Máy bay Boeing RC-135 là loại máy bay do thám cỡ trung được thiết kế cho lực lượng Không quân Mỹ, chuyên thực hiện các nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát (ISR).
Những nhiệm vụ do thám mà Boeing RC-135 được giao phó khiến nó nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Huyền thoại bất khả chiến bại Boeing RC-135. (Nguồn: Air Force) |
Đặc tính kỹ thuật
Không quân Mỹ đã sử dụng loại máy bay này từ năm 1962 và kể từ đó, chúng được sử dụng rộng rãi trong mọi hoạt động quân sự của nước này.
Boeing RC-135 thu thập thông tin tình báo điện tử và tín hiệu trên toàn thế giới. Các cảm biến điện quang được trang bị trên máy bay phục vụ việc theo dõi các tín hiệu định vị và chuyển dữ liệu thu được cho sở chỉ huy thông qua liên kết dữ liệu vệ tinh an toàn.
Máy bay Boeing RC-135 được trang bị 4 động cơ phản lực cánh quạt vòng cao F108-CF-201, do tập đoàn CFM International sản xuất. Mỗi động cơ có thể tạo ra lực đẩy lên đến 21.000lbf. Ưu điểm khi sử dụng động cơ này là giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu, tiếng ồn và khí thải phù hợp với những quy định nghiêm ngặt của ngành hàng không quân sự.
Chiều dài và đường kính của động cơ lần lượt là 2,43m và 1,73m.
Nhờ vào hệ thống động cơ khủng, RC-135 có thể cất cánh “thần tốc” 1.490m/phút, tốc độ tối đa đạt khoảng 933km/h và phạm vi hoạt động lên đến 5.550km ở độ cao 15.200m. Máy bay nặng khoảng 78.743kg và trọng lượng cất cánh tối đa là 133.633kg.
Boeing RC-135 được vận hành bởi phi hành đoàn lên đến 27-32 thành viên, tùy thuộc vào nhiệm vụ, trong đó có 3 phi công, 2 điều hướng, còn lại là các chuyên gia thu thập thông tin tình báo, người vận hành hệ thống, kỹ thuật viên bảo trì máy bay và các chuyên gia khác.
Các biến thể của Boeing RC-135
RC-135 có đến 14 biến thể như máy bay chụp ảnh từ trên không (RC-135A), hoặc RC-135C (Big Team) được trang bị hệ thống định vị phát tín hiệu thông minh điện tử tự động AEELS (phiên bản). Bản nâng cấp của RC-135T được chuyển thành máy bay tiếp dầu KC-135R và RC-135D Rivet Brass.
Biến thể RC-135S Rivet Ball có một radome (mái che bảo vệ ăng ten thu băng tần S) và các cửa sổ được lắp bằng kính thạch anh phẳng quang học lớn để hỗ trợ khả năng quan sát của phi công. Trong khi đó, RC-135S Cobra Ball là một mô hình nâng cấp được trang bị các cảm biến điện quang để giám sát các chuyến bay của tên lửa đạn đạo ở tầm xa.
Đặc biệt RC-135V/W Rivet Joint, còn được gọi là Airseeker, là một phiên bản nâng cao được trang bị một bộ cảm biến để theo dõi và xác định các tín hiệu định vị địa lý. Tốc độ tối đa của máy bay là 870km/h. Tầm hoạt động và phạm vi hoạt động của RC-135W ở độ cao 6.500 km và phạm vi 12.000km
Sự phát triển của RC-135
Ban đầu, chiếc máy bay này được giao cho Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược (SAC) và sau đó được chuyển đến Bộ Tư lệnh Không quân (ACC) vào năm 1992 tại Căn cứ Không quân Offutt.
Mặc dù Boeing RC-135 đã phục vụ hơn nửa thế kỷ, nhưng quân đội Mỹ vẫn tiếp tục cho phép chúng hoạt động thêm vài thập kỷ nữa. Máy bay này vẫn là một trong những tài sản trinh sát chiến lược quan trọng nhất của Không quân Mỹ.
Trong khi đó, Vương quốc Anh, quốc gia duy nhất ngoài Mỹ sử dụng RC-135, có kế hoạch sử dụng loại máy bay này cho đến năm 2045.
Mẫu Boeing RC-135 đã trải qua một cuộc đại trùng tu với những thay đổi đáng kể về khung máy bay và động cơ vào năm 2005. Các kĩ sư đã nâng cấp RC-135 với hệ thống định vị quán tính buồng lái theo tiêu chuẩn của Cục Hàng không Liên bang (FAA) và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).
Được biết, Boeing đã nhận được đơn đặt hàng trị giá 248 triệu USD từ USAF từ năm 1997 đến năm 2002 để chế tạo và lắp đặt các bộ tái chế động cơ cho 11 máy bay KC-135 và 11 máy bay RC-135.
Không quân Mỹ đã bắt đầu huấn luyện phi hành đoàn số 51 của RAF trên máy bay RC-135V/W Rivet Joint tại Căn cứ Không quân Offutt như một phần của thỏa thuận được ký kết giữa Lầu Năm Góc và Bộ Quốc phòng Anh (MOD) cách đây tròn 10 năm.
USAF và MOD phối hợp với L3Harris Greenville, nhà tích hợp hệ thống chính thực hiện nâng cấp và bảo trì kho định kỳ của hạm đội RC-135V/W Rivet Joint trong Chương trình Airseeker.
Ngày 19/3/2010, MOD đã mua 3 máy bay trinh sát RC-135W Rivet Joint cùng các hệ thống mặt đất liên quan để thực hiện các nhiệm vụ tình báo tín hiệu cho RAF. Việc giao hàng bắt đầu vào tháng 11/2013 và hoàn thành vào tháng 6/2017.
Không có gì ngạc nhiên khi một vài vụ tai nạn đã xảy ra. Năm 1969, một trận tuyết rơi dày đặc đã khiến máy bay pải hạ cánh khẩn cấp tại căn cứ không quân Shemya ở Alaska. Trong quá trình hạ cánh, chiếc máy bay bị thiệt hại lớn, tới mức không thể sửa chữa được. Nhiều bộ phận của máy bay đã được tháo rời và tận dụng làm bộ phận thay thế cho các máy bay khác cùng mẫu.
Cùng năm đó, một chiếc máy bay có tên là Rivet Amber, khởi hành từ cùng một căn cứ, đã bị rơi ở Thái Bình Dương. Đây là chiếc RC-135 lớn nhất và nặng nhất từng được chế tạo. Hai máy bay RC-135 nữa bị rơi vào những năm 1980, cả hai đều do điều kiện thời tiết xấu.
Có một thực tế ấn tượng là những chiếc RC-135 không bao giờ bị phá hủy bởi lực lượng đối phương, ngay cả khi những chiếc máy bay này đã và đang tham gia trong các chiến dịch quân sự lớn của Mỹ ở các chiến trường trên khắp thế giới. Kỷ lục này khiến Boeing RC-135 trở thành mẫu máy bay có thời gian hiện diện lâu nhất mà không bị tổn thất trong Không quân Mỹ.