Sự kiện có sự tham gia của khoảng 200 đại biểu đến từ các bộ ban ngành nhà nước, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, các tổ chức của và vì người khuyết tật và các hội, nhóm người khuyết tật và đông đảo người khuyết tật.
Tại đây, các vấn đề về tiếp cận giao thông, công trình xây dựng, công nghệ thông tin, tiếp cận phổ quát cho người khuyết tật đã được chia sẻ, thảo luận sôi nổi. Đặc biệt, Ban tổ chức đã phát động chiến dịch truyền thông và cuộc thi “Đồng hành cùng D.Map - Go with D.Map” - ứng dụng trên điện thoại thông minh được phát triển với sự tài trợ của UNDP và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cùng với hỗ trợ kỹ thuật ban đầu của Đại học Hoa Sen.
Đại biểu tham dự sự kiện. (Nguồn: BTC) |
Với thông điệp “Không bỏ ai lại phía sau”, D.Map được xây dựng trên nền tảng iOS và Android cùng phiên bản web với mong muốn giúp người khuyết tật có thể tìm kiếm các địa điểm được xây dựng có hạng mục tiếp cận/thuận tiện cho họ sử dụng (công viên, công sở, văn phòng, quán xá…), cung cấp những thông tin này đặc biệt quan trọng với người khuyết tật, người già … khi họ có kế hoạch di chuyển. Ứng dụng này cũng đồng thời giúp cộng đồng nhận thức về những khó khăn và nhu cầu hoà nhập chính đáng của người khuyết tật trong bối cảnh hạ tầng đô thị chưa đáp ứng.
Phát biểu tại đây, Nhà giáo nhân dân, TS. Đặng Huỳnh Mai - Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết Đảng, nhà nước đặc biệt quan tâm đến người khuyết tật thông qua Luật và các Nghị định, Thông tư. Từ Đề án 1019 hỗ trợ cho người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 đến Kế hoạch số 1100/2016/TTg triển khai Công ước Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật, trong đó quyền được tiếp cận giao thông của người khuyết tật được đưa vào một trong các vấn đề ưu tiên hàng đầu.
“Chúng ta đã tổ chức Hội thảo tiếp cận Hàng không với người khuyết tật vào tháng 5/2016 tại Đà Nẵng. Ngay sau đó những người khuyết tật đã được tiếp cận hoàn toàn với Hãng hàng không Việt Nam Airline, các sân bay trong cả nước và họ không phải ký “giấy miễn trừ trách nhiệm” nữa.
Người khiếm thính đã được hướng dẫn an toàn bay bằng ngôn ngữ ký hiệu của phiên dịch trên tất cả các chuyến bay của Vietnam Airline. Bộ Giao thông vận tải; Tổng cục hàng không Việt Nam và rất nhiều các đơn vị ngành dịch vụ hàng không đã lắng nghe và đồng hành cùng chúng tôi, giúp người khuyết tật. Điều này thể hiện sự tiến bộ của nước ta khi thực hiện Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật”, TS. Đặng Huỳnh Mai nói .
Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen cũng nêu rõ, cần đảm bảo tiến bộ công nghệ phục vụ tất cả mọi người, đặc biệt là người khuyết tật. Theo bà, với sự tham gia của tất cả mọi người, ứng dụng D.Map sẽ giúp người khuyết tật có thể sống độc lập hơn, tiếp cận được nhiều địa điểm công cộng hơn và từ đó có thể tham gia nhiều hơn vào xã hội và được sống theo cách mình muốn.
Ngày người khuyết tật Việt Nam được chính thức công nhận là Ngày 18/4 theo Pháp lệnh người tàn tật năm 1998 và Luật người khuyết tật năm 2010. Ngày 18/4 được coi là ngày hội người khuyết tật, các tổ chức xã hội, tập thể, cá nhân đều có các hành động để hướng đến ngày này. Các hoạt động trong ngày người khuyết tật Việt Nam như giao lưu văn nghệ - thể thao, trao tặng quà, tư vấn và tuyển dụng việc làm, tư vấn kỹ năng sống, hướng dẫn chăm sóc bảo vệ sức khỏe, khám chữa bệnh miễn phí... cho người khuyết tật. |