Đăng ký nghĩa vụ quân sự là gì?
Căn cứ quy định tại Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì có thể hiểu đăng ký nghĩa vụ quân sự là việc lập hồ sơ về nghĩa vụ quân sự của công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Việc đăng ký nghĩa vụ quân sự phải đảm bảo thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
- Đúng đối tượng, trình tự thủ tục, chế độ chính sách theo quy định của pháp luật.
- Thống nhất, công khai, minh bạch, thuận lợi cho công dân.
- Quản lý chặt chẽ, nắm chắc số lượng, chất lượng, nhân thân của công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự.
- Mọi thay đổi về cư trú của công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự phải được đăng ký và quản lý theo quy định của pháp luật.
Độ tuổi đăng ký nghĩa vụ quân sự là bao nhiêu?
Căn cứ quy định tại Điều 12 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì độ tuổi đăng ký nghĩa vụ quân sự của nam và nữ như sau:
- Công dân nam đủ 17 tuổi trở lên.
- Công dân nữ có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân đủ 18 tuổi trở lên.
Ai không được đăng ký nghĩa vụ quân sự?
Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây không được đăng ký nghĩa vụ quân sự:
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích;
- Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) hoặc đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Khi hết thời hạn áp dụng các biện pháp nêu trên, công dân được đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Căn cứ: Điều 13 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015
Ai được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự?
Căn cứ Điều 14 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật.
Cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự
- Ban Chỉ huy quân sự cấp xã thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự cho công dân cư trú tại địa phương.
- Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự cho công dân làm việc, học tập tại cơ quan, tổ chức và tổng hợp báo cáo Ban Chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi chung là cấp huyện) nơi cơ quan, tổ chức đặt trụ sở; trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự ở cơ sở thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức cho công dân thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự tại nơi cư trú.
Căn cứ: Điều 15 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015
Hồ sơ, thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu
Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi chung là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện) ký Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự, Giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự và giao cho Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là Ban Chỉ huy quân sự cấp xã) thực hiện.
(1) đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu
- Phiếu tự khai sức khỏe nghĩa vụ quân sự;
- Bản chụp giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy khai sinh (mang theo bản chính để đối chiếu).
(2) Trình tự thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu
- Trước thời hạn 10 ngày, tính đến ngày đăng ký nghĩa vụ quân sự, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã có trách nhiệm chuyển Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự đến công dân. Trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự, thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chuyển Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự đến công dân;
- Sau khi nhận được Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, công dân thuộc đối tượng quy định tại Điều 12 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 có trách nhiệm đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã để trực tiếp đăng ký nghĩa vụ quân sự. Trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự, thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chuyển Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự đến công dân, tổ chức cho công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu tại nơi cư trú;
- Trong thời hạn 01 ngày, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã có trách nhiệm đối chiếu bản gốc giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy khai sinh; hướng dẫn công dân kê khai Phiếu tự khai sức khỏe nghĩa vụ quân sự, đăng ký các thông tin cần thiết của công dân vào Sổ danh sách công dân nam đủ 17 tuổi trong năm, Sổ đăng ký công dân sẵn sàng nhập ngũ và chuyển Giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự cho công dân ngay sau khi đăng ký;
- Trong thời hạn 10 ngày, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã tổng hợp kết quả báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện; Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện quản lý hồ sơ công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu. Tổng hợp kết quả báo cáo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh (gọi chung là Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh).
Căn cứ: Điều 4 Nghị định 13/2016/NĐ-CP
| Nghĩa vụ quân sự 2024: Khi nào đi? Đi mấy năm? Trường hợp nào không phải nhập ngũ? Xin hỏi thời gian nhập ngũ năm 2024 là khi nào? Nghĩa vụ quân sự năm 2024 đi mấy năm? Trường hợp nào thì sẽ ... |
| Lịch nhập ngũ năm 2024: Lệnh gọi nhập ngũ năm 2024 được giao khi nào? Xin hỏi thời gian nhập ngũ năm 2024 sẽ diễn ra từ tháng mấy đề tháng mấy? Lệnh gọi nhập ngũ phải được giao cho ... |
| Những trường hợp nào không được đăng ký nghĩa vụ quân sự? Theo Điều 13 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, công dân thuộc 03 trường hợp không được đăng ký nghĩa vụ quân sự. Mời độc ... |
| Sức khỏe loại 3 có phải đi nghĩa vụ quân sự không? Xin cho tôi hỏi sức khỏe loại 3 có phải đi nghĩa vụ quân sự hay không? - Độc giả Hoàng Long |
| Những trường hợp nào được tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ? Tạm hoãn và miễn gọi nhập ngũ trong thời bình thực hiện theo quy định tại Điều 41 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015. ... |