📞

Đình công ở Pháp: Tổng thống Macron chấp nhận bất đồng, nghiệp đoàn 'đòi' dẹp luật cải cách sang một bên

Thành Châu 05:58 | 28/03/2023
Ngày 27/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron họp khẩn với các bộ trưởng về tình trạng căng thẳng gia tăng trong nước do đình công và biểu tình.
Trong biểu tình và đình công ở Pháp, cảnh sát bị chỉ trích ra tay bạo lực với người biểu tình. (Nguồn: AFP)

Gần hai tuần sau khi Quốc hội thông qua luật cải cách mới, với một điều khoản đặc biệt nhằm tránh bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào, các nghiệp đoàn lao động của Pháp tuyên bố sẽ không từ bỏ biểu tình rầm rộ nhằm khiến chính phủ phải lùi bước.

Họ tiếp tục kêu gọi thứ Ba ngày 28/3 là một trong những ngày hành động quan trọng của phong trào biểu tình.

Như vậy, đó sẽ là cuộc biểu tình thứ 10 kể từ khi bắt đầu khủng hoảng hồi giữa tháng 1, chống lại bộ luật cải cách chế độ hưu trí gây nhiều tranh cãi, sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay ở Pháp.

Theo luật này, tuổi nghỉ hưu được nâng từ 62 tuổi lên 64 tuổi vào năm 2030 và có áp dụng cơ chế lương hưu tối thiểu. Bên cạnh đó, từ năm 2027, người lao động sẽ phải làm việc ít nhất 43 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu đầy đủ.

Tuần trước, ông Macron, người có tỷ lệ ủng hộ thấp trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho biết, ông chấp nhận "sự bất đồng" đi kèm với cải cách.

Tuy nhiên, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne thì nói rằng, mặc dù không có kế hoạch hủy bỏ luật này, nhưng bà sẵn sàng có các cuộc đối thoại mới với các nghiệp đoàn. "Chúng ta phải tìm ra con đường đúng đắn... Chúng ta cần bình tĩnh", bà nói với AFP trong một cuộc phỏng vấn hôm 26/3.

Bắt đầu từ thứ Hai, ngày 27/3, Thủ tướng Borne đã lên lịch các cuộc đàm phán trong ba tuần, bao gồm các cuộc đàm phán với các thành viên của Quốc hội, các đảng phái chính trị, chính quyền địa phương và các đoàn thể.

Chuyến thăm cấp nhà nước tới Pháp của Vua Charles III (Anh), dự kiến bắt đầu vào Chủ nhật, đã bị hoãn lại vì tình trạng bất ổn hiện nay.

Động thái lớn

Thay vì tiếp đón quốc vương của Vương quốc Anh trong một buổi lễ hoành tráng, Tổng thống Macron lại gặp Thủ tướng Borne, các bộ trưởng nội các, nhà lập pháp cấp cao của chính phủ để đàm phán về khủng hoảng tại Điện Elysee, Phủ Tổng thống cho biết.

Thủ tướng Borne trình bày kế hoạch tham vấn Tổng thống tại cuộc họp ngày 27/3, sau đó gửi nó đến đồng minh và thành viên nội các.

Nếu các nghiệp đoàn chấp nhận đề xuất đàm phán, bà Borne sẽ đưa ra các biện pháp mới, nhằm giảm bớt tác động của luật lương hưu nhắm vào các công việc đòi hỏi thể chất, điều kiện cho người lao động lớn tuổi và vấn đề đào tạo lại.

Tuy vậy, những phản ứng ban đầu này có vẻ không mang lại nhiều hứa hẹn.

Laurent Berger, người đứng đầu nghiệp đoàn CFDT cho biết, ông chấp nhận lời đề nghị đàm phán nhưng chỉ khi luật cải cách được "dẹp sang một bên". Ông Berger kêu gọi chính phủ có "động thái lớn về lương hưu".

Thành viên cánh tả Jean-Luc Melenchon cũng cho hay, có "một cách rất đơn giản" để quay lại quan hệ hòa bình, đó là "rút lại luật".

Phong trào phản đối cải cách lương hưu đã trở thành cuộc khủng hoảng trong nước lớn nhất trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Macron. Cảnh sát và người biểu tình đụng độ thường xuyên ở Paris và các thành phố khác kể từ khi luật cải cách buộc phải thông qua.

Đình công ở TotalEnergies. (Nguồn: Brusseltimes)

Gián đoạn nghiêm trọng

Cảnh sát Pháp bị chỉ trích nặng nề bởi các biện pháp mạnh tay đối với các cuộc biểu tình gần đây. Trong cuộc biểu tình lớn ngày 23/3, cảnh sát báo cáo có 457 vụ bắt giữ trên khắp nước Pháp và 441 cảnh sát bị thương.

Người phát ngôn chính phủ Olivier Veran gọi Melenchon và đảng của ông là "những kẻ trục lợi từ sự tức giận", trong khi nhà lập pháp đảng Xanh Sandrine Rousseau cáo buộc ông Macron và Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin đã châm ngòi cho tình trạng bất ổn.

Theo nhà điều hành giao thông công cộng RATP của Paris, các thành phố lớn và xe lửa ngoại ô sẽ bị "gián đoạn nghiêm trọng" vào ngày 28/3.

Những người thu gom rác ở thủ đô cũng tiếp tục đình công, cho tới hôm 26/3, đã có khoảng 8.000 tấn rác chất đống trên đường phố.

Cơ quan hàng không dân dụng Pháp đã yêu cầu các hãng hàng không tại sân bay Orly ở thủ đô Paris, cũng như các sân bay Marseille, Bordeaux và Toulouse, hủy 20% các chuyến bay dự kiến cho ngày 28 và 29/3.

Người phát ngôn của tập đoàn dầu khí TotalEnergies cho biết, nhà máy Gonfreville đã tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của đình công. Nhà máy có sản lượng 240.000 thùng/ngày này là nhà máy lớn nhất của TotalEnergies. Các nhân viên đã được huy động tối đa để tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu, kể cả tại các sân bay của Paris.

(theo AFP, France24)