📞

Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump và bà Clinton hòa nhau?

16:12 | 08/11/2016
Nếu cả ông Trump và bà Clinton đều không thể giành được đa số phiếu đại cử tri, Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu để lựa chọn Tổng thống.

Khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ bước vào giai đoạn cuối cùng, vẫn chưa ai thể chắc chắn ứng cử viên của đảng Dân chủ Hillary Clinton hay ông Donald Trump, ứng cử viên của đảng Cộng hòa sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua năm nay.

Thăm dò của Reuters/Ipsos tiến hành ngay trước thềm bầu cử cho thấy, bà Clinton có 90% cơ hội đánh bại ông Trump. Bà Clinton có thể giành được 303 phiếu đại cử tri so với con số cần thiết là 270 phiếu, ông Trump có thể được 235 phiếu.

Cơ hội vẫn chia đều cho cả ông Trump và bà Clinton. (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là thăm dò mang tính chất tham khảo và cơ hội vẫn chia đều cho cả hai ứng cử viên. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu như ông Trump và bà Clinton hòa nhau trong cuộc bỏ phiếu ngày 8/11?

Phân định thắng - bại thế nào nếu “trận đấu” giữa Trump và Clinton có kết quả hòa?

Để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, một ứng cử viên phải giành được 270 phiếu đại cử tri. Trong cuộc bầu cử này, có tổng cộng 538 phiếu đại cử tri nên hoàn toàn có thể xảy ra kịch bản ông Trump giành được 269 phiếu và bà Clinton cũng vậy.

Trong trường hợp này, điều Hai của Hiến pháp Mỹ quy định, Hạ viện sẽ lựa chọn giữa hai ứng cử viên thông qua một cuộc bỏ phiếu. Tuy nhiên, không phải tất cả các thành viên trong Hạ viện được quyền tham gia bỏ phiếu.

Theo đó, mỗi bang của nước Mỹ, không phân biệt quy mô dân số sẽ chỉ có 1 phiếu bầu duy nhất. Ứng cử viên nào giành được số phiếu bầu quá bán sẽ trở thành Tổng thống của nước Mỹ.

Ông Trump diễn thuyết trong chiến dịch tranh cử ở Raleigh, North Carolina. (Ảnh: Reuters)

Giới quan sát cho rằng, nếu điều này xảy ra, ông Trump sẽ có nhiều cơ hội để chiến thắng khi ông có thể tập hợp sự ủng hộ của nhiều tiểu bang hơn, dù những bang này có số phiếu đại cử tri ít hơn.

Ví dụ như bang California, nơi tập trung tới 53 phiếu đại cử tri và thường bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng Dân chủ cũng sẽ chỉ có một phiếu bầu duy nhất trong cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện nếu cả ông Trump và bà Clinton không thể giành được đa số phiếu đại cử tri (ít nhất 270/538 phiếu).

Bà Clinton trong trường hợp này sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh từ số phiếu đại cử tri đông đảo nói trên. Trong khi đó, các bang nhỏ hơn có nhiều khả năng ủng hộ ứng cử viên đảng Cộng hòa. Khi số phiếu đại biểu của từng bang chỉ là 1, cơ hội dành cho ông Trump dường như sẽ cao hơn bà Clinton.

Điều gì sẽ xảy ra nếu kết quả bỏ phiếu ở Hạ viện vẫn hòa?

Theo luật định, Hạ viện Mỹ sẽ tiếp tục bỏ phiếu cho đến khi kết quả ngã ngũ, chọn ra được người chiến thắng.

Tu chính án 12 của Hiến pháp Mỹ quy định, nếu Hạ viện không thể chọn ra một Tổng thống vào ngày 20/1/2017 – ngày Tổng thống mới tiếp quản vị trí của Tổng thống Barack Obama thì phó Tổng thống đắc cử sẽ đảm nhiệm cương vị quyền Tổng thống cho đến khi bế tắc tại Hạ viện bị phá vỡ.

Trong khi hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ phải bước vào cuộc đấu tại Hạ viện vì không thể giành được đa số phiếu đại cử tri (ít nhất 270/538 phiếu) thì vị trí “phó tướng” của họ sẽ do Thượng viện quyết định.

Ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton. (Nguồn: Getty)

Theo luật pháp Mỹ, trong trường hợp này, Phó Tổng thống sẽ do Thượng viện bầu trong số hai ứng viên Phó Tổng thống có số phiếu bầu cao nhất. Tuy nhiên, khác với cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện, mỗi thượng nghị sĩ bỏ một lá phiếu cho ứng viên Phó Tổng thống mà mình ủng hộ.

Nếu Thượng viện bầu ra Phó Tổng thống khác so với lựa chọn ban đầu của Tổng thống được Hạ viện bầu (chẳng hạn Tổng thống của đảng Dân chủ nhưng Phó Tổng thống lại là người của đảng Cộng hòa) thì nước Mỹ sẽ có Tổng thống và Phó Tổng thống đến từ hai đảng khác nhau.

Trong một trường hợp đặc biệt khác, nếu vào ngày 20/1, Thượng viện cũng chưa thể chọn ra được Phó Tổng thống thì khi ấy, chủ tịch Hạ viện đương chức sẽ tạm thời điều hành Nhà Trắng cho tới khi lưỡng viện Quốc hội Mỹ giải quyết được vấn đề.

Điều này từng xảy ra trước đây?

Cuộc bầu cử năm 1800 diễn ra khi các đảng chính trị đầu tiên của Mỹ vừa hình thành. Vào thời điểm đó, quy trình bầu cử có nhiều khác biệt so với hiện nay. Khi đó, mỗi cử tri bỏ phiếu cho hai ứng cử viên, người nào nhiều phiếu nhất trở thành Tổng thống, người đứng thứ hai làm Phó Tổng thống.

Năm đó, ông Thomas Jefferson tranh cử với tư cách đại diện cho liên đảng Dân chủ - Cộng hòa, trong khi ông John Adams là ứng viên của đảng Liên bang.

Mọi công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử ở Mỹ đã sẵn sàng. (Ảnh: Reuters)

Cuộc bỏ phiếu cho kết quả hòa khi cả Jefferson và Aaron đều giành được 73 phiếu.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Hạ viện Mỹ phải vào cuộc để lựa chọn Tổng thống. Sau 7 ngày bỏ phiếu căng thẳng, ông Jefferson vượt lên giành chiến thắng. Sự kiện này là tiền đề cho Tu chính án số 12 trong Hiến pháp Mỹ ra đời.

Cuộc đấu bất phân thắng bại giữa các ứng cử viên Tổng thống Mỹ một lần nữa xảy ra vào năm 1824. Cuộc bầu cử diễn ra gay cấn khi cả 4 ứng cử viên Tổng thống Mỹ khi đó không ai giành được đa số phiếu đại cử tri.

Andrew Jackson, người anh hùng trong Chiến tranh năm 1812, giành được 99 phiếu đại cử tri. Ngoại trưởng John Quincy Adams có 84 phiếu. Bộ trưởng Tài chính William Crawford đạt 41 phiếu và 37 phiếu thuộc về Chủ tịch Hạ viện Henry Clay.

Với kết quả trên, ông Clay bị loại, 3 ứng viên nhiều phiếu hơn tiếp tục cuộc đua ở Hạ viện. Mùa bầu cử kéo dài thêm tới hơn một tháng. Cuối cùng, ông Adams giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện, trở thành Tổng thống thứ sáu của Mỹ.

(theo Hùng Cường/VOV)