📞

Điều gì sẽ có trong bài diễn văn quan trọng của ông Trump?

09:31 | 28/02/2017
Chủ đề của bài diễn văn sẽ là “sự hồi sinh của tinh thần Mỹ”, Đây là một cơ hội để ông Trump đề ra một tầm nhìn tích cực cho đất nước.

Những chủ đề chính

Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có một cơ hội quan trọng để tạo lực đẩy mới cho nhiệm kỳ tổng thống của mình với một bài diễn văn trước Quốc hội vào đêm 28/2 này. Tuy nhiên, đây sẽ là lúc ông phải sử dụng một lối nói thích hợp, khác xa giọng điệu mà ông vẫn hay dùng trên trang mạng xã hội cá nhân Tweeter để nhắm vào các đối thủ.

Với bài diễn văn đầu tiên trước các đoàn thể chính trị Mỹ - không chỉ Hạ viện và Thượng viện mà cả nội các của ông cũng như tập hợp các thẩm phán tòa án tối cao, vị lãnh đạo thuộc đảng Cộng hòa này hẳn sẽ phải đề ra các ưu tiên hàng đầu của mình về lập pháp. Sau bài diễn văn nhậm chức đầy u ám của mình hôm 20/1, tiếp đó là những cuộc công kích dữ dội nhằm vào truyền thông và cuộc họp báo riêng đầu tiên đầy hỗn loạn hồi đầu tháng này, bài diễn văn tới đây của vị tổng thống Mỹ gửi tới hàng triệu người dân sẽ rất được chú ý.

Chủ đề của bài diễn văn sẽ là “sự hồi sinh của tinh thần Mỹ”. (Nguồn: Getty Images)

Nhà Trắng cho biết, chủ đề của bài diễn văn sẽ là “sự hồi sinh của tinh thần Mỹ”. Sean Spicer, Người phát ngôn của Tổng thống chia sẻ: “Tôi cho rằng đây là một cơ hội để ông Trump đề ra một tầm nhìn tích cực cho đất nước và để nước Mỹ thực sự nhận thức được rằng chúng ta có thể đi tới đâu và làm thế nào để đạt được điều đó, cũng như tiềm năng của đất nước chúng ta là gì”. Từ việc bảo vệ các đường biên giới của Mỹ cho đến hiện đại hóa cơ sở hạ tầng hay siết chặt các luật lệ về môi trường, những chủ đề chính trong tuần đầu tiên ông Trump nhậm chức được kỳ vọng sẽ xuất hiện trong bài diễn văn tới đây.

Theo Bộ trưởng Tài chính sắp nhậm chức Steven Mnuchin, vấn đề cải cách kinh tế cũng sẽ chiếm một phần trong bài diễn văn. Ông nói với kênh truyền hình Fox News: “Tổng thống rất rất quan tâm đến việc đưa nước Mỹ quay trở lại thời kỳ tăng trưởng kinh tế dài hạn bền vững… và chúng tôi sẽ bắt đầu với sự sửa đổi về thuế”. Chính quyền của  Trump đang kỳ vọng duy trì được một tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đạt ít nhất 3%. Đây là một mục tiêu mà nhiều nhà kinh tế cho là quá lạc quan.

Sự ủng hộ vững chắc

Xét trên bề nổi, các đảng viên Cộng hòa hiện đang giữ một vị trí đáng ghen tị: lần đầu tiên kể từ năm 2006, đảng Cộng hòa kiểm soát được cả hai viện của quốc hội cũng như Nhà Trắng. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa các nhà lập pháp trong đảng với vị tổng thống tỷ phú của họ khá phức tạp. Nhiều người đang không chỉ khó chịu về một số đề xuất của ông Trump, đặc biệt là chủ nghĩa biệt lập kinh tế của ông, mà cả về cá tính và phong cách của ông ở nhiệm sở. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số tại Thượng Viện Mỹ, đã tế nhị bày tỏ sự khó chịu này khi nói rằng “tôi không phải là một người hâm mộ của các dòng tweet hàng ngày”.

Ông Trump hiện vẫn duy trì được sự ủng hộ vững chắc. (Nguồn: Getty Images)

Mặc dù vậy, đa số nhà lập pháp thuộc đảng này, vốn đang háo hức với hàng loạt sự cải cách mang tính bảo thủ quan trọng, sẽ rất thận trọng để tránh gây cản trở cho ông chủ mới của Nhà Trắng. Vấn đề mà họ quan tâm trong các tuần và các tháng tới đây là họ sẽ được áp dụng mức độ quyền tự trị là bao nhiêu khi xây dựng luật về cải cách thuế và y tế.       

Sự tín nhiệm đang từng bước tăng dần mà các cử tri dành cho ông Trump cũng sẽ được các nhà lập pháp ở Đồi Capitol theo dõi sát sao, trong bối cảnh đất nước sẽ bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm năm 2018. Theo một cuộc thăm dò do hãng NBC và tờ The Wall Street Journal cùng tiến hành hôm 26/2, chỉ có 44% người dân Mỹ cho rằng sự thể hiện của ông Trump là thích hợp với cương vị tổng thống, trong khi 48% không đồng tình với điều này. Đây là một kết quả thấp đối với một vị lãnh đạo mới nhậm chức, thường được kỳ vọng sẽ có một sự tín nhiệm rất cao thời hậu bầu cử.   

Tuy nhiên, một cuộc khảo sát khác lại cho thấy ông Trump hiện vẫn duy trì được sự ủng hộ vững chắc: chẳng hạn, 82% số đảng viên Cộng hòa cho rằng sắc lệnh hạn chế nhập cảnh của ông đối với công dân 7 quốc gia có đa số người theo đạo Hồi là cần thiết để đối phó chủ nghĩa khủng bố.   

(theo AP)