Ngày 22/8, Đoàn Đảng uỷ khối Doanh nghiệp Trung ương do đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Bí thư Đảng uỷ khối dẫn đầu đã làm việc với Bộ Tài chính Hà Lan - cơ quan chính phủ, chủ sở hữu vốn nhà nước của 14/30 doanh nghiệp nhà nước thuộc một số ngành quan trọng với lợi ích quốc gia và cộng đồng như: năng lượng, giao thông và cơ sở hạ tầng (đường sắt, tàu điện, hàng không sân bay và cảng biển), xổ số và casino tại Hà Lan.
Đại diện Bộ Tài chính Hà Lan đã chia sẻ thông tin và kinh nghiệm quản lý các doanh nghiệp thông qua việc lập hội đồng giám sát độc lập và thuê ban lãnh đạo điều hành, không can thiệp vào công việc kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải độc lập đảm bảo hiệu quả hoạt động, tích lũy vốn để tái đầu tư và huy động vốn tín dụng từ ngân hàng.
Đoàn Đảng ủy khối các doanh nghiệp Trung ương tại Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan. (ĐSQ VN tại Hà Lan) |
Đoàn cũng đã đến thăm cảng Rotterdam và sân bay Schiphol - hai doanh nghiệp thuộc sở hữu của Chính phủ Hà Lan trong lĩnh vực hàng hải, hạ tầng hàng không.
Cảng Rotterdam với 70% vốn sở hữu của chính quyền thành phố Rotterdam và 30% vốn sở hữu của chính phủ Hà Lan (do Bộ Tài chính là chủ sở hữu), hoạt động với tư cách là 1 doanh nghiệp độc lập, là một tổ hợp sinh thái cảng và liên hợp công nghiệp và dịch vụ, tạo ra 90 nghìn việc làm trực tiếp và 340 nghìn việc làm liên quan với doanh số 240 triệu Euro và giúp các doanh nghiệp đầu tư trên khu vực cảng tạo ra doanh thu 46 tỷ Euro/năm.
Cảng Rotterdam thu nhập chính từ cho thuê hạ tầng nhằm khai thác kinh doanh, thu phí quản lý, ra vào cảng và dịch vụ tư vấn phát triển cảng trên thị trường quốc tế.
Đoàn Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương thăm và làm việc với các đối tác Hà Lan. (Nguồn: ĐSQ VN tại Hà Lan) |
Trong khi đó, sân bay Schiphol do Tập đoàn Schiphol Group quản lý với 70% cổ phần thuộc Chính phủ Hà Lan, 20% thuộc thành phố Amsterdam, 2% cổ phần của thành phố Rotterdam và 8% cổ phần của tập đoàn ADP là chủ sở hữu của sân bay Charle de Gaulle Paris (phía Hà Lan cũng có cổ phần tương ứng là 8% tại sân bay Charle de Gaulle Paris) cũng là một điển hình thành công của doanh nghiệp nhà nước Hà Lan.
Sân bay Schiphol hoạt động rất hiệu quả với 71,1 triệu hành khách năm 2018, khoảng 500 nghìn chuyến bay, doanh thu 1,5 tỷ Euro với 254 triệu Euro lợi nhuận tịnh với nguồn thu từ 4 dòng hoạt động chính: hàng không, bất động sản (khách sạn, văn phòng, cửa hàng cho thuê tại khu vực sân bay và vùng lân cận), dịch vụ ăn uống và mua sắm tại sân bay, đầu tư ra nước ngoài và quan hệ đối tác chính. Thành viên ban điều hành là 3 giám đốc và ban giám sát gồm 7 thành viên do hội đồng cổ đông đề cử và bình chọn với sự phê duyệt của Bộ Tài chính (chủ sở hữu chính).
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Đoàn đã đến thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan, nghe Đại sứ Ngô Thị Hòa cập nhật tình hình hợp tác kinh tế-thương mại song phương và thảo luận về cơ hội, tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực mà Việt Nam và Hà Lan có thế mạnh.
Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Bí thư Đảng uỷ khối Doanh nghiệp Trung ương nhận định qua chuyến công tác, đoàn đã thu được những kiến thức và kinh nghiệm quý giá về mô hình, cách thức quản lý công ty nhà nước tại Hà Lan để có thể đề xuất thêm nhiều sáng kiến cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.
Về phần mình, Đại sứ Ngô Thị Hòa khẳng định Đại sứ quán sẵn sàng phối hợp để thúc đẩy các chương trình hợp tác, tìm hiểu kinh nghiệm của khối Doanh nghiệp Trung ương, đồng thời, Đại sứ quán sẽ tiếp tục là cầu nối, đẩy mạnh trao đổi thông tin và kinh nghiệm giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hai nước, phục vụ mục tiêu phát triển của Việt Nam.