📞

Định hướng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đến năm 2030

Bảo Chi 07:00 | 13/11/2021
Ngày 12/11, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Tọa đàm định hướng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đến năm 2030 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh.
Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh chủ trì Tọa đàm định hướng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đến năm 2030. (Ảnh: Anh Sơn)

Tham dự Tọa đàm có Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao - Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, một số chuyên gia về ngoại giao kinh tế của Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực và đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Y tế.

Hiện nay Bộ Ngoại giao đang đẩy mạnh triển khai đường lối đối ngoại tiên phong, toàn diện, hiện đại và nhiệm vụ “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ” của Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Tọa đàm được tổ chức nhằm đánh giá kết quả triển khai công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian qua, nhất là kết quả thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW ngày 15/4/2010 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và trao đổi về định hướng cho giai đoạn tới.

Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh khẳng định, sau hơn 10 năm triển khai Chỉ thị 41, công tác ngoại giao kinh tế đã được triển khai đồng bộ, toàn diện và bài bản, đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, để đáp ứng với bối cảnh quốc tế thay đổi nhanh chóng, phục vụ các mục tiêu, yêu cầu phát triển mới của đất nước, công tác ngoại giao kinh tế cần đổi mới cả về nội dung và phương thức triển khai, đặc biệt là đẩy mạnh các nội hàm phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới: kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0, nông nghiệp thông minh, năng lượng sạch...

Các đại biểu và chuyên gia cho rằng còn nhiều dư địa để đẩy mạnh và phát huy vai trò của ngoại giao kinh tế. Thời gian tới, ngoại giao kinh tế cần phục vụ hiệu quả việc triển khai chủ trương và các định hướng lớn của Đại hội Đảng lần thứ XIII, bám sát thực tiễn quốc tế và trong nước, từ đó tăng cường nghiên cứu, tham mưu, kiến nghị chính sách phục vụ Chính phủ điều hành kinh tế-xã hội, góp phần làm sâu sắc quan hệ và gia tăng đan xen lợi ích với các đối tác.

Từ đó đóng góp vào việc đẩy mạnh hơn nữa thu hút đầu tư chất lượng cao, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, phát triển các thương hiệu quốc gia Việt Nam, nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong những lĩnh vực tạo động lực mới cho tăng trưởng như kinh tế số, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo…

Các đại biểu cũng kiến nghị cần đổi mới công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ ngoại giao kinh tế tự tin, bài bản và hiện đại.

Các ý kiến trao đổi tích cực, thẳng thắn và thiết thực của các đại biểu, chuyên gia tại Tọa đàm góp phần quan trọng để Bộ Ngoại giao tiếp tục triển khai xây dựng, hoàn thiện các định hướng của công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian tới, đóng góp vào việc hiện thực hóa các mục tiêu và khát vọng phát triển của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.