Đó là nhận định của các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “ASEAN - Trung Quốc: Làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược hướng tới kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại hai bên” được tổ chức vào ngày 19/5 vừa qua ở Manila, Philippines.
Hội thảo này nhận được nhiều sự quan tâm vì diễn ra trong bối cảnh Toà án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) sắp đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông.
Đối mặt với những bất đồng
Trong phát biểu dẫn đề tại phiên khai mạc Hội thảo, Trưởng đoàn Trung Quốc, Giáo sư Sun Jisheng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh: “Cơ hội hợp tác là khó có thể đảo ngược. Nhận thức tầm quan trọng của việc củng cố và tăng cường quan hệ Trung Quốc - ASEAN trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng, cả hai bên cần coi trọng những thành quả hợp tác đã nỗ lực rất nhiều để vượt lên trên những bất đồng hiện tại, thúc đẩy tiến trình hội nhập, hợp tác để phát triển”.
Hội thảo quy tụ chuyên gia, học giả tại các viện nghiên cứu, trường đại học hàng đầu khu vực. |
Theo Giáo sư Hoo Tiang Boon, Đại học Công nghệ Singapore (RSIS, NTU), việc các bên thừa nhận sự tồn tại của những bất đồng phản ánh cách tiếp cận linh hoạt, bám sát thực tiễn quan hệ, đồng thời cho thấy những tín hiệu tích cực là quan hệ có thể vượt qua được những rào cản để thực sự bước vào giai đoạn phát triển mới, xây dựng và củng cố niềm tin chiến lược của mối quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc.
Các đại biểu tham gia Hội thảo nhất trí thúc đẩy đối thoại thực chất, ủng hộ phái bồ câu (có quan điểm chủ trương mong muốn hòa bình và phát triển) có tiếng nói trọng lượng hơn, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của phái diều hâu (chủ chiến) trong hoạch định chính sách.
Về hợp tác an ninh - chính trị và các điểm nóng an ninh trong khu vực, đặc biệt là tranh chấp ở Biển Đông, nhiều chuyên gia thẳng thắn phân tích những nguyên nhân dẫn tới tình trạng căng thẳng, bế tắc trong xử lý khủng hoảng, chỉ rõ những “điểm mờ” trong cách tiếp cận và hành xử của Trung Quốc. Cụ thể là từ yêu sách mập mờ đường 9 đoạn, thái độ bất hợp tác từ chối sử dụng công cụ của Tòa Trọng tài quốc tế về giải quyết tranh chấp, tới những hành động sử dụng vũ lực chiếm đóng, hoặc tìm cách thay đổi nguyên trạng theo hướng có lợi trong vùng biển đang tranh chấp... Đây sẽ là cản trở lớn nhất đối với tiến trình hòa giải và tìm hướng ra cho bế tắc hiện nay.
Đại tá Francis Alaurin, Trưởng phòng nghiên cứu chiến lược Philippines (OSSSM) chỉ rõ trong va chạm với Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough (mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham), phía Philippines đã gửi 19 công hàm phản đối tới chính quyền Bắc Kinh, điều mà ông gọi là “phía Philippines đã khai thác hết tất cả các nguồn lực ngoại giao có thể có để hợp tác với phía Trung Quốc (mà không có kết quả)”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Ngeow Chow Bing, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Malaya (Malaysia) cho biết, vì quan hệ của Malaysia với Trung Quốc rất tốt, có thể được đánh giá là mối quan hệ thân thiện nhất của Trung Quốc với các nước ASEAN, nên chính nước này cũng rất bất ngờ trước những hành xử bất chấp hậu quả của Trung Quốc từ năm 2013. Tuy Malaysia không phủ nhận Trung Quốc có quyền hợp pháp đối với một số đảo đá trong vùng biển tranh chấp, nhưng khẳng định sẽ cực kỳ vô lý nếu Trung Quốc nêu yêu sách đòi chủ quyền gần như tất cả Biển Đông.
Giáo sư Hoo Tiang Boon (NTU) nhấn mạnh, Trung Quốc cần phải xác định rõ mục tiêu của mình, vì nếu đặt mục tiêu quá rộng, thì Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ phải hứng chịu sức ép dư luận là quá yếu mềm, hay quá thụ động trong trường hợp không bảo vệ được cái tự nhận là “lợi ích quốc gia cốt lõi”.
Các đại biểu của trường Đại học Ngoại giao Trung Quốc tuy vẫn nhắc lại quan điểm của Chính phủ Trung Quốc, cho rằng tranh chấp Biển Đông nóng lên là do những nguyên nhân chủ quan, trong đó có sự can thiệp của các cường quốc như Nhật, Mỹ nhưng bước đầu có xu hướng tiếp cận các quan điểm của đại biểu ASEAN một cách ôn hòa tích cực hơn trước.
Hợp tác kinh tế nổi trội
Về những dự án hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và ASEAN, hầu hết ý kiến của các học giả ASEAN, đặc biệt là Malaysia, Singapore và Việt Nam, đều đánh giá cao những cố gắng của Trung Quốc trong thúc đẩy hợp tác khu vực, đặc biệt là các sáng kiến về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, Giáo sư Pou Sovachna, Phó Giám đốc Viện Hòa bình và Hợp tác Campuchia cũng lưu ý về khả năng chồng chéo, trùng lặp có thể xảy ra của các dự án khu vực và tiểu khu vực.
Trong khi đó, ông Prateep Chaylee, Đại học Naresuan (Thái Lan) thì bày tỏ mong muốn những dự án này nên hướng tới phát triển xanh bền vững gắn với môi trường, song song với các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, tránh gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng tới môi trường cũng như tạo ra sự hoang mang, khó hiểu trong dư luận các nước.
Nhìn chung, các nước đều kỳ vọng những dự án này sẽ giúp các nền kinh tế kém phát triển tận dụng cơ hội hợp tác nhưng cũng lưu ý tuyệt đối không nên gài, ghép với những mục đích chính trị, ý đồ chiến lược của một số nước, đi ngược lại lợi ích chung của khu vực.
Học giả các nước ASEAN và Trung Quốc đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường phát triển nguồn nhân lực để làm nền tảng gắn kết quan hệ ASEAN - Trung Quốc, tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ, sử dụng vũ khí của sức mạnh tư tưởng trong thúc đẩy quan hệ hai bên.
Đây là hội thảo đầu tiên của nhóm chuyên gia trong khuôn khổ Mạng lưới think-tank ASEAN - Trung Quốc (NACT) được thành lập theo sáng kiến của Trung Quốc năm 2014 và được Trung Quốc tài trợ hoàn toàn. Hội thảo kênh 2 này là một phần trong nỗ lực chung của Trung Quốc tìm cách xích lại và hàn gắn quan hệ vốn sứt mẻ khá nhiều với các nước ASEAN, đặc biệt là các nước có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc. Hội thảo quy tụ chuyên gia, học giả tại các viện nghiên cứu, trường đại học hàng đầu khu vực. Về phía nước chủ nhà có Thứ trưởng Ngoại giao, cựu Đại sứ Philippines tại Hà Nội, bà Laura Q. Del Rosario, tham dự. Trao đổi của đại biểu từ cả hai phía rất thẳng thắn, tích cực, mang tính xây dựng. Các tham luận, chia sẻ đều xuất phát từ thành ý muốn đóng góp vào sự phát triển chung của quan hệ ASEAN-Trung Quốc vì lợi ích chung của hai bên, đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh của khu vực. |
Giáo sư Ngeow Chow Bing mong muốn Trung Quốc và ASEAN sẽ đẩy mạnh nghiên cứu thực địa, tăng cường hiểu biết giữa nhân dân các nước, mở rộng cấp học bổng cho các lĩnh vực nghiên cứu quan hệ đối ngoại của Trung Quốc với bên ngoài. Cụ thể, Giáo sư Sovachana trích nguồn tham khảo từ Viện giáo dục thế giới cho biết: giáo dục bậc đại học của Trung Quốc ngày càng có xu hướng quốc tế hóa cao, năm 2014 có gần 380.000 sinh viên từ hơn 200 nước đang theo học tại các trường đại học của Trung Quốc.
Đặc biệt, khái niệm quyền lực trí tuệ và lãnh đạo bằng trí tuệ áp dụng trong quan hệ Trung Quốc với các nước trong phần tham luận của học giả Việt Nam ngay tại phiên đầu của Hội thảo đã thu hút sự chú ý đặc biệt của các đại biểu.
Trao đổi trong phiên họp và bên lề Hội thảo, Giáo sư Han Zhili, Đại học Ngoại giao Trung Quốc tỏ ra rất quan tâm về khái niệm này, đánh giá đây là cách tiếp cận rất mới, có tính xây dựng đối với giai đoạn then chốt khi quan hệ hợp tác Trung Quốc - ASEAN ngày càng đi vào chiều sâu, không thể né tránh những vấn đề vướng mắc còn tồn tại như giai đoạn 25 năm đầu.
Rõ ràng, tuy bất đồng còn tồn tại và không dễ giải quyết trong thời gian ngắn, nhưng hai bên đều nhận thức được tầm quan trọng của nhu cầu đối thoại, tham khảo lẫn nhau, điều đó cho thấy qua thực tiễn tương tác, thậm chí là cọ xát, cả các nước ASEAN và Trung Quốc đã kịp thời điều chỉnh cách nhìn nhận, đánh giá về nhau, cũng như kỳ vọng của mỗi bên đối với mối quan hệ này. Những cơ hội để trao đổi, đối thoại giữa Trung Quốc và các nước ASEAN như Hội thảo lần này có thể là những “vườn ươm”, hứa hẹn mở ra những không gian hợp tác mới của quan hệ hai bên trong thời gian tới.