📞

Đồ điện chống nóng lại vào mùa làm ăn

17:57 | 10/04/2008
Quạt công nghiệp đang bán chạy, bên cạnh quạt điện thường, quạt sạc điện và máy lạnh. Nhà máy nào ở phía Nam cũng phải trang bị thêm quạt cho công nhân làm việc trong xưởng.

"Mỗi chuyền trong xí nghiệp phải tăng cường thêm 1-2 máy quạt nữa công nhân mới đứng máy nổi. Gần đây, đã có một số công nhân xỉu tại chỗ vì không chịu nổi cái nóng oi bức của khí hậu", anh Trần Đức Thịnh (nhân viên một công ty may quận Gò Vấp) cho biết. Tại cửa hàng trưng bày và bán các loại quạt điện trên đường Nguyễn Oanh, phường 17, quận Gò Vấp, TP HCM, anh đang chọn mua 10 chiếc quạt công nghiệp loại trụ đứng mang về lắp trong công ty.

Theo các chủ cửa hàng quạt điện tại TP HCM, lượng khách hàng đến mua quạt điện đang tăng lên mỗi ngày, gồm cả hộ gia đình, nhà máy, xí nghiệp, công ty, trường học. Doanh số bán hàng có nơi tăng 40-50% so với tháng trước.

"Bán chạy nhất là các loại quạt treo tường, quạt tháp điều khiển từ xa, quạt tháp nhỏ để bàn, quạt hộp dùng cho gia đình; quạt đứng công nghiệp dùng trong các nhà máy, xí nghiệp", chị Thu Tâm, phụ trách một showroom cho biết.  

Quạt treo tường loại thường cũng khá hút hàng vì giá mềm, khoảng 200.000-240.000 đồng một cái. Loại quạt treo tường điều khiển từ xa tiện dụng hơn nhưng cũng đắt hơn, giá khoảng 400.000 đồng.

Quạt công nghiệp loại đứng có bộ điều khiển từ xa, sải cánh 40cm giá từ 400.000-540.000 đồng một cái, loại thường chỉ khoảng 330.000 đồng một cái, quạt treo tường công nghiệp loại cánh dài 50-60cm giá từ 540.000 đến 620.000 đồng một cái. So với cách đây khoảng một tháng, giá quạt hiện nay tăng 10-15%, nhưng bán vẫn chạy. Không chỉ các nhà máy, xưởng sản xuất có nhu cầu loại quạt này, mà các quán beer đông khách cũng tìm mua.

Anh Lê Minh Tuấn – cửa hàng trưởng chi nhánh quận Gò Vấp công ty quạt VN Asia cho biết: Cách đây một tuần, công ty đã cho áp dụng bảng giá mới, đồng loạt tăng thêm 10% so với giá bán cũ. Trước đó, vào đầu tháng 2, công ty cũng đã tiến hành tăng giá bán khoảng 5%. “Giá nguyên vật liệu, nhân công, phí vận chuyển tăng chóng mặt, phải điều chỉnh giá bán công ty mới có thể tồn tại được”, anh Tuấn giải thích.

Trên thị trường quạt điện, hiện nay có hơn 30 loại nhãn hiệu khác nhau. Đón đầu mùa nóng năm nay, hàng loạt công ty như Asia, Pana, Lifan, Mitsuvina... đã đưa ra nhiều mẫu mã đẹp, màu sắc bắt mắt. Chị Kim Cúc, chủ cửa hàng quạt máy đường Nguyễn Biểu, quận 5 TP HCM cho hay: các màu như thiên thanh, lá mạ, sữa, xám được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất.

“Chất lượng, giá cả giữa các các hãng rất cạnh tranh. Cùng chủng loại, kích cỡ, giá mỗi chiếc chênh lệch chỉ khoảng 10.000-20.000 đồng, tùy theo có thêm một số chức năng như đèn ngủ, hẹn giờ. Cho nên, yếu tố cạnh tranh thu hút người mua vẫn là màu sắc, kiểu dáng”, chị Cúc tiết lộ.

Nhiều người vội vã trang bị 1-2 chiếc quạt sạc điện trong nhà, vì biết chủ trương cắt điện luân phiên của “nhà đèn”. Tại các tiệm đồ điện đường Lý Thường Kiệt, chợ Tân Bình, TP HCM, lượng khách mua quạt sạc điện chiếm đến 30%, giá cũng leo lên ít nhiều.

Chị Thanh Dung, chủ một cửa hàng bán đồ điện gia dụng tại chợ Tân Bình cho biết: Giá một chiếc quạt sạc điện từ 150.000 đến 300.000, đồng, tùy kích cỡ và xuất xứ và có chút chênh lệch khoảng 30.000-50.000 đồng giữa các cửa hàng. “Loại hàng này chủ yếu là để phòng hờ, đợi đến lúc cúp điện mới lấy ra xài, không bền như quạt chạy điện trực tiếp”, chị Dung thật tình cho biết. Đèn sạc điện cũng đang bán rất chạy. 

Theo các đại lý bán hàng, máy điều hòa nhiệt độ bán chạy nhất vẫn là hàng Toshiba, Mitsubishi, National. Hiện nay trên thị trường có tới hơn 20 loại nhãn hiệu máy lạnh khác nhau với giá cả dao động từ 5 đến 10 triệu đồng/chiếc.

Máy cũ đã qua sử dụng có giá chỉ bằng khoảng từ 40 đến 60%. Tuy nhiên, xu hướng người tiêu dùng là không chuộng máy cũ. Chị Trương Bích Đào, ngụ đường Bà Hom, quận 6, TP HCM cho hay gia đình chị vừa mua một máy lạnh cũ với giá 3 triệu đồng. Theo lời của nhân viên bán hàng, đây là loại máy sử dụng văn phòng, dù đã qua sử dụng nhưng vẫn còn mới. Công ty giải thể nên thanh lý lại với giá rẻ.

Tuy nhiên, “tiền nào của ấy”, máy cũ xài hao điện, thường xuyên xảy ra trục trặc. Mỗi lần như vậy, phải mất thời gian chờ đợi 2-3 ngày cửa hàng mới cho nhân viên kỹ thuật xuống kiểm tra. “Trời nắng nóng như thế, đâu thể ngồi chờ mấy ngày trời. Đành phải gọi thợ đến sửa cho nhanh. Mỗi lần tốn hết 100.000-150.000 đồng. Như vậy tính ra còn mắc hơn mua máy mới”, chị Đào kết luận.

Theo VNE