Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ truyền đạt chuyên đề “Định hướng tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. (Nguồn: TTXVN) |
Chiều 6/12, tiếp tục Chương trình làm việc của Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã truyền đạt chuyên đề “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, việc lập Quy hoạch tổng thế quốc gia là một nội dung rất lớn, phong phú, bao hàm tất cả các lĩnh vực, cung cấp cái nhìn xuyên suốt quá trình đổi mới vừa qua; định hướng tương lai phát triển của đất nước.
Phó Thủ tướng đã tập trung phân tích, làm rõ 4 nội dung chính: sự cần thiết quá trình xây dựng định hướng Quy hoạch tổng thế quốc gia; đánh giá thực trạng phát triển, tổ chức không gian phát triển đất nước, nội dung chủ yếu của định hướng Quy hoạch quốc gia; kế hoạch triển khai kết luận của Trung ương về định hướng Quy hoạch tổng thế quốc gia.
Tạo không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới
Đề cập đến sự cần thiết phải lập, ban hành Quy hoạch tổng thế quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, rà soát nhiệm kỳ 2011 đến nay, Việt Nam đã có 19.285 quy hoạch. Đây là một khối lượng khổng lồ nhưng lại chưa có một quy hoạch chung về phát triển kinh tế-xã hội ở tầm quốc gia.
Việc lập, ban hành Quy hoạch tổng thế quốc gia nhằm xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ mang tính kết nối, đồng bộ, thống nhất cao, tạo không gian phát triển, động lực tăng trưởng mới, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững và đạt được các mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cơ sở để lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia là căn cứ để xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công và thu hút đầu tư.
Phạm vi nội dung của Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định việc phân bố, tổ chức không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng mang tính chiến lược trên lãnh thổ, bao gồm: đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời.
Phạm vi của Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thể hiện những nội dung chủ yếu của quy hoạch, bao gồm các quan điểm, mục tiêu phát triển, tầm nhìn, những nhiệm vụ trọng tâm, các định hướng quan trọng về phát triển, phân bố không gian theo các ngành, lĩnh vực chủ yếu và vùng, lãnh thổ; giải pháp, cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức khoa học, thống nhất
Về “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Trung ương lưu ý, phải trên cơ sở nhận thức, quán triệt sâu sắc, đầy đủ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; bám sát, cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; căn cứ vào thực tế phát triển đất nước, đặc biệt là tổ chức không gian phát triển quốc gia 10 năm gần đây, xu thế phát triển trong nước và quốc tế.
Đối với không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức khoa học, hiệu quả, thống nhất trên phạm vi cả nước, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng trên cơ sở 6 vùng kinh tế-xã hội hiện nay, khai thác lợi thế so sánh của từng địa phương trong vùng và toàn vùng; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao và các tiềm năng, lợi thế khác cho phát triển để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững. Quy hoạch tổng thể quốc gia phải bảo đảm tính khả thi, tính kết nối cho các giai đoạn tiếp theo phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của nền kinh tế…
Quang cảnh hội nghị. (Nguồn: TTXVN) |
14 chỉ tiêu phát triển đất nước đến năm 2030
Đề cập tới mục tiêu, chỉ tiêu Quy hoạch tổng thể quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021-2030, trong đó vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng tăng khoảng 8-8,5%/năm.
Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD, trong đó vùng Đông Nam Bộ đạt khoảng 14.500 USD, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt khoảng 10.500 USD...
Về xã hội, quy mô dân số đến năm 2030 đạt khoảng 105 triệu người. Chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7. Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 32 m2.
Phát triển nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á. Tỷ lệ sinh viên đại học đạt 260/1 vạn dân. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%. Phát triển mạng lưới cơ sở y tế quốc gia đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân, hướng tới mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế. Đến năm 2030, đạt 35 giường bệnh và 19 bác sỹ/1 vạn dân; tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%.
Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của đất nước.
Về môi trường, giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42-43%; nâng cao chất lượng rừng, tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên; bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3 - 5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn đạt 3 triệu ha.
Tỷ lệ xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước khi xả thải vào lưu vực các sông đạt trên 70%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo quy định đạt 95%. Cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014.
Về quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Quy hoạch cũng đặt mục tiêu tầm nhìn đến năm 2050, nước ta là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70-75%. Chỉ số phát triển con người ở mức cao, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Chia sẻ thêm về định hướng các mục tiêu mà Quy hoạch tổng thế quốc gia đề ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hiện chỉ số phát triển con người của Việt Nam xếp thứ 115 trên thế giới, song thực tế là thuộc nhóm cao. Các mục tiêu của Quy hoạch được đề ra cao nhưng có thể thực hiện được nếu chúng ta khơi dậy được khát vọng, sự đồng thuận, đồng sức, đồng lòng trong toàn Đảng, toàn dân.
Về các nhóm giải pháp, theo Phó Thủ tướng, Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kết cấu hạ tầng; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với không gian phát triển mới; phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia và phát triển các hành lang kinh tế.