giai đoạn 1994-2004, do dân số già đi và tỉ lệ sinh thấp. Tăng trưởng năng suất cũng đã chững lại. Giai đoạn 2005-2015, năng suất lao động chỉ tăng 1,3%/năm, so với mức tăng 3% giai đoạn 1995-2005. Trong nửa đầu năm 2016, năng suất đã giảm 0,4%.
Lạc quan và bi quan
Những người lạc quan cho rằng, dư chấn kéo dài sau cơn suy thoái sẽ sớm chấm dứt. Nhưng người bi quan lại cho rằng, vấn đề năng suất đã là căn bệnh kinh niên. Theo họ, những tiến bộ công nghệ đang ngày càng ít tính đột phá hơn. Nền kinh tế Mỹ đang dần chững lại. Theo tổ chức (Kauffman Foundation), số công ty công nghệ khởi nghiệp trên mỗi 100.000 người đã giảm từ mức 160 (năm 1977) còn 80 (năm 2013). Phân tích của Goldman Sachs gần đây cũng cho thấy, tỉ trọng lao động làm trong những ngành có mức tăng trưởng cao hơn 3 điểm phần trăm, so với tình hình lao động chung, đang giảm xuống.
Khi giới doanh nghiệp không tin tưởng vào tăng trưởng dài hạn thì khó lòng đầu tư nhiều hơn. Còn giới chính trị gia không dễ thúc đẩy nhanh tiến bộ công nghệ. Tuy nhiên, họ có thể gia tăng cạnh tranh, đơn giản hóa các quy định và thuế cũng như đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng và giáo dục. Tất cả những điều đó sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng ở nền kinh tế số 1 thế giới.
Chưa đầy một tuần nữa, thêm một cuộc họp chính sách quan trọng của FED sẽ diễn ra. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ vẫn giữ nhiều ý kiến trái chiều.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý II/2016 thấp hơn dự báo Lượng hàng hóa trong kho các doanh nghiệp Mỹ lần đầu tiên giảm kể từ năm 2011 là nguyên nhân khiến kinh tế Mỹ tăng ... |
FED phát tín hiệu nâng lãi suất vào cuối năm Rủi ro ngắn hạn đối với kinh tế Mỹ đã giảm, mở đường cho FED quyết định nâng lãi suất vào cuối năm nay. |
Kinh tế Mỹ vẫn chờ đợi những tín hiệu tăng trưởng mạnh mẽ hơn Theo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), phần lớn các lĩnh vực kinh tế chủ chốt của Mỹ, trong tháng 4-5/2016 chỉ tăng trưởng ... |