📞

Điều gì làm nên thương hiệu giáo dục Thụy Điển?

Lê Ngọc 20:14 | 24/05/2019
TGVN. Nói đến Thụy Điển, người ta không chỉ nghĩ tới giải Nobel, band nhạc ABBA, nhãn hiệu Volvo... mà còn liên tưởng một nền giáo dục tốt nhất hành tinh.
Khuôn viên trường đại học Stockholm, trường thuộc Top 5 đại học tốt nhất thế giới năm 2016 theo xếp hạng của Academic Ranking of World Universities (ARWU). (Nguồn: Agneta Hollström)

Trước thềm chuyến thăm chính thức Thụy Điển của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (từ ngày 26- 28/5), Báo Thế giới & Việt Nam xin giới thiệu tới bạn đọc những bài viết về xứ sở Bắc Âu thanh bình này. Trong bài đầu tiên này, xin gửi tới bạn đọc những thông tin thú vị và bổ ích về nền giáo dục tiên tiến của quốc gia xinh đẹp và mến khách.

Nói đến Thụy Điển, người ta không chỉ nghĩ tới giải Nobel danh giá, ban nhạc lừng danh ABBA, các nhãn hiệu trứ danh như Electrolux, Volvo, Ericsson, H&M, TetraPak, IKEA…, mà còn liên tưởng đến một trong những nền giáo dục tốt nhất hành tinh. Điều gì đã làm nên thương hiệu giáo dục của quốc gia Bắc Âu thanh bình này?

Một nền giáo dục cởi mở mang đầy tính thực tiễn

Thụy Điển có một nền giáo dục tiên tiến, thuộc hàng bậc nhất thế giới với nhiều trường đại học danh giá, liên tục xuất hiện trong danh sách những trường tốt nhất thế giới theo đánh giá của Universitas21 và Bảng xếp hạng Đại học thế giới. Nền giáo dục nước này chú trọng phát triển khả năng suy luận logic và lý luận chặt chẽ. Thụy Điển đã xây dựng một nền giáo dục toàn diện với nội dung chương trình kiến thức phổ thông và phổ cập, coi trọng giáo dục nhân cách và khả năng tiếp cận tri thức, tự học và sáng tạo.

Hầu hết các trường đại học đều có các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, và mặc dù tiếng Anh và tiếng Thuỵ Điển là hai ngôn ngữ chính, ở Thuỵ Điển, người ta cũng sử dụng các ngôn ngữ khác như Đức, Pháp, Arab... Coi trọng lợi thế ngoại ngữ, Thụy Điển cũng rất chú trọng đến yếu tố thực hành, thực nghiệm trong đào tạo - cơ hội cho sinh viên tích lũy kinh nghiệm thực tiễn và mở rộng các mối quan hệ ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường.

Từ năm 1994 trở về trước, nền giáo dục của Thụy Điển mang tính tập trung, gần giống như ở Anh - được quản lý khá nghiêm ngặt bởi Bộ Giáo dục về chương trình các cấp học và phương pháp giảng dạy theo truyền thống cũ. Nhưng từ năm 1995, Thụy Điển đã thực hiện cải cách giáo dục từ mẫu giáo đến hết trung học phổ thông theo phương châm xây dựng hệ thống kiến thức kết hợp với chuẩn bị lực lượng lao động cho nền kinh tế toàn cầu.

Theo đó, phụ huynh và học sinh được quyền lựa chọn trường học theo nguyện vọng, đáp ứng được yêu cầu học tập và phát triển tốt nhất, với chi phí do Nhà nước đảm bảo ở mức trung bình của trường công. Mọi người đều có quyền thành lập và điều hành trường độc lập theo chương trình quốc gia và được chính quyền cấp kinh phí cho mỗi học sinh học theo mức giá trung bình ở trường công; tuyển theo nguyện vọng của học sinh và không được phép thu thêm bất kỳ khoản tiền nào khác.

Các bậc cha mẹ có thể lựa chọn và đề nghị chương trình học ưa thích cho con cái. Các nhà trường và giáo viên có trách nhiệm hướng dẫn học sinh tự học, tự đánh giá, nâng cao tinh thần tự chủ trong việc học và hầu hết các hoạt động giáo dục. Chương trình Quốc gia và tiêu chuẩn đánh giá học sinh có tính chất hướng dẫn nhiều hơn là áp đặt, có thể linh hoạt vận dụng. Cuộc cải cách giáo dục đã mang lại những kết quả to lớn cho sự nghiệp đào tạo những người chủ tương lai cho đất nước.

Giáo dục chú trọng nhân cách, phẩm giá

Người Thụy Điển quan niệm sáng tạo là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công và xã hội Thụy Điển luôn đề cao tinh thần bình đẳng, đi kèm tôn trọng nhân cách, phẩm giá và giá trị văn hóa của người khác, dân tộc khác. Văn hóa trường học tạo điều kiện phát triển cho tất cả mọi thành viên; mỗi sinh viên đều được khuyến khích đưa ra quan điểm và lập trường của mình.

Người Thụy Điển cho rằng, việc giáo dục cấp mẫu giáo và tiểu học là tập trung vào rèn luyện các kỹ năng giao tiếp xã hội, tập cho học sinh biết cách sống hòa hợp với người khác, ý thức được trách nhiệm của bản thân mình trong mọi sinh hoạt tập thể hơn là học kiến thức. Theo người Thụy Điển, có ích gì khi chỉ dạy cho trẻ em biết đọc biết viết, biết nhiều thứ để rồi cuối cùng chúng hành xử để bị vào tù.

Nền giáo dục ở Thụy Điển không buộc học sinh vâng lời một cách mù quáng theo áp đặt của người lớn. (Nguồn: Blue Ocean)

Tuy ít chú trọng về dạy kiến thức ở mấy năm đầu cho học sinh, nhưng lên bậc trung học phổ thông, học sinh Thụy Điển đã chứng tỏ vượt trội hơn về học lực so với học sinh ở nhiều nước công nghiệp hoá cao nhất, trong đó có Mỹ. Nền giáo dục ở Thụy Điển không buộc học sinh vâng lời một cách mù quáng theo áp đặt của người lớn, mà khơi dậy tính tự giác chấp hành những tiêu chuẩn hành xử dân chủ được chính học sinh tham gia thiết lập, vì lợi ích chung và công bình của mọi người trong cộng đồng.

Cuộc cải cách giáo dục năm 1994 cũng tăng cường việc rèn luyện tinh thần dân chủ và trao quyền hợp pháp cho giới trẻ. Các thầy giáo được nhiều quyền tự quản hơn trong việc tạo ra các quyết định về công việc của họ trong nhà trường. Nhà trường mẫu giáo và tiểu học chú trọng rèn luyện các kỹ năng sống trong xã hội, còn ở cấp 3 thì học sinh được chuẩn bị lao động theo tinh thần trường trung học tổng hợp. Trong mỗi khu học ở Thụy Điển có 16 chương trình trung học cấp 3 chú trọng về hướng nghiệp. Bộ Giáo dục Thụy Điển chỉ đưa ra các đề cương tổng quát cho mỗi chương trình, cho phép thầy giáo và học sinh bàn bạc cùng quyết định với nhau nên học cái gì.

Ở cấp đại học, nhà trường dạy cho sinh viên cách tư duy độc lập và sáng tạo. Phương pháp giảng dạy này là tiền đề chính khiến Thụy Điển có được thứ hạng vững chắc trong số những quốc gia có nhiều sáng kiến nhất trên thế giới. Nhà trường Thụy Điển không chỉ đòi hỏi sinh viên hoàn thành các tín chỉ mà còn tập trung đánh giá tính hợp lý và quan trọng nhất là ứng dụng kiến thức học được vào trong đời sống, chủ yếu tập trung vào tân tiến và ứng dụng, bền vững môi trường. Đây cũng là lý do tại sao Thụy Điển đã được xếp hạng nhất về bền vững hơn mọi quốc gia trên thế giới.

Với dân số chỉ khoảng 10 triệu người, Thụy Điển là một quốc gia đa văn hóa với 15% dân số sinh ra ở nước ngoài. Giáo dục Thụy Điển được thiết kế để đào tạo các nhà lãnh đạo và giải quyết vấn đề trong tương lai, khuyến khích sinh viên phát triển cách nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, đồng thời suy nghĩ sáng tạo để đi đến giải pháp, thu nhận các kỹ năng cần có để thành công trong sự nghiệp toàn cầu. Không phải ngẫu nhiên mà người ta coi Thụy Điển là đất nước của văn hóa sáng tạo, phát minh và đổi mới; là nơi khởi xướng và phát triển các xu hướng tiên tiến… Và hoàn toàn không ngạc nhiên khi Thụy Điển là 1 trong 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới xếp hạng dựa trên 6 tiêu chí của Liên hợp quốc.