📞

Đổ xô chuyển "tài khoản" tiết kiệm vào CK

17:37 | 16/06/2008
Ghé qua một số ngân hàng TMCP tại Hà Nội sáng nay 16/6, người dân đi rút tiền gửi tiết kiệm trước kỳ hạn khá đông. Lý do hầu hết người dân cho biết là để đầu tư lại vào chứng khoán.

Nhóm cổ phiếu chủ chốt tăng trần là một tín hiệu tốt giúp nhà đầu tư (NĐT) giải tỏa tâm lý bế tắc trong một thời gian dài. Hậu 3 phiên liên tục tăng giá là lượng tiền gửi tiết kiệm đang được NĐT rút ồ ạt để chuyển vào tài khoản chứng khoán.

 

Anh Thành, người dân ở khu tập thể Nghĩa Tân (Cầu Giấy) cho biết: “Chứng khoán đang lên, nếu đầu tư vào nhóm đầu 1 (mã blue-chips), chỉ tính chia cổ tức đã được trên 20%, trong khi gửi tiết kiệm cao nhất cũng chỉ trên 18% mà lại phải gửi kỳ hạn dài. Thị trường có dấu hiệu có thể lướt sóng được rồi, tôi rút tiền trước kỳ hạn để đầu tư lại vào chứng khoán cũng không phải cá biệt”.

 

Trao đổi với một ngân hàng trong khối TMCP, đại diện ở đây thừa nhận là có hiện tượng người dân đi rút tiền trước kỳ hạn mấy ngày gần đây. Nhưng theo khẳng định của vị đại diện này “ lượng tiền rút ra quá nhỏ, quá ít so với tổng huy động của chúng tôi, nên ngân hàng cũng không để tâm nhiều”.

 

Tại các công ty chứng khoán, bộ phận dịch vụ, môi giới khách hàng bận rộn hơn trong 3 phiên giao dịch gần đây. Theo anh Trần Hải, Phụ trách mảng đại lý và dịch vụ khách hàng của Công ty chứng khoán Công thương (IBS), NĐT đặt lệnh mua vào rất nhiều, bán ra giảm dần.

 

“3 ngày nay, NĐT muốn mua vào phải đặt lệnh từ sớm, chứ đặt vào cuối giờ gần như không mua được”, anh Hải nói.

 

Anh Hải cũng cho biết thêm, cùng với lượng tiền nhà đầu tư “đổ” vào tài khoản đang tăng lên hàng ngày, hôm nay sàn giao dịch IBS ở Bà Triệu có thêm 10 tài khoản mới, trong đó có một tổ chức.

 

“Tâm lý NĐT đã được giải tỏa, các cổ phiếu chủ chốt STB, SSI, ACB... tăng đang kích thích thị trường đi lên. Trong tuần này, nếu biên độ được UBCK nới rộng về như cũ, đà tăng trưởng của thị trường sẽ vững chắc hơn”.

 

Ông Hoàng Xuân Quyến, Giám đốc phân tích đầu tư của Công ty Chứng khoán Tân Việt, lại lo ngại về khả năng lướt sóng sẽ làm chỉ số trên hai sàn khó giữ được xu hướng tăng trong tuần này.

 

“Thị trường đang cần nhóm NĐT đầu tàu có khả năng dẫn dắt thị trường củng cố xu hướng mua vào, tôi lo ngại sau 2, 3 phiên tăng, một số tổ chức sẽ tranh thủ bán ra”.

 

Do đó, ông Quyến cho rằng xu hướng đi lên của thị trường hiện nay vẫn chưa ổn định, các ngân hàng cần ngừng giải chấp, ổn định hơn về mặt bằng lãi suất huy động...

 

Về phía NĐT, khá nhiều người dự đoán giá chứng khoán vẫn còn tăng tiếp trong mấy phiên tới.

 

“Giá cổ phiếu đã giảm quá thấp so với suy nghĩ của nhiều người, thị trường cũng có nhiều dấu hiệu chạm đáy nên đây là thời điểm để mua vào. Sáng nay tôi cũng đã nộp thêm vào tài khoản hơn 100 triệu đồng, nếu thị trường tốt hơn nữa tôi sẽ nộp vào tiếp”, anh Mạnh, một NĐT cho hay.

Theo Dân Trí