Định danh điện tử và định danh điện tử tập trung là xu hướng trong thời đại số hiện nay. (Ảnh minh họa) |
Việc triển khai tích hợp tài khoản định danh VNeID sẽ giúp 53 triệu người dân đang có tài khoản VNeID có thể giao dịch được ngay với cơ quan BHXH khi có nhu cầu và tiếp tục mở rộng trong tương lai.
Việc mỗi người dùng có nhiều tài khoản dịch vụ công được cấp bởi các bộ, ngành, địa phương khác nhau gây ra nhiều bất tiện như khó quản lý thông tin cá nhân, phải nhớ nhiều tài khoản giao dịch, mật khẩu...
Tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
Với đặc điểm là ngành có khối lượng thực hiện dịch vụ công trên môi trường mạng rất lớn, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận thức được việc có một tài khoản định danh điện tử có tính xác thực cao để giao dịch là rất cần thiết đối với mỗi người tham gia.
Việc triển khai tích hợp sử dụng tài khoản định danh VNeID giúp cho 53 triệu người dân đang có tài khoản VNeID có thể giao dịch được ngay với cơ quan Bảo hiểm xã hội khi có nhu cầu và tiếp tục mở rộng trong tương lai.
Theo Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh, hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang triển khai 25 thủ tục hành chính với 87 dịch vụ công điện tử được cung cấp trên môi trường mạng.
Năm 2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận được 94,4 triệu hồ sơ giao dịch điện tử, chiếm 86% tổng số hồ sơ.
Trong quý 1/2024, cơ quan này tiếp nhận và xử lý 29,4 triệu hồ sơ của công dân, chiếm 87,2% tổng số hồ sơ cả trực tuyến và trực tiếp.
Sử dụng tài khoản định danh điện tử mang đến 3 lợi ích trực tiếp đối với ngành Bảo hiểm xã hội, đó là tiết kiệm nhân lực, thời gian và chi phí trong việc cấp và sử dụng tài khoản giao dịch.
Ngoài ra, sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến sẽ tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là khi hiện nay người dân mở rất nhiều tài khoản và thường quên tài khoản, mật khẩu. Khi sử dụng VNeID trong giao dịch sẽ tăng được số lượng người sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Sẵn sàng sử dụng thống nhất tài khoản VNeID
Nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của việc sử dụng một loại tài khoản định danh duy nhất, để chuẩn bị cho việc sử dụng thống nhất tài khoản VNeID do Bộ Công an cấp trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ 1/7/2024 theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP về định danh và xác thực điện tử, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã từng bước đầu tư hệ thống công nghệ thông tin của ngành theo hướng dữ liệu tập trung, kết nối giữa các phần mềm nghiệp vụ đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và có khả năng kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương.
Việc đầu tư hệ thống tập trung là cơ sở quan trọng trong việc chuyển đổi số hiện nay, hướng đến sử dụng thống nhất tài khoản định danh là tài khoản truy cập duy nhất.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị đầu tiên thực hiện việc kết nối với Bộ Công an để chia sẻ, xác thực thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin để kết nối và triển khai các hoạt động thuộc Đề án 06 nói chung và định danh, xác thực nói riêng.
Ngành đồng bộ xác thực thông tin định danh cá nhân của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tính đến nay, hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xác thực hơn 96 triệu thông tin nhân khẩu trong Cơ sở dữ liệu bảo hiểm do cơ quan này quản lý với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có khoảng 87,75 triệu người đang tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 97,3% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội).
Đây là tiền đề quan trọng để triển khai đồng bộ thông tin tài khoản giao dịch điện tử (bảo hiểm xã hội số) do cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp (VssID) với tài khoản định danh điện tử VNeID do Bộ Công an cấp.
Triển khai dịch vụ công trên môi trường điện tử, từ tháng 9/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cấp tài khoản cho cá nhân để đăng nhập vào ứng dụng VssID và thực hiện các dịch vụ công.
Đến nay, toàn quốc đã có khoảng 35 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân với cơ quan Bảo hiểm xã hội được cấp, với quy trình tương đương định danh mức độ 2 theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP.
Được sự hỗ trợ của Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kết nối kỹ thuật, triển khai sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập và sử dụng ứng dụng VssID (từ tháng 10/2023).
Theo thống kê trên hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến nay đã có hơn 8 triệu lượt sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập ứng dụng VssID (trung bình khoảng 1,2 triệu lượt/tháng).
Với việc triển khai này của Bảo hiểm xã hội Việt Nam giúp người dân có thêm lựa chọn sử dụng tài khoản khi có nhu cầu khai thác thông tin, sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến dành cho cá nhân trên ứng dụng VssID.
Đây cũng là hành động thể hiện sự sẵn sàng cho việc triển khai sử dụng thống nhất tài khoản định danh điện tử trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP về định danh và xác thực điện tử từ ngày 1/7 tới.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công an để triển khai sử dụng tài khoản VNeID đăng nhập vào Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam - nơi cung cấp toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến của ngành Bảo hiểm xã hội.
Cùng với việc triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID để đăng nhập ứng dụng VssID - bảo hiểm xã hội số, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã triển khai tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội lên ứng dụng VNeID phục vụ nhu cầu tra cứu, theo dõi thông tin đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh.
Thống kê đến đầu tháng 5/2024 cho thấy đã có 110 triệu lượt truy vấn tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế và 16 triệu lượt truy vấn tích hợp thông tin sổ bảo hiểm xã hội lên ứng dụng VNeID.
Ông Đào Việt Ánh cho biết 3 năm qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam huy động nhiều nhân lực và chi phí để cấp và quản lý tài khoản VssID. Vì vậy, khi sử dụng tài khoản VNeID tập trung sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí, nguồn nhân lực.
Khó khăn xác định tính chính danh của người đang sử dụng
Tuy nhiên, theo chia sẻ của Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đang gặp khó khăn trong việc xác định tính chính danh của người đang sử dụng tài khoản để thực hiện hoạt động giao dịch điện tử. Đây cũng là khó khăn chung của các bộ, ngành, địa phương khi thực hiện giao dịch điện tử.
Để sẵn sàng triển khai sử dụng thống nhất tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cấp trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Công an sớm ban hành tài liệu hướng dẫn cụ thể về quy trình, cách thức kết nối, sử dụng tài khoản VNeID đáp ứng yêu cầu thực tiễn và quy định của Luật Căn cước 2023.
Nghiên cứu phương án kỹ thuật để xác thực được đúng chủ sử hữu tài khoản lúc thực hiện giao dịch để hạn chế trường hợp sử dụng thông tin định danh, xác thực của người khác để giao dịch, trục lợi.
Ông cũng đề nghị Bộ Công an phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc đồng bộ xác thực thông tin định danh cá nhân của 2,7% người tham gia còn lại đang chưa xác thực được giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bên cạnh đó, hướng dẫn cụ thể việc quản lý, duy trì, chuyển tiếp về mặt kỹ thuật đối với 35 triệu tài khoản định danh đã tồn tại của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để đảm bảo thực thi đúng Nghị định số 59 từ ngày 1/7/2024, tránh những khó khăn, vướng mắc cho người dân trong quá trình tương tác, giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội.