Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp các Đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ, tháng 3/2023. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Xây dựng đội ngũ chuyên gia
Từ năm 2009, trên cơ sở các nghiên cứu khoa học, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Bộ đã ban hành Quy chế Chuyên gia Bộ Ngoại giao nhằm mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; quy hoạch đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ chuyên sâu làm nòng cốt trong công tác tham mưu và góp phần tạo động lực để xây dựng, chính quy hóa và hiện đại hóa đội ngũ chuyên gia đầu ngành của Bộ.
Cùng với những sáng kiến, dự án lớn khác trong công tác cán bộ, những nỗ lực nêu trên đã phần nào đóng góp thiết thực vào thành tích xây dựng một đội ngũ cán bộ ngoại giao có năng lực, trình độ, tham gia triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong những năm qua. Phần lớn cán bộ được phong chuyên gia đã trở thành những nhà ngoại giao giỏi, được giao nhiều trọng trách, một số được Đảng và Nhà nước tin tưởng lựa chọn là Lãnh đạo của ngành. Trong tổng số 93 chuyên gia đã được phong, 9 đồng chí đã được bổ nhiệm vào các chức vụ từ Thứ trưởng trở lên.
Tuy nhiên, quá trình triển khai công tác chuyên gia đã xuất hiện một số bất cập cần được tháo gỡ. Thứ nhất, sự quan tâm đối với chức danh chuyên gia tương đối hạn chế, thể hiện qua sự thiếu tích cực của cán bộ trong việc tìm hiểu các quy định về chuyên gia, đề xuất quy hoạch chuyên gia hoặc sửa đổi quy chế chuyên gia. Thứ hai, tuy các chuyên gia là những cán bộ nòng cốt, có năng lực, đóng góp tốt cho công tác chung, những đóng góp này chỉ mới ở góc độ trách nhiệm của cán bộ quản lý, đóng góp từ góc độ chuyên gia chưa thực sự nổi bật, đặc biệt các trường hợp đã chuyển khỏi đơn vị phụ trách lĩnh vực chuyên gia. Thứ ba, mặc dù chúng ta phong chuyên gia trong 31 địa bàn, lĩnh vực, lực lượng chuyên gia tại các địa bàn, lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược còn mỏng.
Từ kinh nghiệm quốc tế, kết quả trao đổi với các bộ, ngành, những vấn đề nêu trên có thể bắt nguồn từ một số lý do cả chủ quan và khách quan.
Xét từ nguyên nhân chủ quan, cách tiếp cận hiện nay về chuyên gia có hướng đi từ “ngọn”, phong chuyên gia dựa trên các tiêu chuẩn, điều kiện của cá nhân, ít có tác dụng rõ rệt trong việc tạo động lực để cán bộ tiếp tục đóng góp sâu hơn trong lĩnh vực chuyên gia. Bên cạnh đó, quy định tách rời chức danh chuyên gia và chức vụ lãnh đạo, quản lý chưa phù hợp với thực tiễn tại Bộ Ngoại giao. Nhìn từ phía khách quan, có thể thấy rằng ngoài chế độ phụ cấp rất khiêm tốn theo Thông tư số 04/2011/TT-BNG được ban hành năm 2011 và quy định về Chuyên gia cao cấp dành cho một số ít cán bộ Lãnh đạo của các ngành dân sự khác, pháp luật chưa có văn bản nào quy định chế độ ưu đãi đặc thù về bồi dưỡng, bố trí công tác, sử dụng, đề bạt, đãi ngộ về vật chất và tinh thần… đối với cán bộ ngoại giao nói chung. Yếu tố vinh danh nhờ chức danh “chuyên gia” cũng tương đối mờ nhạt. Bên cạnh đó, những quy định về bảo mật cũng hạn chế khả năng tiếp cận các nguồn tin có giá trị, đối tác… để cập nhật, trao đổi thông tin, quan điểm, duy trì mạng lưới đối tác, vốn là những yếu tố đầu vào quan trọng để bảo đảm chất lượng đóng góp của chuyên gia đối với công tác chuyên môn.
Đề xuất cho giai đoạn mới
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Ngọc An |
Hiện nay, việc xây dựng một đội ngũ cán bộ ngoại giao tinh nhuệ với nhiều chuyên gia đầu ngành và cán bộ chuyên sâu là rất phù hợp với chủ trương chung của Đảng và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành.
Theo đó, Bộ Ngoại giao đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành Chiến lược xây dựng và phát triển ngành ngoại giao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong số những đề án, nhiệm vụ nhằm thực hiện Chiến lược, phát triển đội ngũ cán bộ chuyên gia, chuyên sâu là một nội dung được Bộ Ngoại giao rất quan tâm thúc đẩy, trên cơ sở bám sát một số định hướng, quan điểm cơ bản như sau:
Thứ nhất, cách tiếp cận về đội ngũ chuyên gia, chuyên sâu cần được điều chỉnh theo hướng chủ động, hệ thống, có quy hoạch, liên kết đồng bộ, chặt chẽ giữa các khâu đào tạo, bồi dưỡng - bố trí, sử dụng, đánh giá - chế độ đãi ngộ, có trọng tâm, trọng điểm vào các địa bàn, lĩnh vực thực sự có tầm quan trọng chiến lược, cấp bách. Các quy định cần được thiết kế theo hướng có vào - có ra, có biện pháp chế tài gắn với trách nhiệm của cá nhân và cơ quan quản lý để bảo đảm tính hiệu lực và hiệu quả của chính sách. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có những bước thử nghiệm, thí điểm trước khi triển khai chính sách một cách rộng rãi.
Thứ hai, việc xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên gia, chuyên sâu phải được đặt trong tổng thể xây dựng hệ sinh thái học tập suốt đời của Bộ Ngoại giao, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và yêu cầu của Bộ về nâng cao chất lượng tham mưu, tư vấn và triển khai chính sách, đồng thời phù hợp với đặc thù cán bộ ngoại giao thường xuyên thay đổi vị trí công tác. Theo đó, cán bộ cần được tạo điều kiện phát triển toàn diện theo hướng đa năng, đa lĩnh vực để có thể đảm nhận hiệu quả mọi nhiệm vụ khi được điều động.
Thứ ba, trong bối cảnh các quy định hiện hành về phát triển cán bộ theo hướng chuyên gia, chuyên sâu chưa được hoàn thiện, kinh phí hết sức hạn hẹp, Bộ cần tìm kiếm thêm các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài, đặc biệt cho các chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Phát triển và duy trì nguồn nhân lực chất lượng cao với hạt nhân là đội ngũ cán bộ chuyên sâu là một nhiệm vụ cấp thiết và không đơn giản. Bản thân tác giả hy vọng những kết quả thảo luận tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 và đặc biệt là Đề án Chiến lược xây dựng và phát triển ngành ngoại giao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được phê duyệt, ban hành sẽ cung cấp những gợi mở, đòn bẩy cần thiết để Bộ Ngoại giao có thể triển khai thành công nhiệm vụ này.